Chính sách tài khóa cần đóng vai trò chủ đạo trong hỗ trợ tăng trưởng
Nền kinh tế Việt Nam được dự báo là sẽ tiếp tục đối mặt với rủi ro gia tăng. Trong bối cảnh chính sách tiền tệ không còn nhiều dư địa, chính sách tài khóa cần đóng vai trò chủ đạo để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
- 19-08-2023Quốc hội chuẩn bị giám sát một số dự án quan trọng quốc gia
- 18-08-2023Nóng: Kiểm điểm chủ tịch, tổng giám đốc nhiều đơn vị thuộc EVN
- 18-08-2023Một tỉnh "đất chật, người đông" sẽ có cảng biển lấn biển, đô thị lấn biển
Rủi ro đến từ cả trong nước và bên ngoài
Báo cáo điểm lại tình hình kinh tế tháng 8/2023 của Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây cho biết, Việt Nam sẽ phải đối mặt với các rủi ro gia tăng trong thời gian tới. Nhìn từ bên ngoài, tăng trưởng thấp hơn dự kiến ở các nền kinh tế phát triển và Trung Quốc có thể tiếp tục làm giảm sức cầu bên ngoài đối với khu vực xuất khẩu của Việt Nam, với quy mô ước bằng khoảng 50% GDP. Những bất định kéo dài trên thị trường tài chính toàn cầu có khả năng làm dấy lên căng thẳng trong khu vực ngân hàng trên toàn cầu, càng khiến cho các nhà đầu tư né tránh rủi ro và không khuyến khích đầu tư, bao gồm cả đầu tư vốn FDI vào Việt Nam.
Chính sách tiền tệ thắt chặt mạnh mẽ hơn ở các nền kinh tế phát triển quy mô lớn nhằm chống lạm phát kéo dài có thể nới rộng chênh lệch lãi suất giữa thị trường trong nước và quốc tế, gây áp lực về tỷ giá đối với đồng nội tệ. Hơn nữa, căng thẳng địa chính trị leo thang và thiên tai liên quan đến khí hậu có thể làm gia tăng rủi ro cho Việt Nam, trong đó có cả nguy cơ giá lương thực, thực phẩm và nhiên liệu tăng lên.
Trong nước, khu vực tài chính đang đối mặt với những rủi ro và nguy cơ dễ tổn thương ngày càng lớn. Nền kinh tế gặp khó khăn do tổng cầu yếu đi và tăng trưởng giảm tốc xuống dưới mức tiềm năng. Trong khi đó, dư địa để nới lỏng thêm chính sách tiền tệ không còn nhiều. “Nhu cầu tín dụng vẫn tiếp tục ở mức thấp mặc dù lãi suất đã giảm, việc cắt giảm lãi suất thêm nữa chưa chắc đã đem lại hiệu ứng mong muốn nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Bên cạnh đó, cắt giảm lãi suất sẽ làm tăng chênh lệch lãi suất với các thị trường trên toàn cầu, có khả năng gây áp lực cho tỷ giá” - WB phân tích.
Thực tế, lãi suất tại các ngân hàng đã giảm nhiều và đang giảm thêm. Tính đến hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm mạnh so với những tháng đầu năm. Lãi suất phổ biến cho kỳ hạn 1 năm khoảng 6,3-7,8%/năm. Trong khi đó, so với đầu năm, tỷ giá ở thời điểm hiện tại đã tăng 1,17%, còn so với thời điểm đáy của năm nay, tỷ giá đã tăng 1,65%. Theo các chuyên gia, nếu tỷ giá và lãi suất tại các ngân hàng tiếp tục diễn biến theo xu hướng này, kỳ vọng về việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất điều hành sẽ khó xảy ra.
Chú trọng chính sách tài khóa
Trong bối cảnh dư địa của chính sách tiền tệ không còn nhiều, TS. Nguyễn Hữu Huân - giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh - cho rằng, để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, Chính phủ cần tập trung vào chính sách tài khóa nhiều hơn. Tương tự, PGS,TS. Phạm Thế Anh - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - đề xuất: Nên ưu tiên sử dụng các biện pháp tài khóa để thúc đẩy tổng cầu như: Tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công; tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng, tránh dàn trải; phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu thực; bổ sung/xây dựng mới các trường học công đáp ứng đủ nhu cầu xã hội. Ngoài ra, có thể kích cầu thông qua trợ cấp an sinh xã hội cho hộ nghèo và người bị mất việc; nâng mức thu nhập chịu thuế.
Chính sách tiền tệ đã “quá sức”, cần phải xem xét lại việc kết hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ. Đầu tiên, phải sử dụng tốt chính sách tài khóa, tiếp đến là cải thiện môi trường kinh doanh, sau đó mới đến chính sách tiền tệ.
TS. Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương
Do dư địa tài khóa còn dồi dào nên các chuyên gia của WB khuyến nghị: Chính sách tài khóa cần đóng vai trò chủ đạo, đảm bảo ngân sách đầu tư năm 2023 được triển khai tốt hơn. WB cho biết, ngân sách đầu tư công theo kế hoạch nếu được triển khai đầy đủ sẽ nâng đầu tư công lên 7,1% GDP trong năm 2023, so với mức 5,5% GDP dự toán trong năm 2022, với xung lực tài khóa hỗ trợ cho tổng cầu ở mức 0,4% GDP. Chính phủ đã lên kế hoạch nâng đầu tư công thêm 38% cho năm 2023 - tương đương 1,6% GDP thông qua Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế 2022-2023.
Việc đẩy nhanh và cải thiện hiệu suất đầu tư công sẽ giúp giải quyết những hạn chế phát sinh về hạ tầng để hỗ trợ tăng trưởng. Theo đó, các cấp chính quyền cần xác định chỉ tiêu giải ngân đầu tư và đảm bảo hiệu lực thực thi, trách nhiệm giải trình; tập trung cao độ để giải ngân các chương trình đầu tư quan trọng của quốc gia như: Đường cao tốc, truyền tải điện và các chương trình mục tiêu quốc gia; cho phép linh hoạt trong thực hiện các quy định về phân bổ ngân sách...
Trong trung hạn, chính sách tài khóa có thể giúp nâng cao tính bền vững cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Chẳng hạn, cơ chế sản xuất và tiêu dùng xanh giúp nâng cao khả năng chống chịu biến đổi khí hậu. Thuế carbon và các công cụ tài khóa khác nếu được triển khai có thể khuyến khích các ngành công nghiệp giảm phát thải carbon và áp dụng các biện pháp bền vững hơn.
Ngân hàng Thế giới
Bên cạnh đó, theo WB, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống an sinh xã hội cũng là cách để hỗ trợ tổng cầu. Các cấp có thẩm quyền cần cải tiến cách tiếp cận, lựa chọn đối tượng và cơ chế cung cấp hỗ trợ trong hệ thống an sinh xã hội để hỗ trợ những người dễ tổn thương khi gặp cú sốc kinh tế. Đồng thời, tiếp tục cải cách, giảm nhẹ gánh nặng quy định hành chính cho các doanh nghiệp là điều kiện cần để nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh. Quan trọng hơn, tái cải cách doanh nghiệp nhà nước sẽ tạo xúc tác để thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân, nâng cao năng suất và hiệu quả tổng thể của nền kinh tế.
Ngoài ra, WB lưu ý: Đa dạng hóa các mặt hàng và địa chỉ xuất khẩu là cách để giảm phụ thuộc vào những thị trường và sản phẩm cụ thể, qua đó nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế với những biến động kinh tế trên toàn cầu. Bên cạnh đó, khai thác đầy đủ các hiệp định thương mại tự do sẽ mở ra các cơ hội thị trường, thúc đẩy xuất khẩu và hỗ trợ hội nhập kinh tế với các quốc gia đối tác./.
Báo Kiểm toán