Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt
Báo cáo bổ sung trước Quốc hội sáng 21/5 về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, tình hình những tháng đầu năm 2018 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình trình nhấn mạnh: Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống.
- 08-05-2018Chuyên gia: Nới lỏng chính sách tiền tệ không nên là ưu tiên trong giai đoạn hiện nay
- 07-02-2018Giảm lãi suất là trọng tâm, NHNN khẳng định linh hoạt chính sách tiền tệ để hỗ trợ
- 19-12-2017Các tổ chức tài chính quốc tế muốn Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn nữa
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho biết, những tháng đầu năm 2018, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,8%; lạm phát cơ bản chỉ tăng 1,34%.
Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I đạt 7,38%, cao nhất 10 năm qua; trong đó cả 3 khu vực đều tăng cao hơn cùng kỳ. Bên cạnh đó, xuất khẩu tiếp tục đà tăng mạnh; trong những tháng đầu năm, nhiều đơn hàng xuất khẩu lớn đã được ký kết; tổng kim ngạch 4 tháng đạt 73,76 tỷ USD, tăng 19%; xuất siêu 3,4 tỷ USD, góp phần quan trọng cải thiện cán cân thanh toán.
Một điểm sáng nữa là môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; cải cách thủ tục hành chính có nhiều tiến bộ. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) bình quân đạt mức cao nhất kể từ khi thực hiện năm 2005 đến nay... Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện tích cực đã kích thích tinh thần khởi nghiệp tăng cao. Trong 4 tháng có trên 41 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và trên 11 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại; tổng vốn đăng ký mới, bổ sung đạt trên 1,16 triệu tỷ đồng.
Về điều hành chính sách tiền tệ báo cáo của Chính phủ nêu rõ, chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống. Mặt bằng lãi suất ổn định; tín dụng tập trung cho sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên với lãi suất giảm 0,5 - 1%.
Bên cạnh đó, tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại hối nhà nước đạt 63,5 tỷ USD. Năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng được tăng cường, mở rộng quy mô, mạng lưới, phát triển các dịch vụ thanh toán, tín dụng bán lẻ, tiêu dùng; có giải pháp kiểm soát hoạt động liên quan đến tiền ảo...
Đối với lĩnh vực tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, báo cáo cho rằng, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng đạt được những kết quả quan trọng. Các ngân hàng thương mại yếu kém được kiểm soát chặt chẽ, tập trung xử lý theo nguyên tắc thị trường. Đến cuối tháng 3/2018, tỷ lệ nợ xấu còn 2,18%...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, vẫn còn những hạn chế và gặp nhiều khó khăn, thách thức. Theo đó, kinh tế vĩ mô ổn định chưa thật vững chắc. Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát do nhiều nguyên nhân. Giải ngân vốn đầu tư từ NSNN 4 tháng mới đạt 16,4% dự toán; cân đối ngân sách trung ương khó khăn; kỷ luật tài chính - NSNN có nơi chưa nghiêm.
Bên cạnh đó, chi phí logistics, kiểm tra chuyên ngành còn cao. Một số công trình trọng điểm chậm tiến độ và đội vốn. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch có nơi còn bất cập. Thị trường bất động sản phát triển chưa bền vững. Quản lý tài sản công nhiều nơi còn lỏng lẻo, thất thoát, lãng phí; phát hiện một số vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng về quản lý nhà, đất, phải xử lý hình sự...
Về giải pháp điều hành trong thời gian tới, theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Chính phủ tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả, kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4% và thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt trên 6,7%. Phấn đấu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên. Ổn định thị trường ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước. Kiểm soát quy mô tín dụng ở mức hợp lý gắn với nâng cao chất lượng; kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao...
Đồng thời tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết, tận dụng tốt cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0. Rà soát, hoàn thiện và tổ chức thực hiện đồng bộ các đề án, kế hoạch, chương trình cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá, giám sát và chỉ đạo thực hiện gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Xây dựng chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo nghề; phấn đấu đạt tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng GDP trên 46%. Cải thiện các lĩnh vực xã hội, nâng dần giá trị và vị trí xếp hạng quốc tế về chỉ số phát triển con người (HDI).
“Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Hoàn thành việc phê duyệt và đẩy mạnh thực hiện Đề án cơ cấu lại đối với từng tổ chức tín dụng. Tập trung xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và nợ xấu theo nguyên tắc thị trường, không hỗ trợ trực tiếp từ NSNN; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; xử lý nghiêm các vi phạm. Phát triển các thị trường chứng khoán, bảo hiểm lành mạnh, an toàn, bền vững”, báo cáo của Chính phủ nêu rõ.
Thời báo ngân hàng