Chính phủ đốc thúc tiến độ các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM
Tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2023; còn tuyến số 1 đoạn Bến Thành - Suối Tiên (TP. HCM) dự kiến hoàn thành thi công vào quý 4/2023.
- 29-09-202310 năm khởi công 4 dự án đường sắt đô thị, nhưng mới xong 1 tuyến
- 22-09-2023Dự án đường sắt đô thị với mức đầu tư hơn 65.400 tỷ đồng sẽ được triển khai tại Hà Nội
- 19-08-202330 tỷ USD hiện thực hóa 200 km đường sắt đô thị TPHCM
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng thừa ủy quyền của Thủ tướng báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện chính sách phát triển giao thông đường sắt và sử dụng ngân sách Nhà nước đầu tư vận tải đường sắt.
Liên quan đến đường sắt đô thị, quy hoạch tại thành phố Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài 410km.
Tại TP.HCM sẽ xây dựng 8 tuyến xuyên tâm và vành đai nối các trung tâm chính của thành phố với chiều dài khoảng 173km.
Về tiến độ triển khai, các dự án đường sắt đô thị tại hai thành phố này đều chậm. Đến thời điểm này mới đưa vào khai thác 13 km (đạt 10,4%) tổng chiều dài mạng lưới cần đầu tư trước năm 2020.
Từ đó dẫn tới thị phần vận tải đường sắt đô thị chưa đáp ứng được khoảng 15% - 20% nhu cầu vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội và TP.HCM như quy hoạch đề ra.
Chính phủ đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai tại Hà Nội và TP. HCM.
Tại Hà Nội, Bộ GTVT thực hiện đầu tư 2 tuyến và UBND TP Hà Nội thực hiện đầu tư 2 tuyến. Đến nay tuyến 2A đoạn Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành, bàn giao, đưa vào khai thác.
Trong khi đó, tuyến số 1 đoạn Yên Viên - Ngọc Hồi, giai đoạn 1 đã triển khai thiết kế kỹ thuật từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản.
Còn tuyến số 3 đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, cơ bản hoàn thành đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy, dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2023; đoạn Cầu Giấy - ga Hà Nội đang thi công, dự kiến đưa vào khai thác năm 2027.
Tuyến đường sắt số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đang điều chỉnh dự án để triển khai bước tiếp theo.
Tại TP.HCM, đến nay, tuyến số 1 đoạn Bến Thành - Suối Tiên đang thi công, dự kiến hoàn thành thi công vào quý 4/2023.
Trong khi đó, tuyến số 2 đoạn Bến Thành - Tham Lương đang giải phóng mặt bằng để phục vụ thi công.
Về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Bộ GTVT đã tổ chức đoàn công tác liên ngành đi nghiên cứu kinh nghiệm tại Trung Quốc, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Đức; đồng thời, hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư phát triển lĩnh vực đường sắt trong từng giai đoạn của kế hoạch trung hạn.
Tiền phong