Chiến lược Covid-19 năm thứ hai: Có khả thi không nếu Việt Nam đánh đổi giữa y tế và kinh tế như các nước phát triển?
"Thực tế, để có được hoạt động kinh tế trong nước thì phải kiểm soát dịch. Và ngược lại, nếu không có hoạt động kinh tế thì cũng không kiểm soát dịch được" - ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam nhận định.
-
Đợt sốt giá thép vừa rồi không phải mang tính lâu dài, cũng không phải là căn cứ để ta phải điều chỉnh chính sách ngay lập tức.
-
Cách điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước là không để đồng Việt Nam mất giá mạnh với đồng USD như đồng NDT mất giá so với USD
Với diễn biến mới của dịch bệnh, nhiều tổ chức quốc tế hay các nhóm nghiên cứu trong và ngoài nước đã thay đổi dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021, với các dự báo lạc quan nhất ở nước ngoài cũng giảm nhiều so với trước đó và đều dưới 6,5%.
Trao đổi với Trí Thức Trẻ, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng: "Có hoạt động kinh tế để có thu nhập cho người lao động, duy trì hoạt động của doanh nghiệp quan trọng hơn con số tăng trưởng, cho dù là 6%, 5% hay 4%".
Tổng cục Thống kê vừa đưa ra báo cáo về các kết quả kinh tế trong 6 tháng đầu năm. Con số tăng trưởng 5,64% cho 6 tháng và 6,61% cho quý 2. Ông có nhận xét gì về những kết quả này?
Về con số tăng trưởng, nhiều người đặt câu hỏi, tại sao chúng ta đang sống trong đại dịch nghiêm trọng mà vẫn có tăng trưởng. Có thể nhìn nhận, con số tăng trưởng 5,64% là kết quả tăng trưởng kinh tế 5 tháng, mà chưa thể hiện được tác động chính yếu của đợt dịch lần thứ tư, bắt đầu tác động mạnh từ tháng 6.
Vì thế, kết quả thống kê nửa đầu năm vẫn thể hiện tinh thần lạc quan từ cuối năm trước, nhờ việc thúc đẩy mạnh kinh doanh và hồi phục một phần sức mua. Tác động của đợt dịch Covid-19 lần thứ ba, diễn ra vào thời điểm Tết Nguyên đán cũng không lớn do chúng ta kiểm soát được tốt.
Một điểm nữa, khi nhìn vào kinh tế thế giới, mặc dù Covid-19 vẫn hoành hành nhưng sự phục hồi nhờ các gói kích thích và vaccine của nhiều nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ và Trung Quốc đã có tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam, tăng sức mua hàng xuất khẩu của Việt Nam. Xuất khẩu của chúng ta đã tăng kỷ lục 29% chỉ trong 6 tháng.
Mặt khác, sự hồi phục sức mua sau Tết tăng cao, khiến nhập khẩu cũng tăng mạnh, thậm chí còn mạnh hơn xuất khẩu. Nhập khẩu vừa để phục vụ chế biến xuất khẩu, vừa phục vụ tiêu thụ nội địa như nhập khẩu điện tử, mặt hàng tiêu dùng.
Tóm lại, chúng ta không quá lạc quan với kết quả tăng trưởng 6 tháng, vì chưa tính đến tác động của Covid-19 đợt mới.
6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới tăng nhưng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh hay giải thể cũng là con số không nhỏ. Đặc biệt là các doanh nghiệp đó thường là doanh nghiệp nhỏ và có quy mô dưới 5 năm. Ông nhìn thấy gì từ điều này?
Khi chưa xuất hiện đợt dịch lần thứ tư, chúng ta vẫn còn khá lạc quan, nên nhiều doanh nghiệp dự kiến trở lại hoạt động, doanh nghiệp đăng ký mới cũng tăng. Nhưng kể từ đợt dịch mới, đặc biệt trong tháng 6, con số thống kê về doanh nghiệp đóng cửa tăng rất mạnh, và thực tế có thể cao hơn. Sắp tới, trong tháng 7, tháng 8 con số doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, hay đóng cửa thậm chí còn xấu đi nữa.
Song, cần phải hiểu, dù nỗ lực kiểm soát Covid-19 và thực hiện mục tiêu kép thế nào, thì cũng vẫn có một số ngành kinh tế, về mặt chính sách cũng như thực tiễn, chúng ta phải chấp nhận hy sinh, như hoạt động du lịch, và cả một loạt dịch vụ truyền thống trong nền kinh tế giãn cách.
Những doanh nghiệp có thể dùng nguồn dự trữ của mình sống được từ đợt dịch năm ngoái đến nay thì giờ cũng đã cạn kiệt. Nếu như không có biện pháp mạnh tay hơn, để hỗ trợ từ ngân sách tài khóa, cả về thuế và chi trực tiếp thì con số doanh nghiệp đóng cửa, người thất nghiệp, thậm chí hết cả tiền chi tiêu tiết kiệm, sẽ còn trầm trọng thêm trong những tháng tới.
Ảnh: Reuters
Xuất khẩu, như ông vừa nói là một điểm rất sáng và được coi là đầu kéo cho tăng trưởng. Vì sao lại có mức tăng trưởng vượt trội như vậy?
Nếu như nhìn vào mức tăng trưởng 29%, cao hơn nhiều so với năm trước là 6%, thì có thể nói đó là con số kỷ lục, trong bối cảnh toàn thế giới suy giảm.
Lý giải về điều này, có thể nói, nhu cầu cao đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam là kết quả của việc, chúng ta đã tiếp cận được nhiều thị trường lớn. Các thị trường này bổ trợ cho nhau, anh này tăng thì anh kia giảm. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm vừa qua, kinh tế các thị trường xuất khẩu chính yếu của Việt Nam đều tăng mạnh.
Trước tiên, phục hồi kinh tế của Trung Quốc rất mạnh, tăng trưởng quý 1 lên đến 18%, nên nhu cầu hàng hóa phục vụ tiêu dùng và sản xuất đều tăng mạnh.
Với Hoa Kỳ, chúng ta được lợi từ hai yếu tố. Một là chính quyền Tổng thống Biden tiếp tục duy trì mức thuế trừng phạt với hàng Trung Quốc, nên ta hưởng lợi ở các mặt hàng Trung Quốc bị đánh thuế. Hai là gói kích thích kinh tế của chính quyền Biden cũng làm tăng sức mua của người tiêu dùng, đặc biệt là sản phẩm tiêu dùng lâu bền, thiết bị văn phòng, nội thất, điện tử, dệt may, giày dép…
Thị trường EU, mặc dù tăng trưởng kinh tế còn yếu, nhưng từ tháng 10 năm ngoái, hiệp định EVFTA có hiệu lực đã giúp các sản phẩm thủy sản, dệt may, giầy dép của Việt Nam sang châu Âu được hưởng ưu đãi.
Điều này giải thích tại sao con số xuất khẩu lại tốt như vậy, và trở thành động lực tăng trưởng. Nhưng cũng chính vì thế, thách thức lớn với Việt Nam thời gian tới là duy trì hoạt động sản xuất cho xuất khẩu, trong bối cảnh các đơn hàng từ các thị trường nói trên vẫn đang tăng mạnh.
Với diễn biến mới của dịch bệnh thì nhiều tổ chức quốc tế hay các nhóm nghiên cứu trong và ngoài nước đã thay đổi dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021, với các dự báo lạc quan nhất ở nước ngoài cũng giảm nhiều so với trước đó và đều dưới 6,5%. Ông có nhận xét gì về các dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam tại thời điểm này?
Thực ra, các con số dự báo thì các tổ chức vẫn đưa ra. Nhưng theo cá nhân tôi, những con số dự báo tại thời điểm này không có nhiều ý nghĩa quan trọng.
Quay lại câu chuyện, tinh thần của chúng ta vẫn là thực hiện mục tiêu kép, những hoạt động kinh tế nào còn tổ chức được thì vẫn duy trì. Có hoạt động kinh tế để có thu nhập cho người lao động, duy trì hoạt động của doanh nghiệp quan trọng hơn con số tăng trưởng, cho dù là 6%, 5% hay 4%. Thậm chí, nếu không tăng trưởng năm nay, theo tôi cũng không phải vấn đề quan trọng nhất.
Những dự báo tăng trưởng hiện nay, phụ thuộc phần lớn vào kịch bản dịch bệnh. Có thể ta vẫn phải tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, hoặc ngược lại, chúng ta kiểm soát thành công trong quý 3 và hoạt động kinh doanh trở lại bình thường, thì kết quả kinh tế sẽ hoàn toàn khác biệt.
Động lực tăng trưởng hiện nay là sản xuất công nghiệp phục vụ cho xuất khẩu. Đây là những hoạt động thâm dụng lao động, tạo ra nguồn lao động ở các khu kinh tế lớn. Mặt khác, cũng phải làm sao đảm bảo hoạt động sản xuất, cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho thị trường nội địa. Để đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu không đứt gãy, thì lao động trong các lĩnh vực này cần được tiếp cận với vaccine, đảm bảo an toàn.
Hiện tại, Việt Nam vẫn kiên trì thực hiện mục tiêu kép "vừa chống dịch vừa tăng trưởng kinh tế, theo ông, với tình hình dịch bệnh diễn biến như hiện tại, chiến lược này còn đúng không và vì sao?
Nếu nhìn vào thực tiễn Việt Nam hiện nay, thì thực hiện mục tiêu kép vẫn là việc phải làm. Thực ra, chúng ta không dừng được.
Ngay từ đầu, Việt Nam đã không thể đặt ra câu chuyện đánh đổi. Thực tế, để có được hoạt động kinh tế trong nước thì phải kiểm soát dịch. Nhưng ngược lại, nếu không có hoạt động kinh tế thì cũng không kiểm soát dịch được.
Nhìn về người lao động ở TP. HCM và các tỉnh Nam bộ, ta sẽ thấy rất rõ, nếu ngưng sản xuất để chống dịch, cách ly theo dạng phong tỏa, đóng luôn cả chợ truyền thống thì cuối cùng sẽ vỡ trận. Vì sao? Vì hệ thống an sinh xã hội của chúng ta không đủ để chống đỡ. Không thể vì mục tiêu chống dịch mà đóng cửa hết hoạt động kinh tế. Chúng ta không thể lo được hết cho tất cả người lao động nếu họ không có việc làm.
Nếu như không có hoạt động kinh tế, lao động không có việc làm chính thức, ví dụ trong khu công nghiệp, hay nếu như không thể làm du lịch, thì rồi người ta cũng sẽ phải ra đường, tìm cách nào đó để kiếm sống. Vậy có lẽ rủi ro còn cao hơn.
Như vậy, mục tiêu kép vẫn phải thực hiện, nhưng cân đối trong mục tiêu kép đang có sự thay đổi. Việc thực hiện mục tiêu, chúng ta có thể nói là vừa học vừa làm. Chúng ta đặt lên bàn cân, để đo đếm xem nguồn lực có đủ không.
Việt Nam đang dồn sức chống dịch, và đảm bảo động lực cho tăng trưởng. Chúng ta không thể dừng sản xuất công nghiệp, nhưng cũng không thể hy sinh các tiêu chuẩn phòng chống dịch. Muốn duy trì sản xuất thì vẫn phải đảm bảo an toàn, vẫn phải xét nghiệm cho công nhân, phải thực hiện 3 tại chỗ, 1 cung đường, 2 điểm đến.
Nếu tiếp tục thực hiện, thách thức lớn nhất của mục tiêu kép ở thời điểm hiện tại là gì?
Thách thức hiện nay với mục tiêu kép, là không có gì là miễn phí. Muốn thực hiện mục tiêu kép thì chắc chắn sẽ phải tốn tiền hơn, tốn sức hơn. Cả Chính phủ, doanh nghiệp và người lao động đều đang phải gồng mình thực hiện điều này.
Về mặt tài chính, theo tôi, nếu chỉ doanh nghiệp và người lao động gồng mình, vừa phải đóng thuế và vừa tốn rất nhiều chi phí để duy trì hoạt động, mục tiêu kép sẽ thất bại. Đây là thời điểm Nhà nước cần mạnh tay chi hỗ trợ hơn, kể cả với những doanh nghiệp thời gian qua đã hy sinh, ví dụ như du lịch. Nếu chúng ta để doanh nghiệp lụi tàn thì sẽ đánh mất cơ hội phục hồi khi hết dịch.
Không nên quá tiết kiệm ngân sách nếu không gian ngân sách vẫn còn cho phép. Nhà nước nên mở rộng gói chi. Những doanh nghiệp còn đang hoạt động, thì một phần chi phí của họ, tại sao các địa phương không làm cơ chế hỗ trợ ví dụ 50-50. Thậm chí nhà nước có thể chịu tỷ lệ cao hơn. Theo tôi đó là những điều cần làm để thực hiện được mục tiêu kép.
Cảm ơn ông!