MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chồng chéo trong hệ thống văn bản pháp luật đất đai

06-11-2012 - 10:55 AM |

Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc ngày 5/11 về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai đã chỉ ra nhiều hạn chế, vướng mắc trong hệ thống văn bản pháp luật về đất đai.

Ngoài các đạo luật: đất đai, khiếu nại, tố cáo, tố tụng hành chính, còn có trên 20 đạo luật và nhiều văn bản Chính phủ, các bộ, ngành có nội dung điều chỉnh quan hệ liên quan đến đất đai. Các văn bản này ban hành ở những thời điểm khác nhau nên còn có sự chồng chéo, một số quy định phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần trong thời gian ngắn, thiếu ổn định, tính khả thi không cao. Một số nội dung chưa phù hợp với thực tiễn và một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn thì chưa được quy định.

Bên cạnh đó, có sự mâu thuẫn giữa các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo với các quy định của một số đạo luật chuyên ngành liên quan đến giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai.

Thứ nhất, quy định quyền khiếu nại, quyền khởi kiện vụ án hành chính trong quản lý nhà nước về đất đai, đối với pháp luật đất đai hạn chế hơn so với quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật về tố tụng hành chính. Thời hiệu khiếu nại và khởi kiện đối theo pháp luật về Luật đất đai còn chưa thống nhất với pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật về giải quyết các vụ án hành chính.

Thứ hai, Luật đất đai không quy định về thời hạn giải quyết khiếu nại, còn đối với Luật khiếu nại, tố cáo thì quy định cụ thể thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết và thời hạn giải quyết khiếu nại mỗi lần tiếp theo không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý. Về thẩm quyền giải quyết quy định không thống nhất giữa Luật đất đai với Luật khiếu nại, tố cáo.

Về điều kiện khiếu nại tiếp và khởi kiện, Luật đất đai quy định người khiếu nại chỉ có quyền khiếu nại tiếp hoặc khởi kiện sau khi nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu. Còn theo Luật khiếu nại, tố cáo thì trong trường hợp hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu, lần hai mà khiếu nại không được giải quyết hoặc có quyết định giải quyết lần đầu, lần hai nhưng đương sự không đồng ý thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án nhân dân.

Luật đất đai quy định quyết định của UBND cấp tỉnh giải quyết tranh chấp giữa cá nhân, hộ gia đình với nhau là quyết định giải quyết cuối cùng. Còn đối với Luật tố tụng hành chính thì mở rộng thẩm quyền giải quyết đối với loại tranh chấp này, trường hợp UBND cấp tỉnh giải quyết mà một bên hoặc các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Một số văn bản hướng dẫn thi hành luật chưa kịp thời, chưa đầy đủ, như: vấn đề khôi phục quyền, lợi ích bị xâm phạm và việc bồi thường thiệt hại cho người khiếu nại; việc xử phạt hành vi vi phạm hành chính đối với khiếu nại, tố cáo; việc áp dụng luật để giải quyết những khiếu nại được thụ lý, giải quyết lần hai vào thời điểm sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo có hiệu lực thi hành.

Tuệ Minh

ngatt

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên