MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chim lợn, bìm bịp, gà, cá mập, đâu là hình tượng của bạn trên TTCK?

“Bìm bịp” và “chim lợn”, hai loài chim này không mang tính tượng trưng về xu thế thị trường như bò, gấu mà là cách diễn đạt về trạng thái tâm lý của các nhà đầu tư.

Linh vật là những con vật huyền thoại hoặc có thật được con người sáng tạo và sử dụng như những biểu tượng văn hóa để truyền đạt ý tưởng, niềm tin trong cuộc sống. Trên TTCK, bò và gấu (bull & bear) là 2 linh vật đặc trưng, biểu trưng cho 2 xu hướng trái chiều nhau. Trong khi bò là biểu tượng của thị trường đi lên, của niềm tin, sự lạc quan, hy vọng thì ngược lại, gấu lại mang đến nỗi buồn với sự đi xuống của thị trường.

Sở dĩ bò và gấu được chọn làm linh vật đặc trưng của TTCK bởi cách tấn công của chúng mang hình tượng rõ nét cho sự đối lập. Trong khi bò tót tấn công bằng cách hất đối thủ lên trên, biểu trưng cho thị trường đi lên thì gấu tấn công theo hướng từ trên xuống dưới, mang ý nghĩa thị trường đi xuống. Có thể nói, hình tượng bò và gấu quyết chiến là cách mô tả súc tích về diễn biến TTCK với những lúc tăng, lúc giảm, vui mừng đan xen đau thương mất mát.

Nói thêm về bò và gấu thì còn có hai thuật ngữ thường được sử dụng là “bẫy tăng giá” (bulltrap) và “bẫy giảm giá” (beartrap). Bẫy tăng giá là ban đầu thị trường có xu hướng tăng nhưng sau đó quay ngược giảm giá mạnh và nhà đầu tư mua vào lúc đầu sẽ “mắc bẫy” dẫn tới thua lỗ. Ngược lại, “bẫy giảm giá” sẽ làm thị trường ban đầu có dấu hiệu giảm nhưng sau đó sẽ tăng mạnh và nhà đầu tư bán ra khi giảm sẽ “mất hàng”.


Hình tượng bò - gấu trước Sở GDCK TP.HCM (Hose)

Hình tượng bò - gấu trước Sở GDCK TP.HCM (Hose)

Chim lợn, bìm bịp, gà, cá mập, bạn là ai trên TTCK?

Nếu như gấu và bò là những 2 linh vật đặc trưng của TTCK trên thế giới thì tại Việt Nam, giới đầu tư còn sáng tạo thêm những hình tượng khác là “bìm bịp” và “chim lợn”. Hai loài chim này không mang tính tượng trưng về xu thế thị trường như bò, gấu mà là cách diễn đạt về trạng thái tâm lý của các nhà đầu tư.

Trong dân gian, bìm bịp là loài chim dùng làm thuốc chữa bệnh, mang lại nhiều điềm lành cho con người. Ngược lại, chim lợn với tiếng kêu “eng éc” thường báo hiệu điều xui xẻo. Người được xem là “bìm bịp” thường có xu hướng lạc quan cho rằng thị trường đang đi lên. Trên các diễn đàn, group chứng khoán, “bìm bịp” liên tục hô hào, kêu gọi cho nhà đầu tư khác mua vào. Mục đích của việc “bìm bịp” là giúp nhà đầu tư có thể bán được cổ phiếu với giá cao hơn. Khi mà mọi người đều nói về những điều tích cực và kêu gọi mua vào, người ta sẽ gọi lúc đó là “bìm bịp kêu đồng loạt ”.

Ngược lại, người được nhìn nhận là “chim lợn” lúc nào cũng bi quan về thị trường. Đặc điểm nhận biết những con “chim lợn” hay xuất hiện trong các diễn đàn hoặc các group về chứng khoán là lúc nào họ cũng nói về những đợt thị trường giảm điểm, những nguy cơ về cuộc khủng hoảng trong thời gian tới và có cảm giác họ luôn đe dọa nhà đầu tư khác. Với suy nghĩ tiêu cực, “chim lợn” vẫn thường bị ghét hơn so với “bìm bịp”.

Mục đích của “chim lợn” là muốn các nhà đầu tư có tâm lý không vững sẽ bán ra, khi đó họ sẽ mua được với giá rẻ hơn. Khi mà mọi người đều bi quan về thị trường, mọi nơi đều nói về sự giảm điểm của chứng khoán, người ta sẽ gọi lúc đó là “chim lợn kêu eng éc”.

Hầu hết, trong mỗi nhà đầu tư đều tồn tại cả 2 trạng thái “bìm bịp” và “chim lợn”. Khi mua cổ phiếu họ thường có xu hướng “bìm bịp” để bán giá cao và sau đó sẽ “chim lợn” để mua giá rẻ rồi lại tiếp tục “bìm bịp”. Quá trình này cứ diễn ra liên hồi, song hành với các giao dịch của nhà đầu tư.

Nhìn chung, nhà đầu tư luôn có xu hướng “chuyển giới” giữa “bìm bịp” và “chim lợn” và họ có những chiêu PR, dìm hàng cổ phiếu rất đáng nể. Có thể nói, khi tham gia TTCK, nhất thiết phải có sự kết hợp giữa bìm bịp và chim lợn bởi nếu thiếu sự kết hợp đó thì thị trường sẽ trở nên vô vị.

Với nhà đầu tư mới tham thị trường, họ sẽ rất dễ “loạn chưởng” giữa đám “chim lợn” và “bìm bịp” này. Tuy nhiên, “bìm bịp” hay “chim lợn” cũng không hẳn là xấu. Những “tiếng kêu” của “bìm bịp” và “chim lợn” sẽ giúp cho chúng ta có thêm cơ sở để có thể đưa ra nhận định của bản thân và kiếm tiền trên TTCK.

Ngoài gấu, bò, bìm bịp, chim lợn, trên TTCK Việt Nam còn một số con vật cũng được nêu tên, đó là “cá mập”, đại diện cho những nhà đầu tư lớn, tay to trên thị trường. Ngược lại, “gà” là biểu trưng cho số đông nhà đầu tư, vốn dễ dàng bị lôi cuốn bởi các xu hướng và sẽ rất dễ dàng trở thành miếng mồi ngon cho “cá mập”.

Cuối cùng, một loài vật nữa cũng hay được nhắc tới là “cá hồi" để diễn tả về các nhịp hồi phục của thị trường sau chuỗi giảm mạnh.

Trên đây là những con vật chính thường được nhắc đến trên TTCK Việt Nam. Việc dự đoán đúng thị trường là bò hay con gấu, bìm bịp hay chim lợn đều chỉ mang tính chất tương đối và do đó, nhà đầu tư cần cẩn trọng, tìm hiểu kỹ trước khi tham gia TTCK để tránh trở thành miếng ngồi ngon cho “cá mập”.

Tuấn Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên