MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính phủ tiêu dùng và đầu tư như thế nào?

Thay vì tăng tiêu dùng, Chính phủ nên theo hướng tăng cường hiệu quả đầu tư để tiền thực sự đến được với sản xuất và tạo tăng trưởng GDP.

Trước tác động của Covid-19, Chính phủ kiên định thực hiện "mục tiêu kép" cho năm nay: đẩy lùi dịch bệnh và phát triển kinh tế.

Trong phát triển kinh tế, một trong những yêu cầu Chính phủ đặt ra mạnh mẽ thời gian qua và từ nay đến cuối năm là hoàn thành chỉ tiêu giải ngân đầu tư công .

Cùng đó, kích cầu nền kinh tế cũng là "đề bài" được nêu tại các phiên họp thường kỳ gần đây. Trong kích cầu, tiêu dùng của Chính phủ được xem là một lực đẩy, bao gồm đầu tư công, để cùng tạo hiệu ứng.

Nhưng, Chính phủ đang tiêu dùng và đầu tư như thế nào và nên như thế nào? BizLIVE xin giới thiệu bài viết và góc nhìn của TS. Bùi Trinh, Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam.


GDP nhìn từ góc độ chi tiêu mà nhiều người gọi là "tổng cầu" thực ra là tổng cầu cuối cùng (final demand expenditure). Về nguyên tắc của Hệ thống các tài khoản Quốc gia (System of National Accounts - SNA) của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam áp dụng từ năm 1993 với Quyết định 183/TTg của Thủ tướng Chính phủ, tổng cầu bao gồm cầu trung gian (intermediate demand) và cầu cuối cùng.

GDP nhìn từ phía chi tiêu (phía cầu) bao gồm tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình, chi tiêu dùng cuối cùng của Chính phủ, đầu tư và xuất khẩu thuần hàng hóa và dịch vụ.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê những năm qua về các yếu tố của tổng cầu cuối cùng cho thấy, tỷ lệ tiêu dùng cuối cùng của dân cư so với GDP của Việt Nam trong 10 năm qua chiếm khoảng 68% (trong khi đó tỷ lệ này của Trung Quốc chỉ là 39%, Hoa Kỳ 68%).

Tiêu dùng cuối cùng của Chính phủ so với GDP là 6% (Trung Quốc 14%, Hoa Kỳ 10%); đầu tư so với GDP là 30% (Trung Quốc là 45%, Hoa Kỳ 25%).

Tỷ lệ tiêu dùng cuối cùng so với GDP của Trung Quốc chỉ là 39%, như vậy để bù khoản thiếu hụt trong tiêu dùng cuối cùng nhưng vẫn muốn có tăng trưởng cao về GDP, Trung Quốc phải tung ra một lượng đầu tư cực lớn chiếm tới 45% GDP.

Xét về xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ chỉ có Trung Quốc có thặng dư thương mại. Việt Nam và Hoa Kỳ thâm hụt thương mại đối với xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ. Điều này cho thấy tiêu dùng cuối cùng của dân cư đóng vai trò quan trọng trong quy mô GDP của Việt Nam.

Ngoài ra, tính toán từ các mô hình cân bằng tổng thể cho thấy trong các yếu tố của cầu cuối cùng như tiêu dùng cuối cùng của dân cư, tiêu dùng của Chính phủ, đầu tư và xuất khẩu thì tiêu dùng cuối cùng của dân cư lan tỏa tốt nhất đến giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm của nền kinh tế Việt Nam.

Xét rộng hơn, nguồn lực thực sự của một quốc gia không phải chỉ có GDP mà còn các chỉ tiêu vĩ mô khác như thu nhập quốc gia (GNI), thu nhập quốc gia khả dụng (GNDI) và tiết kiệm (saving) của nền kinh tế. Tiết kiệm là nguồn lực cơ bản để tái đầu tư, nếu nguồn lực thiếu thì phải đi vay. Tiết kiệm của nền kinh tế được xác định bằng GDP + thu nhập sở hữu thuần + chuyển nhượng thuần + chuyển nhượng vốn - (trừ) tiêu dùng của dân cư và tiêu dùng cuối cùng của Chính phủ.

Hiện nay thu nhập sở hữu thuần luôn là số âm. Theo số liệu thông kê mới cập nhật năm 2019, luồng tiền chẩy ra nước ngoài thông qua chi trả sở hữu (cơ bản của khối FDI) khoảng 16 tỷ đô la Mỹ, rất may mắn là năm 2019 Viết Nam cũng nhận được khoản chuyển nhượng hiện hành (kiều hối) khoảng 16,7 tỷ đô la Mỹ để bù vào khoản FDI chuyển tiền về nước mẹ.

Khi nguồn lực thực sự của nền kinh tế thiếu hụt sẽ dẫn đến vay mượn. "Sách trắng về doanh nghiệp Việt Nam 2020" cho thấy, nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của khu vực doanh nghiệp Nhà nước rất cao và có xu hướng tăng lên, năm 2011 nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu của khu vực này là 3,1/1 thì đến năm 2018 đã là 4,2/1.

Năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên toàn thế giới có thể lượng kiều hối vào Việt Nam không còn như năm 2019; ước tính tiết kiệm so với GDP chỉ còn khoảng 20%, trong khi để duy trì tăng trưởng GDP đầu tư vẫn cần phải chiếm khoảng 33% GDP.

GDP là chỉ tiêu rất sơ khởi trong các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, việc tăng chi tiêu Chính phủ có thể làm tăng GDP nhưng lại làm giảm nguồn lực thực sự của nền kinh tế.

Chi tiêu của Chính phủ bao gồm chi tiêu dùng cuối cùng (một phần trong chi thường xuyên) và chi đầu tư công. Chi tiêu dùng cuối cùng của Chính phủ được tính vào GDP là các khoản chi duy trì bộ máy.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, có độ lệch rất lớn giữa vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và tích lũy tài sản. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội là khoảng tiền của xã hội cho mục đính đầu tư và tích lũy tài sản được hiểu là lượng tiền cho đầu tư đến được với sản xuất để tạo ra tài sản cố định và thay đổi tồn kho.

Năm 2019 vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm trong GDP là 33% nhưng tích lũy tài sản chỉ chiếm trong GDP khoảng 26%. Như vậy chính sách của Chính phủ nên theo hướng tăng cường hiệu quả đầu tư để lượng tiền nhằm mục đích đầu tư thực sự đến được với sản xuất để tạo tăng trưởng GDP, để đảm bảo phát triển bền vững Chính phủ không nên là "người tiêu dùng lớn nhất".

Thủ tướng yêu cầu nhiều dự án giao thông phải bàn giao mặt bằng.

Theo TS Bùi Trịnh

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên