MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chiến lược nào cho dệt may Việt trước "sóng thần" Zara, H&M

Sự góp mặt của các thương hiệu thời trang bình dân lớn của thế giới tại thị trường Việt Nam đã tạo sức ép cạnh tranh lớn nhưng cũng là động lực cho doanh nghiệp trong nước thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh và giúp người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn.

Cuộc đổ bộ ồ ạt

Kết quả khảo sát gần đây của hãng Niesel cho thấy mức chi tiêu dành cho quần áo của người Việt hiện đứng thứ 3, chỉ sau chi tiêu dành cho thực phẩm và tiền tiết kiệm. Đáng chú ý, số lượng người Việt mê hàng hiệu đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Còn theo Hiệp hội các nhà bán lẻ, hiện có khoảng hơn 200 thương hiệu thời trang nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam, chiếm hơn 60% thị phần, từ hàng trung bình đến cao cấp.

Đó là một vài lý do để các hãng thời trang nhanh của nước ngoài nhanh chóng đi vào thị trường tiềm năng Việt Nam thời gian qua như Format, Zara, H&M, Mango, hay một số thương hiệu thời trang bình dân đình đám như Uniqlo, Forever 21 cũng đang tiến hành nghiên cứu thị trường, chuẩn bị "đổ bộ" vào Việt Nam.

Với tên tuổi sẵn có cùng đầu tư bài bản, các hãng thời trang nước ngoài cũng đã giành được những thành công nhất định. Đơn cử như hãng thời trang Zara, chỉ sau một năm khai trương cửa hàng đầu tiên ở TP.HCM, doanh thu của Zara Việt Nam hiện nằm trong top 5 cửa hàng bán tốt nhất toàn cầu của hãng này. Hay cảnh tượng hàng nghìn người mua xếp hàng chờ khai trương cửa hàng H&M tại Hà Nội gần đây cũng giống như trước đó ở TP.HCM một lần nữa cho thấy hiệu ứng hút khách của các hãng thời trang ngoại.

Theo số liệu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, tốc độ tăng trưởng dệt may nội địa khá cao, khoảng 20%/năm. Thị trường nội địa có quy mô 4,5 tỉ USD/năm, tương đương 40 triệu bộ quần áo. Trung bình, mỗi năm người Việt chi khoảng 100.000 tỉ đồng cho quần áo. Miếng bánh lớn còn nhiều khoảng trống đủ hấp dẫn để bất cứ nhà bán hàng nào cũng muốn xí phần.


Cửa hàng của hãng thời trang Zara tại TP.HCM

Cửa hàng của hãng thời trang Zara tại TP.HCM

Bài toán với DN Việt

Khi trào lưu hàng may mặc Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc… nở rộ, thời trang Việt bắt đầu gặp khó. Càng về sau, phong trào tiêu dùng hàng xuất khẩu, hàng hiệu bán online phát triển mạnh, DN Việt càng đuối sức.

Dòng sản phẩm Maxx Style đã bị khai tử, 2 dòng N&M (cao cấp) và Ninomaxx (trung bình khá) chia nhau diện tích trong các cửa hàng chứ không còn duy trì cửa hàng riêng cho từng thương hiệu. Sea, Foci gần như mất bóng. Việt Thy còn vỏn vẹn 5 cửa hàng. Blue, PT 2000 chủ yếu thuê mặt bằng ở các siêu thị, trung tâm thương mại để bán hàng, chứ không phát triển thêm cửa hàng riêng.

Trước sự đổ bộ nhanh và mạnh của các doanh nghiệp ngoại, doanh nghiệp thời trang trong nước cũng nắm bắt được xu hướng này, chú trọng hơn khâu thiết kế và đưa ra nhiều sản phẩm phục vụ người tiêu dùng. Hiện, một số thương hiệu thời trang nội đã có chỗ đứng trên thị trường như: Ivy Moda, Eva de Eva, Hera DG, Ivy… Thế nhưng, cho dù đang đứng trên sân nhà, thương hiệu thời trang trong nước dường như vẫn yếu thế hơn so với các thương hiệu thời trang quốc tế. Sự hạn chế về nguồn cung nguyên phụ liệu khiến các hãng thời trang trong nước khó so được về độ nhanh trong thiết kế. Việc sử dụng phương thức kinh doanh truyền thống như giảm giá theo đợt từ 20 - 70%... không tạo được cảm giác mới mẻ cho người tiêu dùng.

Trong khi đó, các hãng thời trang nhanh thay đổi mẫu mã, sản phẩm liên tục, trung bình 1 tháng đã có sản phẩm mới được ra mắt. Số lượng sản phẩm luôn hạn chế để tránh rủi ro hàng tồn kho và tạo cảm giác hàng "độc", kích thích người tiêu dùng. Đặc biệt, với giá tương đương, cộng hưởng mác hàng ngoại, sản phẩm mang thương hiệu nước ngoài vẫn dễ dàng chiếm ưu thế trên thị trường. Cùng đó, xu hướng mua hàng online ngày một phổ biến cũng tạo áp lực cho các nhà sản xuất trong nước bởi hình thức này đòi hỏi chuỗi cung ứng hậu cần chu đáo, nhanh chóng. Khâu kiểm hàng, đóng gói tại nhà máy phức tạp hơn, sản phẩm có chất lượng và độ chính xác rất cao. Nếu không bảo đảm được các yếu tố trên, chi phí đổi trả hàng là rất lớn.

Theo các DN, cơn sốt chuộng thương hiệu thời trang nước ngoài bình dân sẽ lắng xuống như những trào lưu trước đây. Tuy nhiên, trong lúc cơn sốt này hoành hành, DN Việt phải có cách chống chọi để tồn tại. Thị trường đã thay đổi rất nhanh, không còn chỗ cho những DN làm ăn kiểu ăn xổi mà muốn tồn tại, DN phải đầu tư nghiêm túc.

Ông Nguyễn Hải Đường - Giám đốc Công ty Cổ phần M2Việt Nam với thương hiệu thời trang M2 cho rằng, mặt bằng là yếu tố tiên quyết để đi tới thành công. Nếu không phải một mặt sàn ở các phố lớn, mặt tiền rộng, thì cũng phải là nhà thấp tầng có cảnh quan thông thoáng, đường xá qua lại thuận tiện.

Bên cạnh đó, ông Đường cho biết, trong kinh doanh, bản thân người lãnh đạo phải rất quyết đoán, từ mặt bằng, nguồn hàng, tài chính, cho tới nhân sự… Bởi sự quyết đoán sẽ đem tới cho doanh nghiệp vô vàn những cơ hội làm ăn, mà ngay tại thời điểm đó, chính người chủ cũng chưa thể lường hết được thành quả sau này.

Còn theo ông Nguyễn Tiệp, Giám đốc truyền thông Công ty Thời trang NEM, cạnh tranh tạo áp lực cho DN nội thay đổi. Muốn phát triển, DN phải có đủ năng lực cạnh tranh, phải khẳng định được thương hiệu cũng như định hình phong cách riêng. NEM đã có 20 năm tồn tại, phát triển với 44 cửa hàng, 10 nhà máy sản xuất và đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp, luôn cho ra đời trên 100 mẫu sản phẩm mới mỗi tuần.

Ông Lê Quang Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Garmex Sài Gòn, một trong những DN may mặc xuất khẩu lớn của Việt Nam, từng gia công sản phẩm nội địa cho Blue - sau "phép thử" Zara và H&M, nhiều thương hiệu ngoại khác sẽ đổ bộ vào khai thác thị trường hơn 90 triệu dân và đến lúc nào đó, các kênh phân phối sẽ tràn ngập sản phẩm ngoại. Không chỉ dòng sản phẩm thời trang mà cả dòng sản phẩm công sở đang là thế mạnh của An Phước, Việt Tiến, Nhà Bè… cũng nằm trong tầm ngắm của DN ngoại.

Ông Hùng đánh giá DN may mặc Việt đa số vốn ít, năng lực quản trị nội bộ, quản lý tồn kho kém, lực lượng thiết kế mỏng, sản phẩm chưa nổi bật về chất lượng và giá cả, quen kinh doanh theo kiểu cũ, không có kinh phí cho quảng cáo, tiếp thị... nên rất khó cạnh tranh.

Theo ông Giordano Solustri - Chuyên gia thiết kế của Italia - mỗi thương hiệu thời trang đều có chiến lược riêng, dựa trên kết quả khảo sát mức tiêu thụ, thu nhập của người tiêu dùng ở từng phân khúc và định giá sản phẩm. Do đó, để có thể cạnh tranh sòng phẳng, các hãng thời trang trong nước cần nghiên cứu, đánh giá thị trường nghiêm túc, đầu tư thỏa đáng cho khâu thiết kế mẫu mã sản phẩm. Bên cạnh đó, để tạo sự khác biệt, cần xây dựng câu chuyện cụ thể cho mỗi dòng sản phẩm khác nhau; áp dụng phương thức kinh doanh hiện đại; đa dạng nguồn cung phụ liệu nhằm đáp ứng tính nhanh và đa dạng của dòng thời trang nhanh.

Theo Nha Trang

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên