Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và kế hoạch 17.000 tỷ
Không lớn, nhưng là điển hình kết quả xoay chuyển tình thế của chính sách...
- 24-08-2016Ngân hàng Nhà nước tăng điều tiết nguồn tiền
- 23-08-2016Ngân hàng Nhà nước trước mục tiêu lý tưởng
- 16-08-2016Ngân hàng Nhà nước và niềm hy vọng về vai trò “hải đăng”
Đúng thời điểm này năm ngoái, cân đối ngân sách Nhà nước ở trạng thái căng thẳng, do huy động qua trái phiếu Chính phủ khó khăn. Sự nới lỏng đến sau đó, khi Quốc hội cho phép trở lại huy động kỳ hạn ngắn, 3 năm.
Khi đó, thị trường chú ý ở diễn biến của lãi suất trái phiếu Chính phủ, liên tục tăng; mức 6,4% rồi 6,5%/năm… là một tham chiếu áp lực cho việc giữ ổn định mặt bằng lãi suất trên thị trường, cụ thể là với chính sách tiền tệ.
Nhưng nay, tình thế đã hoàn toàn khác.
Tính toán lạc quan
Tính đến ngày 31/8/2016, Kho bạc Nhà nước đã huy động gần xong kế hoạch cả năm, lượng trái phiếu Chính phủ phát hành đã đạt tới 96%. Phần nhỏ còn lại có thể sẽ xong hẳn cuối tháng 9 đầu tháng 10.
Một tính toán lạc quan: sau khi Chính phủ huy động xong lượng vốn cần trong năm 2016, còn lại cả quý cuối năm, với vốn và thanh khoản dư thừa của hệ thống ngân hàng hiện nay, lãi suất trên thị trường dân cư và doanh nghiệp có hy vọng giảm. Nói cách khác, gánh nặng đáp ứng nhu cầy vay của Chính phủ đã được xử lý, Ngân hàng Nhà nước có điều kiện để tập trung hơn chính sách dân sinh (lãi suất cho vay).
Thực tế, nếu nhìn ở góc độ Chính phủ đi vay, tham chiếu mức lãi suất 6,4-6,5%/năm kỳ hạn 5 năm của năm ngoái, thì năm nay chỉ còn khoảng 5,7-6%/năm. Chính phủ đã được giảm “lãi suất cho vay”, ngân sách bớt đi một phần đáng kể về chi phí đi vay.
Kết quả trên cần nhìn sang việc điều hành chính sách tiền tệ. Nhìn lại, 2016 đang là năm chính sách tài khóa có được sự phối hợp, hậu thuẫn tốt nhất từ chính sách tiền tệ, ở khía cạnh tạo nguồn và góp phần giảm chi phí Chính phủ đi vay.
Nay, khi kế hoạch huy động của Chính phủ cơ bản gần xong, còn lại quý cuối năm, kỳ vọng lạc quan rằng chính sách tiền tệ, hay Ngân hàng Nhà nước sẽ có điều kiện để tập trung hơn cho mục tiêu giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp và dân cư.
Về kỹ thuật, hiện tượng chèn lấn của nhu cầu trái phiếu Chính phủ cơ bản được giải quyết thuận lợi và sớm, dòng vốn bớt bị chia sẻ sẽ dồn ra thị trường nhiều hơn, cung lớn hơn thì giá (lãi suất cho vay) có thể giảm thêm.
Con số của tình huống
Ghi nhận kỳ vọng lạc quan đó, nhưng một chuyên gia chúng tôi tham vấn lưu ý: vẫn còn 17.000 tỷ đồng xếp hàng chờ phát hành từ nay đến cuối năm. Nhưng đây là con số của tình huống, hơn là nhìn nhận ở khía cạnh áp lực.
Trước khi nói đến kế hoạch 17.000 tỷ đó, chuyên gia này cho rằng cần phải nhìn lại bối cảnh, rồi đặt tình huống dự tính Chính phủ sẽ lựa chọn.
Như trên, nửa cuối 2015, yêu cầu cân đối ngân sách Nhà nước đặt ra căng thẳng. Quốc hội đã có nghị quyết nới, cho phép trở lại phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn ngắn, 3 năm. Cùng đó, con số dự kiến phát hành 3 tỷ USD trái phiếu ngoại tệ được đưa ra, bảo lưu cho đến nay.
Hiện vẫn chưa có kế hoạch cụ thể huy động 3 tỷ USD này. Còn theo kế hoạch vay trả nợ của Chính phủ năm 2016, con số cụ thể đặt ra là 17.000 tỷ đồng.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính theo dõi, xem xét điều kiện thị trường vốn trong nước và quốc tế để linh hoạt thực hiện huy động 17.000 tỷ đồng thông qua các hình thức khác như: phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước, phát hành trái phiếu quốc tế...
Quy mô trên chỉ khoảng 800 triệu USD, nhưng lại trở thành một điển hình linh hoạt từ kết quả của chính sách. Đến nay, chính sách tiền tệ, với sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã góp phần tạo ra điều kiện lớn: huy động trái phiếu Chính phủ thuận lợi cả về lượng và giá.
Với thuận lợi và đà hiện có, tình huống huy động 17.000 tỷ nói trên trong nước là một phương án đặt ra. Như trên, tương ứng chỉ khoảng 800 triệu USD, không lớn, nhưng đáng được chú ý ở sự lựa chọn của Chính phủ.
Huy động trong nước có thể giảm thiểu được chi phí đi vay so với ra thị trường quốc tế. Nhưng ở đây là huy động trái phiếu ngoại tệ. Có hai lựa chọn đặt ra.
Thứ nhất, Chính phủ vẫn phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước, huy động chỉ khoảng 800 triệu USD đó. Nhưng, yếu tố nguồn và tính bền vững nguồn của đầu mối đáp ứng, cạnh tranh giữa các đầu mối đáp ứng được đặt trong điều kiện lãi suất huy động USD hiện áp trần 0%/năm, kỳ hạn trái phiếu là dài.
Bên cạnh đó, các yếu tố trên có thể tác động nhất định đến sự ổn định của tỷ giá. Lãi suất trái phiếu ngoại tệ cộng với kỳ vọng phá giá VND hẳn là điểm hấp dẫn đối với nhu cầu nắm giữ và đầu tư ngoại tệ trên thị trường.
Thứ hai, với nhiều cân nhắc nói trên, tình huống khác là Chính phủ vẫn huy động 800 triệu USD đó, nhưng vòng qua trái phiếu VND, rồi mua ngoại tệ. Như thế vừa tranh thủ cả trạng thái vốn dư thừa của hệ thống ngân hàng cùng sự thuận lợi của đà phát hành trái phiếu Chính phủ hiện nay, vừa tranh thủ nguồn cung ngoại tệ thương mại khá dồi dào (bằng chứng là Ngân hàng Nhà nước liên tục mua vào, hiện đã đạt trên 10 tỷ USD tính từ đầu năm).
Và nếu chọn đường vòng này, tác động liên quan đến vấn đề tỷ giá cũng sẽ được hạn chế.
Trong giả thiết Chính phủ chọn cách này, chuyển qua huy động bằng trái phiếu nội tệ, các điểm còn lại chủ yếu là kỹ thuật và trình Quốc hội phê duyệt tại kỳ họp sắp tới, bởi đây là sự thay đổi so với kế hoạch cho phép trước đó.
“Theo tôi, cách nào có lợi thì chọn thôi. Quy mô cũng không quá lớn, nên điểm nhấn ở đây là thay đổi của bối cảnh, điều kiện của hoạt động huy động vốn cho ngân sách. Đã có khác biệt so với năm ngoái, trong đó đáng chú ý ở hoạt động điều hành, điều tiết của chính sách tiền tệ”, chuyên gia chúng tôi tham vấn nhìn nhận.
VnEconomy