Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, Việt Nam cần cẩn trọng điều gì?
Sắt thép, đồ gỗ nội thất là những mặt hàng tiêu biểu Việt Nam cần chú trọng, tránh bị hàng Trung Quốc "đội lốt".
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc đã leo thêm một nấc thang mới vào hôm 18/9 trước quyết định của Tổng thống Donald Trump. Điều này đi ngược lại kỳ vọng trước đó khi Mỹ chủ động đề xuất một cuộc đàm phán với Trung Quốc hôm 13/9.
Cuộc chiến tranh thương mại leo thang được dự báo gây tổn thất cho 2 quốc gia trực tiếp đối đầu, theo báo cáo BVSC.
Đối với Trung Quốc, nước này sẽ chịu ảnh hưởng mạnh và nhiều hơn ở giai đoạn đầu của chiến tranh thương mại, đặc biệt ở khía cạnh thị trường chứng khoán và thị trường tiền tệ.
Đối với Mỹ, việc đánh thuế sẽ khiến hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ trở nên đắt đỏ hơn, qua đó gây thiệt hại đối với các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng Mỹ.
Mặc dù vậy, theo tính toán sơ bộ của BVSC thì tác động thật vào nền kinh tế của cả hai nước là có nhưng sẽ ở mức không quá lớn. Tuy nhiên, theo thời gian khi doanh nghiệp và người dân Mỹ bắt đầu chịu tác động từ cuộc chiến thương mại, mức độ ủng hộ về chính trị đối với chính quyền Trump trong việc nâng quy mô của cuộc chiến tranh thương mại sẽ giảm xuống.
Trong trường hợp chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tăng tiến ở quy mô toàn diện, cơ hội sẽ đến với nhiều quốc gia khác, trong vai trò là nước cung cấp thay thế hàng hoá cho 2 thị trường này. Như vậy, có thể hiểu Việt Nam cũng có cơ hội.
Cụ thể, doanh nghiệp Việt có thể tận dụng mở rộng thị phần tại Mỹ ở các ngành hàng như lắp ráp đồ điện tử, các loại chip, chất bán dẫn, hàng may mặc, da giày, sản xuất đồ chơi trẻ em, đồ dùng thể thao, đồ gỗ nội thất...
Dù vậy, thách thức của Việt Nam là cần quản lý chặt, tránh hiện tượng hàng Trung Quốc "mượn" Việt Nam như một nước trung chuyển để tìm đường xuất khẩu sang Mỹ, tiêu biểu là các mặt hàng sắt thép, đồ gỗ nội thất. Nếu để điều này xảy ra, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng "vạ lây" khi Mỹ tiến hành áp thuế trừng phạt.
Căng thẳng thương mại kéo dài đến bao giờ?
Theo quan điểm của BVSC, quy mô và thời gian kéo dài của cuộc chiến này nào hay kéo dài trong bao lâu, hoàn toàn dựa vào việc giải quyết những nguyên nhân gây ra cuộc xung đột.
Như vậy, nếu mục đích chính của chính quyền Trump chỉ là dành lấy sự ủng hộ của cử tri Mỹ thì nhiều khả năng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ hạ nhiệt sau thời điểm tháng 11/2018, tức là khi cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa kỳ kết thúc.
Nếu mục tiêu của chính quyền Trump là giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc thì xung đột thương mại có thể sẽ hạ nhiệt nếu Trung Quốc cam kết tăng mua hàng hóa từ Mỹ trong thời gian tới để đưa thâm hụt của Mỹ với Trung Quốc xuống còn khoảng 100 tỷ USD/năm.
Còn nếu chính quyền Trump hướng đến mục tiêu mang tính chiến lược dài hạn hơn như là kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc thì nhiều khả năng cuộc chiến thương mại này sẽ còn kéo dài và diễn biến phức tạp.
Nhiều đánh giá cho thấy có rất ít khả năng Trung Quốc sẽ từ bỏ kế hoạch "Made in China 2025" của họ nên việc Mỹ có thể làm chỉ là ngăn chặn cách thức thực thi kế hoạch này của Trung Quốc cũng như luôn giữ lợi thế chủ động cho các doanh nghiệp công nghệ Mỹ.
Cách thức chính quyền Trump đang áp dụng hiện nay là siết lại các vụ mua bán các công ty công nghệ Mỹ của Trung Quốc, đồng thời áp thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu nhằm gây sức ép để Trung Quốc phải mở cửa thị trường trong nước rộng rãi hơn cho các doanh nghiệp Mỹ mà không kèm yêu cầu chuyển giao công nghệ.
Bằng cách này, các công nghệ, sáng chế của Mỹ sẽ được bảo vệ tốt hơn và Trung Quốc sẽ cần thêm nhiều thời gian để có thể tự mình làm chủ được những công nghệ mới này.