Chính phủ vào cuộc vụ truy thu thuế Sabeco
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về xử lý truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt tại Tổng Công ty Cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng Công ty Cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco).
- 18-03-2018Sabeco chính thức lên tiếng về kết luận kiểm toán Nhà nước
- 17-03-2018Bộ Công Thương nói gì về kết quả kiểm toán Nhà nước tại Sabeco?
- 15-03-2018Sabeco chưa nộp ngân sách 2.400 tỷ đồng: Ai chịu trách nhiệm?
Theo đó, ngày 2-5, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp về xử lý truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt tại Sabeco và Habeco. Dự họp có đại diện lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, các bộ Công Thương, Tài chính, Tư pháp; Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ, Sabeco và Habeco.
Sau khi nghe Bộ Tài chính báo cáo; ý kiến của các cơ quan, đơn vị dự họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kết luận như sau:
Kiểm toán Nhà nước rà soát toàn bộ nội dung kết luận về việc: Sabeco, Habeco nộp bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt, nộp tiền phạt chậm nộp và nộp tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, nộp khoản lợi nhuận chưa phân phối từ năm 2016 trở về trước tại Sabeco; quyền, trách nhiệm của các cổ đông tại Sabeco, Habeco khi thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước theo luật định. Trên cơ sở đó, có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan và doanh nghiệp thực hiện theo quy định.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ Tài chính, Tư pháp và Thanh tra Chính phủ khẩn trương có ý kiến bằng văn bản về các nội dung liên quan đến kết luận của Kiểm toán Nhà nước gửi Bộ Công Thương chủ trì, tổng hợp báo cáo Thủ tướng trước ngày 10-5.
Trước đó, Kiểm toán Nhà nước đã gửi thông báo cho Bộ Công Thương và Bộ Tài chính về kết quả kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2016 của Sabeco.
Theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, trước khi bán vốn cho đại gia Thái Lan, Sabeco còn giữ lại hơn 2.900 tỉ đồng lợi nhuận năm 2016 trở về trước, chưa chia cho cổ đông; trong đó, cổ đông nhà nước chiếm 89,59% vốn điều lệ, tương ứng được chia số tiền 2.495 tỉ đồng.
Theo đại diện Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp (Bộ Công Thương), thực chất khoản 2.900 tỉ đồng chưa được chia từ năm 2016 trở về trước của Sabeco trích lập để giải quyết các vấn đề tồn tại thuế tiêu thụ đặc biệt. Khoản này được trích dự phòng để trả phí phạt vi phạm hành chính, tiền chậm nộp thuế tiêu thụ đặc biệt 2007-2015.
Trước đó Sabeco vừa có văn bản gửi Cục Thuế TP.HCM cho hay: Năm 2016, thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước về thuế giai đoạn 2007-2015, công ty đã nộp bổ sung số tiền hơn 4.700 tỉ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt do thay đổi giá tính thuế. Việc nộp thuế này theo Sabeco là thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan thuế.
“Công ty đã kiến nghị Bộ Công Thương để Bộ xin ý kiến Chính phủ về việc doanh nghiệp đã thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của cơ quan thuế nên không cần nộp bổ sung theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước” - Sabeco cho biết.
Tuy nhiên, trong thời gian chờ ý kiến của Chính phủ, Sabeco vẫn thực hiện theo kết luận của Kiểm toán là tạm nộp toàn bộ số tiền lợi nhuận chưa phân phối từ năm 2016 trở về trước vào ngân sách nhà nước để nộp thuế. Tổng số tiền hơn 2.790 tỉ đồng. “Sabeco kính đề nghị Cục Thuế TP.HCM hướng dẫn công ty cách thức thực hiện việc tạm nộp thuế này” - văn bản của Sabeco nhấn mạnh.
Bộ Công Thương đang chỉ đạo Sabeco khẩn trương thực hiện các nội dung liên quan đến việc xử lý khoản dự phòng thuế tiêu thụ đặc biệt nêu trên, nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật cũng như thực hiện các kết luận của Kiểm toán Nhà nước.
Trong khi đó, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa đưa ra cảnh báo rằng việc Sabeco tạm nộp lại 2.495 tỉ đồng vào ngân sách nhà nước sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể, VAFI vừa có văn bản gửi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước về việc tạm nộp 2.495 tỉ đồng vào ngân sách của Sabeco.
VAFI dẫn Điều 132, 135, 136, 149 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 cho biết HĐQT doanh nghiệp chỉ có thẩm quyền đề nghị trước đại hội cổ đông về mức chi trả cổ tức (lợi nhuận sau thuế để chia cho các cổ đông), chứ không có quyền quyết định thanh toán cổ tức cho cổ đông nào - kể cả cổ đông nhà nước hay cổ đông đa số - mà không cần có nghị quyết đại hội cổ đông.
Đặc biệt, VAFI cảnh báo nếu HĐQT Sabeco vẫn cố tình thực hiện lệnh của Bộ Công Thương là tạm nộp 2.495 tỉ đồng vào ngân sách nhà nước thì những thành viên HĐQT biểu quyết vấn đề này và lãnh đạo Bộ Công Thương liên quan đến vấn đề phải đi tù, phải bồi thường thiệt hại cho hàng ngàn nhà đầu tư vào Sabeco.
"Những cá nhân này đã cố tình vi phạm Luật Doanh nghiệp, hành động mà không đúng quyền hạn của mình, mất tài sản của nhà đầu tư. Giá cổ phiếu Sabeco giảm vì mất lòng tin cho cổ đông và như vậy các nhà đầu tư chứng khoán còn bị thiệt hại tài sản vì cổ phiếu Sabeco giảm giá" - văn bản của VAFI lý giải...
Pháp luật TPHCM