MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chi phí tăng cao 'bào mòn' lợi nhuận An Phát Holdings và Nhựa An Phát Xanh

Chi phí tăng cao 'bào mòn' lợi nhuận An Phát Holdings và Nhựa An Phát Xanh

Các loại chi phí tăng cao đã bào mòn lợi nhuận của An Phát Holdings khiến công ty này lỗ ròng gần 14 tỷ đồng trong quý III/2024. Tương tự, Nhựa An Phát Xanh cũng báo lỗ ròng gần 26 tỷ đồng trong kỳ.

Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024, CTCP Tập đoàn An Phát Holdings (mã: APH) ghi nhận doanh thu thuần giảm gần 7% so với cùng xuống 3.708 tỷ đồng. Trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp tăng 18,5% lên 455 tỷ đồng.

Trong kỳ, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng lần lượt 37% và 107% lên 228 và 230 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính giảm hơn 35%, doanh thu hoạt động tài chính cũng giảm hơn nửa về còn 30 tỷ đồng.

Lợi nhuận gộp tạo ra không đủ trang trải các chi phí khiến An Phát Holdings báo lỗ sau thuế gần 14 tỷ đồng, kém xa khoản lãi 78 tỷ đồng cùng kỳ. Theo giải trình việc thua lỗ trong quý vừa qua chủ yếu đến từ việc ghi nhận khoản lỗ từ công ty con.

Việc tiếp tục thua lỗ trong quý III/2024 khiến lỗ lũy kế tại ngày 30/9/2024 tăng lên 208 tỷ đồng.

Luỹ kế 9 tháng, An Phát Holdings đạt 10.348 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 9% so với cùng kỳ. Nhờ kinh doanh tích cực trong hai quý trước nên lãi ròng của APH trong 9 tháng đầu năm 2024 vẫn tăng hơn gấp đôi cùng kỳ, đạt 257 tỷ đồng.

An Phát Holdings vừa qua đã tiến hành giảm kế hoạch kinh doanh năm 2024. Cụ thể, doanh thu thuần giảm hơn 7%, từ 14.000 tỷ theo kế hoạch ban đầu xuống còn 13.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm 10,5% từ 314 tỷ xuống 281 tỷ đồng. Như vậy, APH đã thực hiện được 91% chỉ tiêu lợi nhuận sau ba quý đầu năm.

Tại ngày 30/9/2024, tổng tài sản của APH ở mức 12.829 tỷ đồng, tăng 3,6% so với đầu năm.

Tiền và các khoản tương đương tiền giảm 22% về còn 1.946 tỷ đồng trong khi đầu tư tài chính ngắn hạn tăng nhẹ lên gần 1.347 tỷ đồng.

Các khoản phải thu ngắn hạn tăng 60% lên 2.307 tỷ đồng, trong đó khoản tăng mạnh nhất là trả trước cho người bán ngắn hạn.

Hàng tồn kho tăng 12% lên gần 1.141 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất là nguyên vật liệu đồng thời phát sinh 88 tỷ đồng hàng hóa bất động sản trong khi đầu kỳ không ghi nhận. Mặt khác, chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng 43% lên 426 tỷ đồng.

Tổng nợ phải trả của An Phát Holdings ở mức 6.946 tỷ đồng, tăng không đáng kể. Trong đó, nợ vay ngắn hạn giảm 16% còn 2.801,5 tỷ đồng, nợ vay dài hạn tăng 73% lên 795 tỷ đồng. Trong số này dư nợ trái phiếu gần 470 tỷ đồng, còn lại chủ yếu là vay ngân hàng.

Tương tự An Phát Holdings, công ty con của APH là CTCP Nhựa An Phát Xanh (mã: AAA) cũng báo lỗ ròng gần 26 tỷ đồng trong quý III/2024, trong khi cùng kỳ lãi 104 tỷ đồng. Nhiều khả năng chi phí đội lên xuất phát từ các công ty con bởi cổ đông công ty mẹ AAA vẫn lãi 22 tỷ đồng, còn cổ đông thiểu số lỗ hơn 47 tỷ đồng.

Theo BCTC, AAA ghi nhận doanh thu 3.193 tỷ đồng, giảm 9,5% so với cùng lỳ. Lợi nhuận gộp tăng 7,8% lên 345 tỷ đồng.

Trong kỳ, chi phí bán hàng đặc biệt là chi phí quản lý tăng vọt lần lượt 30% và 156% so với cùng kỳ lên 191 tỷ và 184 tỷ. Đây là nguyên nhân chính bào mòn lợi nhuận gộp của AAA.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu của AAA đạt 8.940 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 256 tỷ đồng, lần lượt giảm 10% và tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023.

Tương tự APH, AAA cũng thông qua việc điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh năm 2024. Kế hoạch doanh thu hợp nhất của AAA giảm hơn 8% so với ban đầu, từ 12.000 tỷ xuống 11.000 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế năm giảm gần 17% từ 377 tỷ xuống 314 tỷ đồng. Do đó, doanh nghiệp đã thực hiện được gần 82% kế hoạch lợi nhuận năm sau 9 tháng.

An Phát Holdings vừa ghi nhận biến động thượng tầng khi Chủ tịch HĐQT kiêm nhà sáng lập Phạm Ánh Dương nộp đơn từ nhiệm. Đơn từ nhiệm của ông Phạm Ánh Dương được ĐHĐCĐ bất thường ngày 9/10 thông qua. Thay thế cho ông Phạm Ánh Dương ở ghế Chủ tịch HĐQT APH là ông Nguyễn Lê Thăng Long.

Được biết ông Nguyễn Lê Thăng Long sinh năm 1984, trình độ Tiến sĩ Khoa học vật liệu. Ông Long gia nhập An Phát Holdings năm 2017 với vị trí Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Phát triển.

Từ tháng 7/2021, ông Long giữ chức Phó Tổng giám đốc Tập đoàn và mới được miễn nhiệm chức vụ này từ ngày 25/9 vừa qua. Đáng chú ý, ông Long cũng mới rút khỏi HĐQT APH hồi tháng 5/2024.

Bên cạnh đó, ông Long cũng đã và đang đảm nhiệm vị trí lãnh đạo tại nhiều công ty con như: Thành viên HĐQT CTCP Nhựa Hà Nội, Chủ tịch HĐQT CTCP Anbio, Phó Chủ tịch HĐQT thường trực CTCP Nhựa An Phát Xanh...

Theo Hà Ly

An ninh tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên