MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Sản xuất điện thoại và dệt may của Việt Nam có thêm cơ hội

Ngành dệt may và da giày, sản xuất điện thoại được dự báo là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Thu hút thêm nguồn vốn FDI từ Samsung

Với vị trí địa – kinh tế như Việt Nam, không thể nằm ngoài vòng xoáy của cuộc chiến này. Đặc biệt là trong số các mặt hàng của Trung Quốc mà Mỹ áp thuế, có nhiều sản phẩm của chúng ta bị tác động theo.

Trong báo cáo chuyên đề về Toàn cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung mà Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt nhận định, tác động cụ thể của việc Mỹ đánh thuế lên hàng Trung Quốc trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện có thể tạo cơ hội cho nhiều sản phẩm của Việt Nam, thu hút thêm nguồn vốn FDI và tạo thêm nhiều việc làm.

Việt Nam hiện đang là nơi sản xuất lớn nhất của Samsung với sản lượng khoảng 240 triệu chiếc/năm, theo sau là Trung Quốc với sản lượng 150 triệu chiếc/năm. Samsung đang có kế hoạch cắt giảm sản lượng khoảng 40 triệu sản phẩm tại Trung Quốc do giá nhân công cao kết hợp với rủi ro chiến tranh thương mại Mỹ -Trung leo thang nên Tập đoàn này càng có lý do để đẩy mạnh chuyển hướng đầu tư sang các nước khác. Trong bối cảnh này, Việt Nam có cơ hội thu hút thêm vốn đầu tư của Samsung. Theo đó, thu hút vốn FDI, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng, các khu công nghiệp sẽ được hưởng lợi, nhiều việc làm mới sẽ được tạo ra.

Dệt may có cơ hội nhưng lợi nhuận thấp hơn

Các nước có lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực may mặc như Việt Nam, Bangladesh, Campuchia... sẽ được hưởng lợi khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang. Năm 2017, Mỹ là thị trường XK dệt may lớn nhất của Việt Nam với 12,2 tỷ USD (tương đương gần 50% tổng XK hàng dệt may của Việt Nam ra thế giới). Hàng dệt may của Việt Nam vào Mỹ hiện đang chịu mức thuế từ 8-10%.

Ngoài ra, ngành dệt may và da giày được dự báo là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất trong chiến tranh thương mại nhờ hai khía cạnh. Thứ nhất, là đồng NDT mất giá mạnh so với USD, qua đó NDT cũng mất giá so với VND giúp các doanh nghiệp nhập được vải và các nguyên phụ liệu dệt may, da giày với giá rẻ hơn. Thứ hai, là các ngành này của Việt Nam có thể lấy thêm được thị phần của Trung Quốc tại thị trường Mỹ nhờ mức giá cạnh tranh hơn cũng như thu hút được thêm vốn đầu tư FDI, từ đó giúp xuất khẩu tăng, nhiều việc làm mới được tạo ra.

Tuy vậy, quá trình hưởng lợi cũng sẽ diễn ra với quy mô vừa phải và từ từ vì đối với các Tập đoàn đa quốc gia, sản xuất tại Trung Quốc vẫn có sức hấp dẫn nhất định, nhất là đối với các phân phúc cần trình độ nhân công cao dù mức lương tại đây đang có xu hướng tăng. Đối với các doanh nghiệp dệt may, điển hình như TCM, GMC chiến tranh thương mại chắc chắn mang lại thuận lợi nhưng mức độ có thể sẽ không quá đột biến.

Lý do là các doanh nghiệp này hiện đã chạy hết công suất cũng như chưa có kế hoạch đầu tư thêm trong ngắn hạn. Nếu lấy thêm được đơn hàng từ Mỹ, các doanh nghiệp này cũng sẽ phải thuê gia công bên ngoài và chấp nhận mức biên lợi nhuận thấp hơn.

Theo Đức Thành

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên