Cho phá sản doanh nghiệp nhà nước thua lỗ
Quan điểm của Chính phủ là doanh nghiệp nhà nước tự vay phải tự trả; dứt khoát không chuyển nợ doanh nghiệp nhà nước sang nhà nước trả hộ.
- 17-03-2017Gần 70% nhà đầu tư ngoại tin doanh nghiệp nhà nước có nhiều đặc quyền, đặc lợi
- 17-03-2017Chặn doanh nghiệp nhà nước bán đất “vàng” giá rẻ
- 01-03-2017Những "ông lớn" doanh nghiệp Nhà nước nào được Chính phủ bảo lãnh nợ?
Ngày 20-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã họp cho ý kiến về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).
Bổ sung 3 chương mới
Đại diện cơ quan soạn thảo dự luật, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết lần sửa đổi này, Chính phủ đề xuất bổ sung 3 chương mới quy định về chỉ tiêu an toàn, chiến lược, chương trình và kế hoạch vay, trả nợ công; quản lý cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ; bảo đảm khả năng trả nợ công.
Là cơ quan thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TC-NS) Nguyễn Đức Hải nhìn nhận đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban TC-NS thống nhất với nội dung về phạm vi nợ công như Chính phủ trình. Cụ thể là không tính vào nợ công các khoản nợ do Ngân hàng Nhà nước phát hành để thực hiện chính sách tiền tệ, nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước . Trong trường hợp doanh nghiệp (DN) không đủ khả năng trả nợ thì thực hiện thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật.
Tránh việc chuyển nợ doanh nghiệp thành nợ của nhà nước như đã xảy ra tại Vinashin Ảnh: TẤN THẠNH
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc không trả được nợ nước ngoài của DN nhà nước có thể ảnh hưởng đến hệ số tín nhiệm của quốc gia và trên thực tế đã có trường hợp nhà nước phải trả nợ thay. Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, đưa các khoản ứng trước ngân sách nhà nước, nợ cấp bù chênh lệch lãi suất cho các ngân hàng chính sách, nợ hoàn thuế giá trị gia tăng và nợ bảo hiểm xã hội (những khoản kéo dài qua năm ngân sách) vào nợ công vì đây thực chất là những khoản nợ mà ngân sách sẽ phải bố trí nguồn để trả ở các năm sau nên nếu không tính vào nợ công sẽ dẫn đến rủi ro, bị động cho quá trình quản lý, điều hành nợ công.
Khả năng có hạn, chi tiêu lại theo nhu cầu!
Góp ý dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề nguyên nhân nợ công cao là do Luật Quản lý nợ công 2009 có vấn đề hay do khâu tổ chức thực hiện luật chưa tốt? “Việc sửa đổi Luật Quản lý nợ công liệu có giải quyết được thực trạng nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn hiện nay hay không?” - bà Nga chất vấn.
Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng nhiều nước, ngân hàng trung ương là độc lập nhưng ở Việt Nam thì Ngân hàng Nhà nước lại trong Chính phủ. “Vậy không tính các khoản do Ngân hàng Nhà nước đứng ra vay thì có hợp lý?” - ông Hiển băn khoăn.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đề nghị dự luật phải làm rõ định nghĩa khu vực công. “Nếu Ngân hàng Nhà nước và DN nhà nước là khu vực công thì đương nhiên nợ của họ, nhà nước phải trả. Như nợ của Vinashin thì ai trả ngoài Chính phủ” - ông Bình nêu thực tế.
Trả lời các chất vấn, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận nợ công tăng nhanh trước hết là do điều hành. Nhiệm kỳ 2011-2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP ở mức 5,9% trong khi vẫn phải bảo đảm các mục tiêu khác như an sinh xã hội tăng, đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ theo nghị quyết của trung ương, nghị quyết của QH nên trong thời gian dài đã giữ mức bội chi rất cao. “Chúng ta để mức bội chi lên 5,6%-5,7% là quá cao lại phát hành trái phiếu Chính phủ khoảng 330.000 tỉ đồng nên tổng vay 2011-2015 khoảng 1,4 triệu tỉ đồng. Trong khi giá trị GDP thực tế vài năm qua thấp hơn so với dự báo, trong khi điều hành cân đối ngân sách đều hoàn thành theo dự toán, theo kế hoạch đặt ra, tức là khả năng có hạn nhưng chi tiêu lại theo nhu cầu. Như thế thì nợ công tăng nhanh là đúng” - ông Dũng nhận định.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, giai đoạn 2011-2013, thời gian huy động vốn quá ngắn, lãi suất quá cao, có khoản vay đến 12%-13% nên áp lực trả nợ dồn sang 2016-2017. Một nguyên nhân khác dẫn đến nợ công tăng cao là việc giải ngân vốn ODA tăng nhanh. Dự toán ODA thấp, chỉ 17.000-18.000 tỉ đồng nhưng năm nào cũng giải ngân đến 50.000-60.000 tỉ đồng.
Tránh chuyển nợ từ doanh nghiệp sang nhà nước
Đối với các khoản nợ khác của DN nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu thực tế có 40 nước và nhóm nước trên thế giới, trong đó có các nước phát triển, quốc gia có nền kinh tế tương đồng với Việt Nam đều không tính nợ DN nhà nước vào nợ công. Song cũng có 4 nước tính nợ DN vào nợ công nhưng cũng chỉ tính phần nợ của các DN công ích, thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định các khoản vay về cho vay lại, vay do Chính phủ bảo lãnh đã được tính trong nợ công, kể cả bảo lãnh cho tổ chức tín dụng hay cho DN. Còn lại, các khoản nợ khác của DN nhà nước là công ty TNHH MTV nên chịu trách nhiệm hữu hạn trên tổng số vốn được cấp, do đó vay không trả được thì phá sản theo luật định. Theo bộ trưởng, cần cương quyết tránh việc chuyển nợ DN thành nợ của nhà nước như đã xảy ra tại Vinashin.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết thêm Ngân hàng Thế giới đưa ra điều kiện cần thiết để nợ DNNN được tính vào nợ công khi thỏa mãn 3 điều kiện: Thu chi nằm trong dự toán, Chính phủ sở hữu trên 50%, Chính phủ cam kết trả nợ trong trường hợp DN không trả được nợ. “2 trong 3 điều kiện này chúng ta không có, do đó nợ DN nhà nước không thể tính vào nợ công. Quan điểm của Chính phủ là DN nhà nước tự vay phải tự trả. Dứt khoát không có chuyện chuyển nợ DN nhà nước sang nhà nước trả hộ” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng quả quyết.
Không nên xáo trộn chức năng phân bổ, sử dụng vốn vay
Với quan điểm không xáo trộn chức năng, nhiệm vụ của các bộ ngành, Chính phủ đề nghị dự luật tiếp tục giữ nguyên chức năng, nhiệm vụ giữa 3 cơ quan (Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính) trong vận động, điều phối, đàm phán, ký kết hiệp định khung, thỏa thuận vay cụ thể, phân bổ, sử dụng vốn vay, trả nợ và quản lý nhà nước đối với nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi.
Người lao động