MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chia sẻ suy ngẫm từ cô gái mắc ung thư năm 31 tuổi

10-11-2022 - 05:32 AM | Sống

Muốn thay đổi cuộc sống của mình, trước hết hãy bắt đầu bằng việc thay đổi thói quen suy nghĩ của bản thân.

Quá kìm nén cảm xúc có thể trở thành lời nguyền đối với sức khỏe

Một bà mẹ trẻ ở Hàng Châu, Trung Quốc phát hiện mình mắc bệnh ung thư tuyến giáp khi khám sức khỏe định kỳ năm 31 tuổi.

Cô ấy đã viết một bài tự truyện có tiêu đề "Gặp gỡ ung thư ở tuổi 31", nội dung bài viết nói rằng cô ấy là một người nghiện công việc và ăn uống, cô ấy ăn đêm mỗi ngày để giải tỏa tâm lý.

Nghe tới đây, nhiều người có thể nói: "Lại một trường hợp nữa hủy hoại bản thân bằng cách ăn uống vô tổ chức".

Nhưng trên thực tế, đằng sau mỗi một "cao thủ ăn uống" đều là một lý do xót xa.

Người mẹ này cho biết, cô thường chịu nhiều áp lực trong công việc, ban ngày phải tiếp xúc với nhiều người, xử lý nhiều mối quan hệ, cô thường phải cố gắng kiềm chế cảm xúc của bản thân, luôn nuốt tức giận, ấm ức vào trong lòng.

Ở nhà cũng vậy, cô và chồng cũng không phải cặp vợ chồng lãng mạn, dăm ba bữa lại một trận giận nhau, có những lúc còn chẳng buồn nói chuyện với nhau tới tận chục ngày.

Cô ấy là kiểu người để bụng mọi chuyện, cả nghĩ nhưng không chịu nói ra, cũng không dễ quên nên suốt ngày ở trong trạng thái ủ rũ, buồn bực.

Cô tức giận khi chồng đổi điện thoại di động, tức giận khi chồng nghe điện thoại trong bữa ăn, tức giận khi mua một đôi giày da không đẹp, tiền thưởng của đồng nghiệp cao hơn một chút, cô cũng tức giận, thành tích giảm hơn tháng trước, cô cũng bực mình.

Cách duy nhất để thư giãn là ăn đêm.

Chia sẻ suy ngẫm từ cô gái mắc ung thư năm 31 tuổi - Ảnh 1.

Ảnh: Pinterest


"Rõ ràng là chẳng làm gì, nhưng cứ luôn cảm thấy rất mệt mỏi"

Những người hay kìm nén cảm xúc, cả nghĩ đều có một vấn đề chung, đó là sự “bào mòn nội tâm” nghiêm trọng.

Chẳng hạn, trong giao tiếp giữa các cá nhân, khi gặp phải bất đồng hoặc mâu thuẫn với người khác, giải pháp của họ không phải là giao tiếp hay hành động, mà là liên tục suy nghĩ: Liệu họ có vì vậy mà nghĩ không tốt về mình không? Liệu họ có tức giận không? Rồi cứ như vậy suy nghĩ về nó cả ngày dài.

Sự nghi ngờ và phỏng đoán này là một kiểu bào mòn tâm lý bản thân, về lâu dài sẽ gây ra sự "tra tấn tinh thần" nghiêm trọng.

"Rõ ràng là chẳng làm gì, nhưng cứ luôn cảm thấy rất mệt mỏi" là câu chuyện miêu tả chân thực về những người như vậy.

Chia sẻ suy ngẫm từ cô gái mắc ung thư năm 31 tuổi - Ảnh 2.

Ảnh: Pinterest


Khi bị cuốn theo và chìm đắm vào trong những suy nghĩ tiêu cực, chúng ta không thể quản lý được nhận thức, cảm xúc và ý chí, rất nhiều năng lượng bị hao tổn, vậy thì còn đâu tâm trí để làm việc khác? Mệt mỏi, là chuyện phải xảy đến.

Một cư dân mạng từng nói rằng cô ấy là một người rất nhạy cảm và đặc biệt sợ những người xung quanh mình phật ý hay không vui.

Nhưng theo thời gian, cô nhận ra rằng việc cố gắng để làm hài lòng người khác đồng thời cũng khiến cô ngày một đánh mất bản thân.

Đỉnh điểm là đến một ngày, khi đi ăn tối với một người bạn, anh ấy bỗng nói với cô rằng: "Tôi thấy bà là người rất tự ti, bởi tôi cảm giác bà luôn tìm cách làm hài lòng người khác".

Lúc đó cô mới tỉnh ngộ và quyết tâm thay đổi.

Làm thế nào để ngừng “tra tấn tinh thần” của chính mình?

Rất đơn giản, hãy tập trung vào những người và việc xứng đáng, làm những việc quan trọng, những việc khác, hãy nghĩ theo hướng "cầm lên được thì cũng buông xuống được".

Cụ thể là như nào?

1. Sử dụng tốt lý thuyết Dao cạo Ockham

Hiểu đơn giản thì là: hãy cắt bỏ tất cả những suy nghĩ không cần thiết.

Ví dụ: trong cùng một ngày, một người gặp phải ba chuyện:

A. Hôm nay Hoàng không chào tôi.

B. Hôm nay Hoàng không mấy tích cực trong công việc.

C. Hôm nay lúc làm việc, Hoàng đã liếc tôi một cái.

Khi những người bình thường kết nối ba câu chuyện này, họ sẽ đi đến kết luận: "Hôm nay Hoàng có tâm trạng không tốt".

Thì những người cả nghĩ lại đi đến kết luận: "Hoàng ghét mình rồi ư? Mình đã làm gì không đúng vào ngày hôm qua à?".

Để thay đổi lối suy nghĩ vòng vo này, chúng ta cần dùng một chiếc "dao cạo" để cắt bỏ tất cả những suy nghĩ không cần thiết.

Nói tóm lại, đừng suy nghĩ thêm nếu không cần thiết.

Chia sẻ suy ngẫm từ cô gái mắc ung thư năm 31 tuổi - Ảnh 3.

Ảnh: Pinterest


2. Học cách tách riêng các vấn đề

Một giảng viên H. của một lớp dạy về giao tiếp xã hội từng đề cập đến một người bạn của anh ấy, người bạn đó đã nuôi em trai của mình hơn mười năm, mọi thứ, từ công việc cho tới ô tô, cô đều lo hết cho em trai mình, ngay cả chuyện đi du học của cháu trai, cô cũng phải lo.

Cô bạn rất phiền muộn nên tìm tới H. để xin lời khuyên xem phải làm sao mới có thể khiến em trai thay đổi!

H. hỏi ngược lại cô: "Tại sao em trai cậu lại phải thay đổi? Nếu tớ là cậu ấy, tớ cũng không thay đổi. Tớ đang sống rất thoải mái mà, cái gì chị gái cũng lo cho hết, có nhà có xe, con trai đi học cũng không cần lo".

Người bạn ấy vì sao phiền muộn? Bởi lẽ cô ấy quản chuyện mà mình không nên quản.

Có rất nhiều người giống như vậy trong cuộc sống, chúng ta luôn có một suy nghĩ trong vô thức rằng: "Họ sẽ nghĩ gì nếu tôi từ chối/ cư xử không như mọi khi/ không cho họ một phản hồi mà họ muốn?".

Bất kể có cân nhắc những câu hỏi hay câu trả lời nào, họ đều không chỉ dựa trên cảm xúc và suy nghĩ của riêng mình mà còn phải tính đến "những gì đối phương có thể nghĩ".

Nhưng trên thực tế, đối phương nghĩ gì thì đó là chuyện của họ, là nghĩa vụ của họ và họ có trách nhiệm giải quyết những suy nghĩ và vấn đề của mình, đây không phải là điều bạn cần lo lắng và bạn vốn cũng chẳng thể làm được gì.

Nhà tâm lý học Adler gọi đây là cách suy nghĩ tách rời vấn đề.

Vấn đề là trách nhiệm của mỗi người. Mỗi người đều có vấn đề của riêng mình, và mỗi người cũng đều chỉ có thể vượt qua và giải quyết vấn đề của riêng mình.

Việc của người khác, cảm xúc của người khác, lỗi lầm của người khác, triển vọng tương lai của người khác, đây đều là việc của họ.

Vì vậy, chỉ có một cách để cô bạn có thể giải quyết vấn đề của mình, đó là dừng việc làm hộ em trai mọi chuyện lại và để cậu ta tự chịu trách nhiệm cho những vấn đề của mình.

Tập trung vào các vấn đề của riêng mình, dừng việc lo lắng về các vấn đề của người khác có thể giúp cuộc sống của chúng ta hạnh phúc và dễ thở hơn rất nhiều.

Lời kết

Nhà tâm lý học Abraham Maslow từng nói:

"Nếu suy nghĩ của bạn thay đổi, thái độ của bạn sẽ thay đổi; nếu thái độ của bạn thay đổi, thói quen của bạn sẽ thay đổi; nếu thói quen của bạn thay đổi, tính cách của bạn sẽ thay đổi; nếu tính cách của bạn thay đổi, cuộc đời của bạn cũng sẽ theo đó mà thay đổi".

Tính cách không phải là thứ không thể thay đổi, ngừng suy nghĩ quá nhiều, ngừng bào mòn nội tâm, thay vào đó rèn luyện cho mình một tâm lý vững vàng hơn, cuộc sống sẽ nhẹ nhõm hơn rất nhiều.

Muốn thay đổi cuộc sống của mình, trước hết hãy bắt đầu bằng việc thay đổi thói quen suy nghĩ của bản thân.

Theo Toutiao

Theo Như Quỳnh

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên