Gộp nhiều thửa để tính tiền sử dụng đất
Đó là đề xuất của TP.HCM khi góp ý cho dự thảo nghị định về thu tiền sử dụng đất do Bộ Tài chính soạn thảo.
Cho cộng gộp để đỡ thiệt thòi cho dân
TP.HCM hiện có bốn hạn mức đất ở: khu vực nội thành là 160 m2, các quận mới là 200 m2, khu đô thị mới là 250 m2 và khu vực nông thôn là 300 m2. Ông Tạ Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở Tài chính, cho biết thực tế có không ít trường hợp một cá nhân có nhiều thửa đất và tổng diện tích các thửa đất này vẫn nằm trong hạn mức đất ở. Tuy nhiên, khi thực hiện nghĩa vụ tài chính, họ chỉ được chọn một thửa để đóng tiền sử dụng đất trong hạn mức.
Chẳng hạn ông A có hai thửa đất tại quận 1 (có hạn mức đất ở là 160 m2), mỗi thửa có diện tích 60 m2. Theo quy định, ông A chỉ được chọn một thửa để đóng tiền sử dụng đất trong hạn mức, cho dù tổng diện tích hai thửa đất của ông A cũng chỉ 120 m2 thấp hơn so với hạn mức. “Quy định như vậy là thiệt thòi cho người dân” - ông Vinh cho biết.
Bà Lê Thị Tám, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, nêu một tình huống khác: Một người dân được cấp giấy chứng nhận một thửa đất tại quận Thủ Đức vào năm 2003 và một thửa đất tại quận 1 vào năm 2012. Người này chọn thửa đất tại quận 1 để đóng tiền sử dụng đất trong hạn mức. Tuy nhiên, khi tới cơ quan thuế thì không được chấp nhận vì hai thửa đất này không được cấp giấy chứng nhận cùng thời điểm. Từ đó Cục Thuế TP cũng đề nghị Bộ Tài chính làm rõ những nội dung này trong dự thảo Nghị định thu tiền sử dụng đất.
Trước đó, TP.HCM nhiều lần kiến nghị Trung ương cho phép cộng gộp diện tích các thửa đất để tính tiền sử dụng đất ở trong hạn mức đối với hộ gia đình cá nhân nhưng chưa được giải quyết. “TP.HCM vẫn kiên trì kiến nghị để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc này cho người dân” - ông Tạ Quang Vinh nhấn mạnh.
Hỗ trợ nếu trả tiền ghi nợ sớm
Tại hội thảo, nhiều địa phương đưa ra kiến nghị về việc hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân thanh toán nợ tiền sử dụng đất trước hạn. Theo đó, hộ gia đình, cá nhân nếu thanh toán nợ trước hạn (năm năm kể từ ngày ghi nợ - PV) thì được hỗ trợ giảm trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp theo mức 6%/năm. Ví dụ, ông B được ghi nợ tiền sử dụng đất trong năm năm. Nếu ông B trả dứt nợ trong hai năm, ông sẽ được hỗ trợ 18% số tiền phải nộp (ba năm trước hạn x 6%). Còn nếu sau khi được ghi nợ, ông B đủ tiền trả dứt nợ luôn ngay trong năm đầu thì sẽ được hỗ trợ tới 30% số tiền phải nộp (năm năm x 6%).
Theo tính toán của Bộ Tài chính, mức hỗ trợ như kiến nghị trên tương ứng với lãi suất cho vay mua nhà đối với người có thu nhập thấp trong gói 30.000 tỉ đồng hoặc mức lãi suất gửi tiết kiệm. Bộ Tài chính cho rằng việc hỗ trợ một khoản tiền cho hộ gia đình, cá nhân thanh toán nợ trước hạn là cần thiết. Tuy nhiên, mức hỗ trợ 6%/năm như đề xuất là quá cao nên dễ bị lợi dụng, vì vậy cần giảm xuống 2%/năm.
Ngoài ra, cũng có nhiều ý kiến lo ngại sẽ có đối tượng không phải người nghèo nhưng lợi dụng chính sách này để xin ghi nợ. Điều này cũng không công bằng với những người đóng tiền một lần (sẽ không được hỗ trợ). Nhiều ý kiến cũng cho rằng nếu quy định mức hỗ trợ thì phải có những điều kiện chứng minh hoàn cảnh khó khăn. Việc này cũng tạo áp lực cho UBND phường, xã và cũng dễ phát sinh cơ chế xin-cho.
Thứ Trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí cho biết sẽ ghi nhận các ý kiến tại hội thảo để tiếp tục sửa đổi dự thảo, trình Chính phủ xem xét vào ngày 15-4.
Kiến nghị tăng thời hạn nộp tiền sử dụng đất lên gấp đôi |