MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính phủ yêu cầu chính sách thuế mới phải được đánh giá kỹ

Chính phủ đã nêu nhiều yêu cầu với các Bộ, ngành về công tác phân tích, dự báo, giải pháp giảm thiểu tác động của chiến tranh thương mại trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9.

Tăng cường phân tích, dự báo

Theo dõi diễn biến tình hình giá cả, thị trường là một trong những nội dung được Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh trong Nghị quyết nhằm đảm bảo có các biện pháp điều hành phù hợp, kiểm soát lạm phát, đặc biệt là thời điểm cuối năm.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước bám sát diễn biến thị trường tiền tệ, tài chính trong nước và thế giới nhằm điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Đồng thời, đơn vị này cần phối hợp chặt chẽ với Bộ KHĐT, Tài chính, Công Thương trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô.

Bộ KHĐT cần khẩn trương hoàn thiện dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Bộ cũng là đầu mối phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án lớn, công trình quan trọng, các chương trình mục tiêu quốc gia.

Chính phủ yêu cầu Bộ kiên quyết không gia hạn, chuyển tiếp đối với các dự án giải ngân chậm tiến độ. Bên cạnh đó, Bộ cần chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đánh giá cơ hội, đề xuất giải pháp để đón đầu làn sóng chuyển dịch đầu tư…

Đối với Bộ Tài chính, Chính phủ yêu cầu phải có giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo lộ trình, giảm tỷ lệ chi thường xuyên, tăng tỷ lệ chi cho đầu tư phát triển, bảo đảm cơ cấu thu chi ngân sách nhà nước hợp lý.

Bộ phải chỉ đạo quyết liệt công tác thu ngân sách nhà nước, quyết tâm hoàn thành vượt dự toán, điều hành chi chặt chẽ, triệt để tiết kiệm.

Bên cạnh đó, Bộ cần đánh giá kỹ tác động của các chính sách thuế mới, tạo đồng thuận xã hội. Một số công việc khác được Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính như đầu mối phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước, tăng cường phối hợp kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại…

Nêu bật giải pháp làm giảm tác động của chiến tranh thương mại

Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương tập trung cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng tăng hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng. Bộ cũng cần đưa ra đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào hoạt động các dự án sản xuất công nghiệp quan trọng, tạo sức lan tỏa.

Bộ GTVT tập trung chỉ đạo, khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm môi trường.

Còn Bộ NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Đơn vị này cần chú trọng khâu chế biến, bảo quản, xuất khẩu, xây dựng chuỗi giá trị cho các mặt hàng nông sản. Chính phủ cũng yêu cầu Bộ theo dõi sát tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, chủ động phương án phòng, chống kịp thời, đặc biệt là đối với bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

T.Công

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên