MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Đồng tiền Việt Nam tăng giá bao nhiêu và tiếp theo là điều gì?

Đồng Việt Nam bị tăng giá, nguyên nhân là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc và việc FED tăng lãi suất hồi giữa tháng 6 năm nay.

Chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc chính thức nổ ra, phủ "bóng đen" lên giao thương toàn cầu. Cuộc chiến cũng có thể mở rộng ra giữa Mỹ và Liên minh châu Âu, gây tác động sâu, tiêu cực đến kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam, theo TS. Lương Văn Khôi, PGĐ Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ KHĐT).

Yếu tố được ông Khôi nhắc đến là việc đồng tiền Việt Nam bị tăng giá, ảnh hưởng từ cuộc chiến này. Tính toán của ông dựa trên so sánh giữa VNĐ và một rổ gồm 50 đồng tiền của các quốc gia có quan hệ thương mại với Việt Nam.

Tương quan, VNĐ sẽ tăng lên khoảng 9 đồng trong quý II/2018, 5 đồng trong quý III/2018 và 1 đồng trong quý IV/2018. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang tính toán theo rổ tiền tệ gồm đơn vị của 6 quốc gia.

Bên cạnh bị tăng giá đồng tiền bởi chiến tranh thương mại, VNĐ còn bị tăng bởi ảnh hưởng đợt điều chỉnh lãi suất của FED lên 0,25 điểm % hồi giữa tháng 6. Hành động này cũng khiến giá VNĐ tăng xấp xỉ với tác động do cuộc chiến thương mại.

Cụ thể, VNĐ sẽ tăng khoảng 8 đồng trong quý II/2018, 5 đồng trong quý III/2018 và 2 đồng trong quý IV/2018 (so với rổ 50 đơn vị tiền tệ các nước).

Việc FED tăng lãi suất vừa qua, nhìn chung, ảnh hưởng trực tiếp lên tăng trưởng kinh tế của cả Mỹ và Trung Quốc. Đồng NDT của Trung Quốc cũng tăng lên, tác động đến tăng trưởng kinh tế thế giới. Tuy nhiên những đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam như EU, Nhật Bản cũng được cải thiện vì giá đồng tiền họ giảm đi, khiến họ có lợi thế thương mại.

Trong bối cảnh đó, VNĐ tăng giá sẽ khiến cho hàng hoá Việt Nam xuất khẩu đi các nước giảm tính cạnh tranh, tác động đến kinh tế trong nước. Bên cạnh đó, ông Khôi cũng nói đến nỗi lo dòng tiền USD chảy ra khỏi biên giới Việt Nam do chênh lệch lãi suất.

Một tính toán khác của TS. Khôi là cuộc chiến thương mại toàn cầu sẽ khiến cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam giảm đi 0,08 điểm % trong năm 2018 và 0,14 điểm % vào năm tiếp theo. 

Do vậy, để bù đắp cho tăng trưởng, ngăn chặn sự chảy ra của đồng USD, TS. Lương Văn Khôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần có sự điều chỉnh tỷ giá.

Có hai cách điều chỉnh, theo ông Khôi. Hoặc điều chỉnh tăng tỷ giá USD trong nước khi giá của đồng tiền này tăng hoặc điều chỉnh giảm VNĐ - "nôm na là phá giá đồng tiền", ông Khôi nói và cho biết việc làm này để Việt Nam có lợi thế thương mại với các nước khác.

Hiện Ngân hàng Nhà nước đã "phá giá" 1 điểm % với VNĐ. "Nếu phá giá như thế thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ được cải thiện một chút, bù đắp được phần tiêu cực của cuộc chiến thương mại cũng như việc FED tăng lãi suất", ông Khôi cho biết.  

Ông nhấn mạnh việc điều chỉnh tỷ giá là quan trọng nhằm tránh việc dòng tiền USD chảy khỏi Việt Nam, đồng thời kích thích xuất khẩu, góp phần cho tăng trưởng kinh tế.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên