Chính sách mới có ý nghĩa thế nào đối với ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam?
Tại hội thảo "Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp hỗ trợ" được tổ chức bởi Đại sứ quán Thuỵ Điển tại Việt Nam, bà Lê Huyền Nga, Trưởng phòng Công nghiệp hỗ trợ, Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) nhấn mạnh, công nghiệp phụ trợ là một trong những lĩnh vực chủ chốt, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển công nghiệp quốc gia cũng như tăng cường giá trị tăng thêm, nâng cao năng lực cạnh tranh các thành phần kinh tế của Việt Nam.
- 27-10-2020Thị trường quảng cáo di động Việt Nam dự kiến đạt 211 triệu USD năm 2020
- 27-10-2020Ngoài giá FIT, còn những ưu đãi gì khiến cả nhà đầu tư nội, ngoại đổ xô vào năng lượng tái tạo ở Việt Nam?
- 27-10-2020Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 có 15 doanh nghiệp tư nhân vốn hóa 1 tỷ USD
"Hiện nay, công nghiệp phụ trợ đang phát triển rất nhanh chóng và đóng vai trò đáng kể trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ sẽ thu hút nhiều đầu tư chất lượng hơn. Do vậy, thúc đẩy công nghiệp phụ trợ đang là một trong những ưu tiên hàng đầu", bà Nga khẳng định.
Do vậy, Việt Nam đã đề ra nhiều chính sách lớn nhằm hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam. Điển hình như Nghị định 111 vào năm 2015 về phát triển công nghiệp hỗ trợ bao gồm 6 ngành chính: cơ khí, ô tô, điện tử, dệt may, da giày và công nghiệp công nghệ cao.
Nghị định 111 đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp, ví dụ như miễn, giảm thuế; ưu đãi vay nợ đối với hàng hóa trong ngành công nghiệp phụ trợ. Bên cạnh đó, các dự án ngành công nghiệp phụ trợ sẽ có mức lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND từ các cơ sở tài chính hoặc các ngân hàng nước ngoài không vượt quá lãi suất cho vay mà ngân hàng nhà nước công bố.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành công nghiệp phụ trợ cũng được hưởng nhiều ưu đãi từ Nghị định 111. Điển hình, doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể vay tới 70% tổng mức đầu tư, tổng giá trị đã đảm bảo với những điều kiện mà doanh nghiệp có thể đạt được. Nghị định 111 cũng quy định cơ chế chính sách ưu đãi đối với công nghiệp phụ trợ trong việc nghiên cứu và phát triển, áp dụng và chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường...
Năm 2017, Chính phủ đã phê duyệt quyết định số 68 về chương trình phát triển công nghiệp phụ trợ giai đoạn 2016-2025, tập trung vào 3 lĩnh vực chủ yếu: linh kiện phụ tùng, dệt may - da giày và công nghiệp công nghệ cao.
Giai đoạn vừa qua, ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ. Một trong những ví dụ đó là các hoạt động cộng tác cùng các tổ chức quốc tế, ký kết các hiệp định FTA và những dự án với Samsung trong việc đào tạo chuyên gia ở lĩnh vực quản trị doanh nghiệp...
Theo đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), việc triển khai Nghị định 111 đã đạt được những kết quả nhất định, song vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, thị trường tiêu thụ trong nước cũng như chuỗi cung ứng nguyên vật liệu nhập khẩu cho ngành công nghiệp sản xuất. Đặc biệt, với tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, nguyên liệu chủ yếu nhập khẩu nên ảnh hưởng của dịch bệnh đến hoạt động sản xuất của Việt Nam càng rõ ràng.
Vì vậy, đây là thời điểm quan trọng đối với Việt Nam trong việc phát triển kinh tế bền vững. Nhằm tạo động lực phát triển các doanh nghiệp, tăng cường hơn nữa giá trị tăng thêm của quốc gia, Chính phủ đã phê duyệt Nghị quyết 115 vào tháng 8/2020 về việc thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Nghị quyết 115 đã đặt ra các mục tiêu đối với ngành công nghiệp phụ trợ như đảm bảo tính cạnh tranh cao trong thập kỷ tới, đặc biệt đến năm 2025, có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam. Trong thời gian vừa qua, Chính phủ cùng các cơ quan chức năng đã giải quyết rào cản thương mại, góp phần xây dựng một "sân chơi" bình đẳng cho các doanh nghiệp.
Cuối cùng, bà Lê Huyền Nga kết luận, Việt Nam đã có những ưu tiên thương mại hóa các sản phẩm công nghệ, xây dựng và phổ biến các hệ thống công nghệ, từ đó đẩy mạnh hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Nghị quyết 115 cũng được kỳ vọng sẽ loại bỏ những khó khăn và rào cản về mặt cơ chế chính sách, tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong chuỗi cung ứng toàn cầu.