MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chờ đợi gì từ 'mỏ vàng' du lịch?

Sáu tháng đầu năm, khu vực dịch vụ tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế, đóng góp chính vào tăng trưởng GDP. Nhu cầu nội địa tăng, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt kỷ lục mới, được kỳ vọng tiếp tục là động lực cho ngành du lịch, dịch vụ, tạo cú hích cho mục tiêu tăng trưởng cao năm nay.

Tổng cục Thống kê vừa có báo cáo về sự đóng góp của ngành dịch vụ vào tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm. Dịch vụ đã trở thành ngành kinh tế lớn nhất của Việt Nam, chiếm 42,54% tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2023. Tỷ trọng lao động có việc làm chiếm gần 40% tổng số lao động có việc làm trong nền kinh tế.

Sáu tháng đầu năm nay, khu vực này tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế, đóng góp chính (49,76%) vào tăng trưởng GDP , nhờ nhu cầu nội địa tăng và khách quốc tế đến Việt Nam phục hồi mạnh mẽ.

Chờ đợi gì từ 'mỏ vàng' du lịch?- Ảnh 1.

Khu vực dịch vụ đóng góp chính vào tăng trưởng GDP, nhờ nhu cầu nội địa tăng và khách quốc tế đến Việt Nam phục hồi mạnh mẽ.

Doanh thu của các ngành dịch vụ trong 6 tháng đầu năm đã ghi nhận mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm trước. Cả doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành… đều ghi nhận tăng trưởng. Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam ước đạt 11,2 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023.

Cơ quan thống kê đánh giá, tăng trưởng tích cực của khu vực du lịch có phần đóng góp quan trọng từ lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt kỷ lục mới.

Nửa đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 8,8 triệu lượt người, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm trước. Con số này thậm chí còn cao hơn 4,1% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm chưa xảy ra dịch COVID-19.

Chờ đợi gì từ 'mỏ vàng' du lịch?- Ảnh 2.

10 thị trường có lượng khách đến Việt Nam lớn nhất 6 tháng đầu năm (đơn vị: nghìn lượt người).

Xét theo thị trường, khách đến từ châu Á vẫn chiếm áp đảo với đạt 6,9 triệu lượt người. Việt Nam còn đón 1,1 triệu lượt khách châu Âu, hơn nửa triệu lượt khách châu Mỹ...

Trong đó, Hàn Quốc đứng đầu với gần 2,3 triệu lượt khách, Trung Quốc theo sau với gần 1,9 triệu lượt khách. Tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Nhật Bản...

"Các thị trường này là động lực chính cho sự phục hồi khách quốc tế đến Việt Nam kể từ sau dịch COVID-19 được kiểm soát. Khách châu Âu cũng có sự tăng trưởng tích cực, đặc biệt từ Anh, Pháp, Đức, Ý. Đây là những thị trường được hưởng chính sách miễn thị thực đơn phương nhập cảnh vào Việt Nam với thời hạn tạm trú lên đến 45 ngày, áp dụng từ 15/8/2023", Tổng cục Thống kê nhận định..

Ông Michael Kokalari - Kinh tế trưởng của VinaCapital - ước tính, tổng đóng góp của ngành du lịch cho nền kinh tế Việt Nam (bao gồm cả trực tiếp và gián tiếp) chiếm hơn 15% GDP. Vinacapital kỳ vọng, lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tăng 40% trong năm nay, sau khi tăng gần 250% vào năm ngoái.

Sự tăng trở lại của khách Trung Quốc, cùng với nhu cầu du lịch tăng cao của người Mỹ được dự báo sẽ giúp tổng lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam vượt khoảng 5% so với trước dịch COVID-19. Tuy nhiên, ông Michael Kokalari cũng lưu ý, tỷ lệ lấp đầy phòng khách sạn ở Việt Nam vẫn thấp hơn khoảng 20% trước dịch, chủ yếu do sự sụt giảm lượng khách Trung Quốc.

Theo thống kê của Vincapital, khách Trung Quốc, Nga chiếm tỷ lệ đáng kể trong nhóm khách phân khúc tầm trung - phân khúc thị trường chưa hồi phục hoàn toàn. Trong khi đó, một số tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp đạt tỷ lệ lấp đầy bằng, hoặc cao hơn trước dịch.

Cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường khách quốc tế, du lịch nội địa cũng đạt được kết quả tích cực. Sáu tháng đầu năm, các cơ sở lưu trú và lữ hành Việt Nam đã phục vụ hơn 66,5 triệu lượt khách du lịch nội địa . Tổng doanh thu du lịch ước đạt khoảng 436,5 nghìn tỷ đồng, gấp 1,3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Dự báo thời gian tới, Tổng cục Thống kê cho rằng ngành dịch vụ tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế. Một số ngành thương mại có thể duy trì đà tăng trưởng tích cực bởi các chính sách kích cầu tiêu dùng với các chương trình lễ hội du lịch, lễ hội mua sắm, chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa.

Theo Việt Linh

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên