Chia nhau miếng bánh 335 tỷ USD, Việt Nam đâu thể chậm chân
Uber hay Grab chỉ là một ví dụ của nền kinh tế chia sẻ đang phát triển mạnh mẽ. Và, Việt Nam không phải quốc gia duy nhất đau đầu với vấn đề này.
- 22-08-2019Grab khẳng định đã đóng thuế gần 1.000 tỷ đồng
- 20-08-2019Đang thanh tra thuế Grab tại TP HCM
- 05-08-2019Grab nói gì trước nghi ngờ không nộp hộ thuế cho đối tác?
Thị trường “tỷ đô”
Các dịch vụ trực tuyến trị giá nhiều tỷ USD đang tạo đột phá trong các phân khúc của nền kinh tế. Theo nghiên cứu của Công ty Kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC), ước tính doanh thu toàn cầu từ các công ty cung cấp ứng dụng nền tảng kinh doanh chia sẻ sẽ đạt tới 335 tỷ USD vào năm 2025 so với doanh thu mới khoảng 15 tỷ USD của năm 2014.
Giá trị lớn nhất của mô hình kinh doanh chia sẻ là tác động lên hầu hết các lĩnh vực kinh doanh truyền thống, buộc thay đổi và cạnh tranh, tiết giảm chi phí và tận dụng tối đa các nguồn lực.
Nếu dịch vụ chia sẻ đi nhờ xe Uber đã vươn tới hàng trăm thành phố tại khoảng 70 quốc gia chỉ trong vòng sáu năm thì dịch vụ đặt phòng, căn hộ Airbnb đã có mặt ở gần 200 quốc gia và được định giá lên tới hơn 20 tỷ USD trong tám năm. Lyft, dịch vụ gọi xe của Mỹ, và đối thủ Uber là những công ty đầu tiên thông báo phát hành IPO trong nỗ lực phát triển doanh nghiệp có giá trị trên 15 tỷ USD này.
Từ những mảng cơ bản, các “đại gia” về kinh tế chia sẻ đang ngày càng bành trướng như Uber cung cấp cả dịch vụ cho thuê trực thăng và kho bãi hậu cần kèm vận chuyển giao hàng, Airbnb từ chỗ cho thuê phòng trống nay cũng đã mở rộng thêm dịch vụ đặt chỗ ở khách sạn...
Xa hơn, tỷ phú Elon Musk, nhà sáng lập một loạt tập đoàn lớn (Tesla, Paypal, SpaceX, The Boring... ), từng khẳng định sẽ sớm đưa xe tự hành Tesla vào hoạt động taxi kiểu Uber.
Theo Giáo sư Arun Sundararajan ở Đại học New York, nền kinh tế chia sẻ mới chỉ bắt đầu. Ông cho rằng đang có những ứng dụng cho các dịch vụ chuyên nghiệp về chăm sóc sức khỏe và có thể là cả năng lượng thay thế.
Đến nay, mô hình này đã phổ biến ở nhiều quốc gia và trở thành một mô hình tiên tiến, phù hợp với kinh tế số. Mỹ, một quốc gia đi đầu trong mô hình kinh tế chia sẻ. Từ năm 2009, khi gặp khủng hoảng kinh tế, mô hình này bắt đầu phát triển mạnh, dù rằng trước đó đã được nhắc tới. Việc chia sẻ những tài nguyên sẵn có bằng các ứng dụng công nghệ đã mang lại những khoản lợi nhuận khổng lồ cho nhà cung ứng dịch vụ lẫn người cho thuê và sử dụng tài nguyên.
Theo ông Eugene Tay, Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Chia sẻ Singapore, các mô hình kinh tế chia sẻ đang nổi trội hơn mô hình truyền thống nhờ sức mạnh của công nghệ và Internet. “Sự phát triển của công nghệ kết hợp cùng với nhu cầu tiết kiệm của con người đã tạo ra làn sóng, ảnh hưởng đến hành vi của người tiêu dùng”, ông nói.
Thống kê của Hiệp hội Kinh tế Chia sẻ Singapore cho thấy, sau gần 2 năm ra mắt, hiệp hội này đã có 10 thành viên tham gia là các dịch vụ kinh tế chia sẻ. Ước tính, nền kinh tế chia sẻ giúp Singapore tiết kiệm được khoảng 25 triệu USD/năm.
Bài học quản lý
Dù chứng tỏ được sự ưu việt, tính hấp dẫn, sự nở rộ của các mô hình kinh tế chia sẻ đang cho thấy mối lo ngại về cạnh tranh không bình đẳng, khiến cơ quan quản lý của nhiều quốc gia bối rối.
Đầu tháng 9, Hạ viện Mỹ đã tổ chức điều trần về vấn đề này khi hiện có đến 3,2 triệu người đang làm việc với mô hình kinh tế chia sẻ. Hiện nay, nhiều người tham gia mô hình này không tham gia bảo hiểm y tế, chế độ hưu bổng như các lao động thông thường.
Tại New York, các công tố viên cho biết, từ năm 2010 đến 2014, Airbnb có hơn 300.000 giao dịch vi phạm luật, mang về 304 triệu USD doanh thu thuê phòng, trong đó 40 triệu USD chảy vào túi Airbnb,...
Cơ quan quản lý phương tiện giao thông ở thủ đô London đã tạm thời không tiếp tục gia hạn giấy phép cho Uber sau khi hết hạn. Lý do được đưa ra là Uber chưa thể hiện trách nhiệm những vấn đề liên quan an toàn và an ninh công cộng.
Nhận thấy những vấn đề tiêu cực nảy sinh, chính quyền Singapore đã ban hành những điều luật cụ thể nhằm tạo ra một nền kinh tế chia sẻ có lợi cho tất cả mọi người. Về ứng dụng đặt xe, với các ứng dụng công nghệ có ít nhất 20 taxi hoạt động, sẽ bị chi phối bởi Điều luật dành cho các nhà cung cấp dịch vụ đặt taxi.
Các công ty này phải được cấp giấy đăng ký từ Cơ quan quản lý giao thông đường bộ và phải đáp ứng các điều kiện về chi phí, giá cả, tiêu chuẩn dịch vụ, và cam kết chỉ thuê những taxi được cấp bằng...
Trong năm 2017, Singapore đã quy định điều luật cho phép chính quyền đình chỉ hoạt động các công ty cung cấp dịch vụ đi xe chung khoảng 1 tháng, nếu như phát hiện ít nhất 3 trường hợp tài xế không có đầy đủ giấy tờ, bằng cấp và bảo hiểm. Tài xế cũng sẽ bị phạt hành chính và thậm chí là phạt tù.
Về quy định với các công ty cung cấp dịch vụ cho thuê nhà ở như Airbnb, trong năm 2017, Singapore ban hành luật nghiêm cấm các chủ nhà cho thuê bất động sản tư trong thời gian dưới 6 tháng. Những khách sạn, nhà nghỉ hoạt động trái phép cũng sẽ bị xử phạt.
Tại Mỹ, mỗi bang lại có quy định khác nhau. New York coi đây là một hãng taxi nên buộc phải tuân thủ nhiều điều kiện ngặt nghèo, nhưng rốt cục bang này cũng không quản lý được. San Francisco cởi mở hơn, coi Uber là loại hình vận tải đặc thù. Chỉ có tại Washington, D.C thì Uber mới được coi là một loại hình hoàn toàn mới, thành phố này có các điều khoản riêng đảm bảo địa vị pháp lý cho Uber. Vì vậy, hoạt động kinh doanh của Uber ở đây khá ổn định.
Ở Hàn Quốc, mô hình kinh tế chia sẻ được coi là công cụ chính sách để giải quyết các vấn đề đô thị như tắc nghẽn giao thông. Chính phủ Hàn Quốc có mục tiêu xây dựng thành phố chia sẻ Seoul. Để làm được điều đó, Hàn Quốc ra quy định thúc đẩy kinh tế chia sẻ, hỗ trợ các doanh nghiệp với một số tiêu chí nhất định, rà soát sửa đổi luật và quy định hiện hành và thực hiện nhiều biện pháp khác.
Câu chuyện quản lý nền kinh tế chia sẻ là bài học lớn cho Việt Nam. Trong khi vẫn chưa có đầy đủ quy định hay luật lệ trong việc quản lý và phương thức kinh doanh này, thì dường như thực tế đang chứng minh một điều rằng: không có gì cản trở được bước phát triển mạnh mẽ của kinh tế chia sẻ.
Vietnamnet