Chính phủ yêu cầu nghiên cứu việc giảm 50% phí trước bạ với ô tô trong nước
Thống kê từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, doanh số bán ô tô của các đơn vị thành viên tháng 1/2023 đạt 17.314 xe, giảm 51% so với tháng trước.
- 09-03-2023Một mặt hàng xuất khẩu tăng ''ngược dòng'', dù HSBC từng cảnh báo Việt Nam ở thế "đứng mũi chịu sào" khi kinh tế chậm lại ở Mỹ
- 09-03-2023Tỉnh vừa ký biên bản ghi nhớ trị giá 2,5 tỷ USD với tập đoàn thuộc top 500 Fortune Trung Quốc đang có tình hình thu hút FDI ra sao?
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2023. Trong Nghị quyết, một trong các nội dung quan trọng là Chính phủ yêu cầu việc tập trung phát triển thị trường trong nước, thúc đẩy xuất khẩu.
Cụ thể, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh triển khai Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các chương trình, đề án về phát triển thương mại trong nước. Thực hiện hiệu quả, thực chất cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa.
Cùng với đó là tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường để điều hành phù hợp, bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu trong mọi tình huống. Củng cố, phát triển các chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ trong nước; chủ động tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu; có giải pháp giảm chi phí dịch vụ logistics để tạo thuận lợi thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thống kê từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, doanh số bán ô tô của các đơn vị thành viên tháng 1/2023 đạt 17.314 xe, giảm 51% so với tháng trước
Đáng chú ý, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, các cơ quan liên quan nghiên cứu chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/3/2023.
Mới đây, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), UBND tỉnh Quảng Nam và UBND tỉnh Ninh Bình cũng vừa có văn bản gửi Thủ tướng, các Bộ Công Thương, Tài chính và các cơ quan liên quan kiến nghị, đề xuất chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Theo đó, các cơ quan này đề xuất Chính phủ gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong năm nay; Giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Thống kê từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, doanh số bán ô tô toàn thị trường của các đơn vị thành viên trong tháng 1/2023 đạt 17.314 xe các loại, giảm 51% so với tháng trước. Xét về nguồn gốc xe, trong khi doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 8.086 xe, giảm 54% thì doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 9.228 xe, giảm 48% so với tháng trước.
Cũng liên quan đến chính sách thuế phí hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, trong Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với cơ quan chức năng Khẩn trương trình cấp có thẩm quyền phương án miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp, người dân áp dụng cho năm 2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Báo cáo Chính phủ trước ngày 15/3/2023.
Giảm mặt bằng lãi suất cho vay, kiểm soát tín dụng với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro
Cùng với đó trong Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu tiếp tục triển khai các giải pháp quản lý chặt chẽ các nguồn thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, nhất là từ thương mại điện tử, nền tảng số, dịch vụ ăn uống, cửa hàng bán lẻ… Tăng cường chống thất thu; triệt để tiết kiệm chi, cắt giảm chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách.
Liên quan đến chính sách tín dụng, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng áp dụng các biện pháp hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng. Kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm lãi suất hợp lý, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu kiểm soát lạm phát.
Chính phủ cũng yêu cầu có các giải pháp tín dụng phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và các thị trường khác.
Về thị trường bất động sản, Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về pháp lý, đối với từng dự án bất động sản cụ thể. Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản lành mạnh, an toàn, bền vững, trình Chính phủ xem xét, ban hành.
VTV