Chính sách "làm tổ cho chim phượng hoàng": Những khó khăn và nhiều điểm mới từ chia sẻ của người trong cuộc
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các đặc khu kinh tế đã có nhiều chia sẻ về Dự luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt nhân dịp đầu năm 2018.
Đặc khu kinh tế, như được dồn dập nhắc đến trong thời gian gần đây, mang theo nhiều ước vọng về đổi thay cho kinh tế Việt Nam, bởi trong quá khứ, nó đã làm nên điều thần diệu cho nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc. Ấp ủ, khao khát là vậy, nhưng việc tạo nên hình hài cho chính sách là không dễ dàng.
"Đây là một luật rất khó", ông Trần Duy Đông nhấn mạnh. Nguyên nhân Việt Nam xây dựng luật khi thế giới đã đi trước khá lâu, đơn cử như Trung Quốc là khoảng 40 năm. Nhiều nghiên cứu chỉ ra sự thành công của các đặc khu trên thế giới là khác nhau với tỷ lệ thành công – thất bại được chia đều.
Bên cạnh đó, ông Đông chỉ ra việc tạo ra sân chơi mới với nhiều cơ chế, thể chế vượt trội trong bối cảnh hội nhập sâu rộng cùng thế giới là rất khó, liệu rằng có điểm nào vượt trội hơn, cạnh tranh hơn không.
Các nước, theo ông là không hề đứng chờ Việt Nam mà ngược lại, họ đang đổi mới, phát triển các đặc khu theo hướng thuận lợi hơn. Thậm chí, như ở Trung Quốc đã đến "version 4".
Tuy nhiên, sau kỳ họp Quốc hội vừa qua, đa số các đại biểu Quốc hội đã đánh giá cao dự luật, thể hiện ở ba nội dung chính.
Thứ nhất, dự luật về cơ bản đã được ra được các cơ chế phát triển kinh tế, xã hội vượt trội khỏi các chính sách mà Việt Nam đang áp dụng tại các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển, cửa khẩu. Đồng thời, đảm bảo được tính cạnh tranh với các đặc khu kinh tế trong khu vực. Tính cạnh tranh cho các đặc khu trong nước đã được tư vấn, đánh giá khách quan từ các tổ chức quốc tế, theo thông tin của ông Đông.
Thứ hai là về bộ máy quản lý đặc khu đã được đi theo mô hình tinh gọn, có thực quyền, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, giúp giải quyết nhanh chóng các yêu cầu của nhà đầu tư. Điều này thể hiện ở việc trưởng đặc khu được trao thẩm quyền cũng như có cơ chế giám sát để không lạm quyền.
Thứ ba là sự đổi mới cả về cơ quan tư pháp, giúp giải quyết các tranh chấp của các nhà đầu tư hiệu quả hơn.
Vụ trưởng Vụ Quản lý các đặc khu kinh tế cũng cho biết thêm, sau kỳ họp vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có cuộc làm việc gần 1 tháng với Uy ban Pháp luật để hoàn thiện dự thảo luật. Ngoài tiếp thu và sửa đổi, dự luật cũng có thêm nhiều điểm mới.
Ví dụ như việc đề xuất thành lập thêm hội đồng đặc khu. Hội đồng này sẽ do Thủ tướng thành lập, có 3 chức năng chính, gồm: tư vấn phản biện bắt buộc đối với các vấn đề lớn của đặc khu; cảnh báo kịp thời cho trưởng đặc khu nếu phát hiện vấn đề trong quyết định của trưởng đặc khu; đánh giá độc lập hoạt động quản lý của trưởng đặc khu và báo cáo trực tiếp lên Thủ tướng để có phương án xử lý kịp thời.
Hay đối với phương án giao đất với thời hạn lên đến 99 năm, ông Đông cho biết chỉ có rất ít các dự án được chấp thuận khi đảm bảo các quy định nghiêm ngặt về quy mô, chiến lược phát triển và phải được Thủ tướng quyết định.
Ngoài ra, dự luật cũng được bổ sung thêm các mô hình mới như thương mại tự do gắn với cảng biển sân bay hay cơ chế công chức hợp đồng – những người được trưởng đặc khu ký hợp đồng, trả lương theo kết quả công việc...