MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chỉ số ưa thích của Warren Buffett đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về bong bóng trên TTCK Mỹ

14-02-2021 - 15:30 PM | Tài chính quốc tế

Chỉ số ưa thích của Warren Buffett đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về bong bóng trên TTCK Mỹ

Chỉ báo Buffett có công thức rất đơn giản: lấy tổng giá trị vốn hóa của TTCK Mỹ chia cho GDP Mỹ tính theo USD.

Tuần vừa qua, khi các chỉ số chứng khoán Mỹ một lần nữa lập kỷ lục mới, một trong những câu châm ngôn nổi tiếng nhất của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett lại tỏ ra hợp thời: các nhà đầu tư nên "sợ hãi khi người khác tham lam".

Và bất cứ fan hâm mộ nào của Buffett cũng sẽ cảm thấy đúng là nên sợ hãi khi sử dụng thước đo yêu thích của "nhà tiên tri xứ Omaha" để đo lường mức độ rủi ro trên thị trường trong những ngày này.

Chỉ báo Buffett có công thức rất đơn giản: lấy tổng giá trị vốn hóa của TTCK Mỹ chia cho GDP Mỹ tính theo USD. Năm 2019, chỉ số này lần đầu tiên vượt qua mức đỉnh trước đó vốn được lập trong thời kỳ bong bóng dot-com. Từ nhiều thập kỷ nay "chỉ báo Buffett" vẫn có xu hướng tăng cao. Và nếu như có 1 triết lý mà nhà đầu tư thậm chí còn yêu thích hơn cả Buffett thì đó là "xu hướng là bạn". 

”Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, kể cả xu hướng dài hạn cũng không thể khiến nhà đầu tư bớt sợ khi nhìn vào chỉ số này. Hiện giá trị vốn hóa của TTCK Mỹ đã cao hơn gấp đôi so với ước tính GDP Mỹ quý hiện tại – mức cao nhất từ trước đến nay.

Chỉ số ưa thích của Warren Buffett đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về bong bóng trên TTCK Mỹ - Ảnh 1.

Chỉ báo Buffett qua các thời kỳ từ năm 1990 đến nay. Vào ngày 4/2 chỉ số này đã vượt quá cả thời kỳ bong bóng dot-com. Nguồn: Bloomberg.

Dựa trên chỉ báo này, nhà đầu tư có thể đánh giá liệu thị trường chứng khoán đang được định giá quá cao hay quá thấp so với quy mô của nền kinh tế tại một thời điểm. Trong 1 bài viết đăng trên tạp chí Fortune năm 2001, Buffett từng mô tả chỉ báo này " là thước đo tốt nhất và có thể sử dụng để đánh giá tại bất kì một thời điểm cụ thể".

"Chỉ báo Buffett"  thiếu sót ở chỗ GDP không bao gồm lợi nhuận kiếm được ở thị trường nước ngoài và các công ty niêm yết tại Mỹ không nhất thiết phải đóng góp cho nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, đây vẫn là một chỉ số để dự đoán dấu hiệu suy thoái trong tương lai. Ví dụ, chỉ báo này đã đạt mức 118% trước bong bóng dotcom năm 2000 và đạt mức 100% trước khủng hoảng tài chính năm 2008.

Với lãi suất Mỹ đang ở mức gần 0, Fed vẫn tiếp tục mua trái phiếu trong tương lai gần và lượng tiền tiết kiệm dồi dào cũng như các gói kích thích tài khóa sẽ thúc đẩy GDP cùng lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng cao, trong thập kỷ vừa qua có rất nhiều lời cảnh báo rủi ro đã không trở thành hiện thực.

Dẫu vậy, theo Michael O’Rourke, chiến lược gia trưởng tại JonesTrading, chỉ báo Buffett vẫn thể hiện 1 cơn sốt đặc biệt trên TTCK Mỹ. "Kể cả nếu Fed vĩnh viễn áp dụng những chính sách như hiện nay (mà họ không nên như vậy), vẫn là không hợp lý khi phải trả mức giá cao hơn gấp 2 lần so với trung bình 25 năm qua".

Không chỉ có chỉ báo Buffett, rất nhiều thước đo giá trị khác cũng đã lập kỷ lục mới trong cú hồi phục sau đại dịch. Các chỉ số P/E, P/S và P/B của chứng khoán Mỹ đều đang ở mức cao hơn cả thời kỳ bong bóng dot-com mà trước đây nhiều người cho là sẽ chỉ xảy ra 1 lần trong đời.

Xưa nay giá trị vốn hóa tăng vẫn được coi là 1 chỉ báo xấu để xác định thời điểm thị trường đạt đỉnh. Nhưng ở thời điểm hiện tại, nhiều nhà đầu tư tự tin đặt cược rằng đà hồi phục từ đại dịch sẽ khiến mẫu số của các chỉ số nói trên tăng lên, vì thế họ không sợ hãi khi giá trị vốn hóa tăng quá cao.

Tuần trước, chỉ số S&P 500 tăng 1,2% để đóng cửa ở mức cao kỷ lục nhờ những thông tin lạc quan về khâu phân phối vaccine và gói kích thích tài khóa mới. Năng lượng, ngành tăng trưởng mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay, cũng là nhóm ngành dẫn đầu đà tăng với mức tăng 4,3%.

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu Mỹ 10 năm chạm mức 1,2% hôm thứ sáu (12/2), cao nhất kể từ năm ngoái. Có rất ít khả năng lãi suất sẽ lên đến ngưỡng mà sẽ làm xói mòn đà tăng của thị trường. Trong bài phát biểu mới nhất, Chủ tịch Fed Jerome Powell một lần nữa nhấn mạnh Fed sẽ không sớm rút các chính sách kích thích kinh tế. Điều đó mang lại thêm sự dễ chịu cho thị trường.

Một nguyên nhân khác khiến nhà đầu tư tự an ủi mình là trong thời kỳ bong bóng dotcom, lợi suất trái phiếu 10 năm chỉ cao hơn một chút so với mức trung bình nhưng vẫn lên tới 6,5%, tức là lãi suất thấp không thúc đẩy TTCK. Các nhà đầu tư có nhiều lựa chọn tốt khác nhưng họ vẫn đổ xô vào cổ phiếu một cách thiếu thận trọng. Còn ngày nay mặc dù chỉ báo Buffett cũng cao kỷ lục, lãi suất đang ở mức thấp nhất mọi thời đại. Đầu tư vào trái phiếu mang lại lợi suất quá thấp, đến mức thực chất thì nhà đầu tư bị mất tiền vì lạm phát. Do đó các nhà đầu tư ngày nay buộc phải tìm đến những tài sản rủi ro hơn mà cổ phiếu là lựa chọn hàng đầu. 

Mặc dù lập luận này không dựa trên yếu tố cơ bản nào, nó vẫn cho thấy thị trường ngày nay sẽ ít có xác suất sụp đổ nhanh chóng như năm 2000, và có lẽ sẽ là hợp lý khi cho rằng các chỉ số sẽ tiếp tục ở mức cao bất thường chừng nào lãi suất còn được giữ ở mức thấp bất thường như hiện tại. 

Tham khảo Bloomberg

Thu Hương

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên