Chỉ trong 1 tháng, BV Nhi Trung ương tiếp nhận gần 400 trẻ ho gà, có bé phải thở máy: Nếu trẻ ho kèm các triệu chứng này, có thể ngừng thở bất cứ lúc nào
Ho gà là một bệnh lý nguy hiểm, 1 người có thể lây lan cho 12-17 người. Những cơn ho xuất hiện nhiều làm trẻ yếu dần, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến ngừng thở do thiếu oxy.
- 10-07-2024Bé trai 2 tuổi thủng ruột vì món đồ chơi nhiều trẻ em mê mẩn
- 10-07-2024Trẻ em có 3 biểu hiện ám chỉ rằng chúng đang rất thiếu tình thương: Đáng tiếc là nhiều cha mẹ lại hiểu lầm, tưởng con mình xuất sắc
- 09-07-2024Sau 130 năm, WHO chính thức đưa bột talc trong phấn rôm trẻ em vào Nhóm 2A có thể gây ung thư
Từ đầu tháng 7/2024 đến nay, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận gần 400 trẻ mắc bệnh ho gà đến khám và điều trị. Trong đó, phần lớn các trường hợp mắc là trẻ em dưới 1 tuổi chưa tiêm phòng hoặc tiêm chưa đủ mũi vaccine phòng bệnh. Hiện tại Trung tâm đang điều trị cho gần 40 trẻ mắc bệnh ho gà, trong đó có 1 bệnh nhi nặng cần phải thở máy.
Trường hợp nhập viện mới đây nhất là bé gái, 24 ngày tuổi, ở Lạng Sơn nhập viện trong tình trạng ho nhiều cơn, trong cơn ho có tím mặt, trớ ra nhiều đờm trắng quánh dính.
Qua khai thác bệnh sử gia đình cho biết: Trước khi nhập viện 20 ngày, mẹ của bệnh nhi có triệu chứng ho, nhưng không đi khám và vẫn chăm sóc trẻ. Khoảng 1 tuần trước khi nhập viện trẻ xuất hiện ho húng hắng, không sốt. Sau đó trẻ xuất hiện ho nhiều cơn rũ rượi, trong cơn ho có tím mặt và trớ ra nhiều đờm trắng quánh dính nên gia đình đã đưa trẻ đến Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám và điều trị. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành lấy mẫu dịch đường hô hấp để xét nghiệm. Kết quả, trẻ được chẩn đoán mắc bệnh ho gà. Hiện sau 5 ngày điều trị, tình trạng trẻ đã cải thiện đáng kể, trẻ giảm ho, ăn ngủ được, dự kiến ra viện trong một vài ngày tới.
TS.BS Trần Thị Thu Hương, Trưởng khoa Khám và Điều trị ban ngày, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, cho hay ho gà là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường gặp ở trẻ nhỏ. Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho.
"Cơn ho ngày càng nặng và trở thành cơn ho kịch phát trong 1-2 tuần, kéo dài 1-2 tháng hoặc lâu hơn. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm thậm chí không qua khỏi nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời", bác sĩ Hương nói.
Khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ, cha mẹ cần đưa con đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời. Trẻ điều trị càng sớm, càng nhanh khỏi bệnh và ít có nguy cơ bị biến chứng.
Các triệu chứng của bệnh ho gà
Ho gà là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp gây ra do vi khuẩn Bordetella pertussis, có tính lây truyền rất cao ở mọi độ tuổi nếu chưa có miễn dịch phòng bệnh, đặc biệt nguy hiểm ở trẻ dưới 1 tuổi.
Theo thống kê y khoa, có đến 50% trẻ em trẻ dưới 1 tuổi bị mắc bệnh ho gà phải nằm viện để tiến hành điều trị. Trong đó, có khoảng 25% trường hợp bệnh chuyển biến nặng và chuyển biến sang viêm phổi, cứ 100 trẻ lại có 1 trẻ bị tử vong do ho gà.
Phương thức lây truyền của bệnh ho gà là do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Tính lây truyền rất cao ngay sau khi phơi nhiễm với giọt nước miếng của bệnh nhân, có thể lây cho 12-17 người, nhất là với những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín lâu dài như gia đình, trường học,…
Khi mắc bệnh ho gà thì các biểu hiện tiến triển khác nhau qua những giai đoạn của bệnh:
- Giai đoạn ủ bệnh: Bệnh kéo dài từ 6-20 ngày (trung bình khoảng 9-10 ngày), ở thời kỳ này chưa có triệu chứng gì.
- Giai đoạn lây nhiễm: Bệnh lây nhiễm mạnh nhất trong thời gian 2 tuần đầu kể từ khi khởi phát bệnh và có thể kéo dài hơn 3 tuần nếu không được điều trị. Sau 5 ngày điều trị kháng sinh phù hợp, bệnh nhân có thể không gây lây nhiễm.
- Giai đoạn viêm long đường hô hấp: Bệnh kéo dài khoảng 1-2 tuần, xuất hiện triệu chứng giống như viêm đường hô hấp: sốt nhẹ, chảy nước mũi, ho húng hắng, hắt hơi, cuối giai đoạn này ho nặng thành cơn.
- Giai đoạn khởi phát: Bệnh kéo dài từ 1- 6 tuần, có trường hợp đặc biệt kéo dài trên 10 tuần với các biểu hiện cơn ho điển hình như: ho rũ rượi thành từng cơn, mỗi cơn ho từ 15-20 tiếng ho liên tiếp, càng về sau càng yếu và giảm dần.
Những cơn ho xuất hiện nhiều làm trẻ yếu dần, có thể ngừng thở do thiếu oxy, mặt tím tái, mặt đỏ, tĩnh mạch cổ nổi, chảy nước mắt, nước mũi. Thở rít vào xuất hiện cuối mỗi cơn ho hoặc xen kẽ sau mỗi tiếng ho, tiếng rít nghe như tiếng gà.
Trẻ dưới 6 tháng tuổi có thể không nghe thấy tiếng rít trong cơn ho. Kết thúc cơn ho bằng việc khạc đờm trắng, màu trong, dính. Trong đờm có vi khuẩn ho gà, đây cũng là một nguồn lây bệnh. Trong khoảng 2 tuần đầu của giai đoạn này, tần suất các cơn ho khoảng 15 cơn/ngày, sau đó giảm dần, bệnh có thể kéo dài trên 3 tuần nếu không được điều trị.
- Giai đoạn phục hồi: Cơn ho ít dần, bệnh nhân hạ sốt, tuy nhiên sau đó nhiều tháng, ho có thể tái phát lại gây viêm phổi.
Biểu hiện bệnh ở người lớn và trẻ vị thành niên thường nhẹ, ít gặp cơn ho điển hình hoặc là không có triệu chứng, thường khỏi sau 7 ngày.
Theo các bác sĩ, tiêm ngừa vaccine là cách hữu hiệu để phòng ngừa bệnh ho gà hiệu quả nhất cho trẻ em cũng như cả gia đình. Tuy nhiên, miễn dịch sẽ giảm dần theo thời gian nên trẻ cần được tiêm nhắc theo lịch; người lớn cần tiêm nhắc mỗi 10 năm; phụ nữ có thai tiêm trong khoảng từ tuần 27 đến trước tuần 36 của thai kì. Điều này sẽ góp phần duy trì miễn dịch cộng đồng và bảo vệ trẻ sơ sinh trong những tháng đầu đời.
Biện pháp phòng ngừa khác có thể áp dụng được khuyến cáo như đeo khẩu trang nơi công cộng, giữ vệ sinh khi ho, hắt hơi, vệ sinh bề mặt các vật dụng, rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn; bên cạnh đó cần hạn chế để trẻ tiếp xúc với người đang có các triệu chứng đường hô hấp.
Đời sống & pháp luật