"Chỉ riêng ngành ngân hàng sẽ khó giải quyết được vấn đề thừa tiền trong hệ thống"
Nhiều ngân hàng đang tăng tốc giải ngân. (Ảnh: Int)
Để giải quyết tình trạng “thừa tiền”, nhiều ngân hàng đang tăng tốc giải ngân. Đặc biệt sau hơn 1 tháng thực hiện Thông tư 06, nhiều ngân hàng đã có “cuộc đua” đưa lãi suất cho vay về mức hấp dẫn.
Từ đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 khoảng 14-15%, trong khi đó đến thời điểm 29/9 tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,7 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 6,9% so với đầu năm, cao hơn dự báo của Ngân hàng nhà nước (6,1-6,2%).
Tuy nhiên, thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều, để giải quyết bài toán dư tiền, các ngân hàng đang "tăng tốc".
Theo đó, Vietcombank triển khai chính sách cho khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác, áp dụng đối với các khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống của khách hàng cá nhân với lãi suất ưu đãi từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc 8%/năm trong 24 tháng đầu.
Còn VietinBank đưa lãi suất cho vay khách hàng cá nhân còn chỉ từ 5,6% với vay sản xuất kinh doanh và từ 7,5%/năm đối với vay tiêu dùng. Mức cho vay lên tới 100% dư nợ gốc còn lại tại ngân hàng khác. Ân hạn nợ gốc lên tới 24 tháng. Thời gian vay tối đa 35 năm và không quá thời gian còn lại của khoản vay tại ngân hàng khác.
Agribank đưa ra 6%/năm trong 6 tháng đầu hoặc từ 6,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc từ 7,5%/năm trong 24 tháng đầu. Ngân hàng sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay theo tình hình thực tế.
Tại Techcombank, khách hàng có thể chuyển khoản vay bất động sản từ ngân hàng khác sang Techcombank với lãi suất vay từ 7,3%/năm, ân hạn gốc 24 tháng. Số tiền cho vay và thời gian cho vay tương đương với khoản vay của khách hàng tại ngân hàng cũ.
MB cho biết, đang triển khai chương trình chuyển khoản vay bất động sản từ ngân hàng khác với lãi suất chỉ 8%/năm cố định trong 12 tháng.
Chị Đinh Thu Nga (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, từ khi được tiếp cận gói tín dụng vay ngân hàng này để trả nợ cho ngân hàng khác, “ghánh nặng” lãi suất và trả gốc nhẹ bớt đi phần nào. Bởi trước đó, chị Nga vay của một ngân hàng tư nhân đầu tư một căn liền kề tại một dự án ở Hưng Yên với lãi suất thả nổi 11%. Nay chị đã chuyển sang vay của một ngân hàng có vốn của nhà nước với lãi suất năm đầu 6,5%, và 8% trong năm thứ 2, thứ 3.
“Mặc dù dù tôi phải chịu lãi phạt ngân hàng trước nhưng tính tổng thể lãi suất vẫn thấp hơn nhiều so với lãi suất vay trước”, chị Nga nói.
Trao đổi với báo chí mới đây, lãnh đạo một chi ngánh Ngân hàng MB cho biết, ngân hàng này đang áp dụng chương trình ưu đãi cho khách hàng thân thiết với mức từ 7-8,2%/năm. Đây là mức lãi suất cho vay đã giảm mạnh nhằm hỗ trợ cho khách hàng trả nợ, cũng như vay tiêu dùng.
“Thông tư 06 cho vay trả nợ ngân hàng khác là giúp các ngân hàng cạnh tranh đưa lãi suất thấp cho khách hàng. Khách hàng chỉ mất chi phí định giá lại tài sản, hệ sinh thái của MB có công ty định giá, xác định khoản vay, đưa ra gói phí phù hợp, giúp khách hàng dễ tiếp cận hơn, với chi phí hợp lý. Chi nhánh MB chúng tôi đã tái tài trợ hơn 200 tỷ đồng cho khách hàng”, vị này nói.
TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, chỉ riêng ngành ngân hàng sẽ khó giải quyết được vấn đề thừa tiền trong hệ thống nhà băng. Các chính sách điều hành cần hướng dòng tiền vào khu vực có khả năng phục hồi, phát triển, dẫn dắt nền kinh tế, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp…
Theo Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tín dụng, đã tăng mạnh trong tuần cuối tháng 9 khi gần 120.000 tỷ đồng (tương đương 1% tổng dư nợ) được bơm ra nền kinh tế. Tính đến ngày 29/9, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,7 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 6,9% so với đầu năm, cao hơn dự báo của Ngân hàng nhà nước (6,1-6,2%).
Trong khi đó, cơ quan quản lý từng cho biết đến 21/9, tín dụng toàn nền kinh tế mới tăng khoảng 5,9% so với đầu năm (tức tín dụng bình quân mỗi tháng chỉ tăng hơn 0,6%), đạt khoảng 12,63 triệu tỷ đồng.
Như vậy, chỉ trong khoảng 9 ngày cuối tháng 9, tín dụng tăng được 1%, tương đương khoảng 120.000 tỷ đồng bơm ra nền kinh tế.
Trước đó, Tại cuộc họp về vấn đề "giải cứu" tồn kho tiền trong hệ thống ngân hàng do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã đề nghị NHNN và các bộ, cơ quan phát huy tinh thần cầu thị, nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến đóng góp để chủ động có giải pháp tháo gỡ ngay theo thẩm quyền và quy định.
NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, DN.
Tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, các ngành sản xuất chủ lực trong nước, các lĩnh vực tạo sự phát triển đột phá, lan tỏa; thực hiện các biện pháp hiệu quả để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Phó thủ tướng đề nghị NHNN rà soát lại tất cả các điều kiện liên quan đến tín dụng, lắng nghe và tiếp thu các kiến nghị hợp lý, tháo gỡ được gì thì phải tính toán, có giải pháp điều chỉnh kịp thời. Đối với những gói hỗ trợ tín dụng đang còn hiệu lực thì tiếp tục cố gắng thúc đẩy, giải ngân tối đa có thể…
Nhịp sống thị trường