Cho phép ngân hàng xác thực khách hàng điện tử: Ai được lợi?
Tới đây, thay vì việc khách hàng phải đến trực tiếp ngân hàng để thực hiện các biện pháp xác thực truyền thống như trình diện và đối chiếu các loại giấy tờ tùy thân khá phiền phức, thì eKYC cho phép khách hàng không cần gặp mặt trực tiếp nhờ sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN đang lấy ý kiến đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN (Dự thảo) về hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Trong đó, sửa đổi lớn nhất liên quan đến việc cho phép ngân hàng thương mại (NHTM) được quyết định gặp hoặc không gặp trực tiếp khách hàng khi lần đầu thiết lập mối quan hệ. Theo TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, đây là điều mà không chỉ các NHTM mà còn cả hệ thống tài chính đã mong chờ trong nhiều năm qua nhằm đạt được bước đột phá trong chuyển đổi số và phát triển tài chính toàn diện.
Cũng theo nhóm tác giả, bản chất của việc "không gặp trực tiếp khách hàng khi lần đầu thiết lập mối quan hệ" (còn được hiểu là xác thực khách hàng điện tử - eKYC) không phải là việc mở tài khoản ngân hàng mà không có kiểm soát, từ đó dẫn tới nguy cơ lừa đảo, rửa tiền. Mà thực chất là, thay vì việc khách hàng phải đến trực tiếp ngân hàng để thực hiện các biện pháp xác thực truyền thống như trình diện và đối chiếu các loại giấy tờ tùy thân khá phiền phức, thì nay, eKYC cho phép khách hàng không cần gặp mặt trực tiếp nhờ sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại thông qua đối chiếu thông tin cá nhân tức thì với hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung về danh tính người dùng, xác thực dạng sinh trắc học thông qua vân tay, khuôn mặt, mống mắt…, với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI).
Theo TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, quy định cho phép eKYC là một xu thế tất yếu trong quá trình chuyển đổi số nền kinh tế và hoạt động sản xuất – kinh doanh, trong đó có lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Bởi lẽ, dù sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số có phát triển đến đâu mà khách hàng vẫn phải đến ngân hàng gặp mặt trực tiếp để mở tài khoản, thì có lẽ đó là cách số hóa "nửa vời" và càng khó có thể chấp nhận trong bối cảnh Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh phát triển kinh tế số và thanh toán không dùng tiền mặt.
Với bước tiến này, lợi ích đem lại cho người dân, ngân hàng và cơ quan quản lý là rất lớn. Trong đó, đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất chính là người dân. Khách hàng có thể tiếp cận dịch vụ ngân hàng mọi lúc mọi nơi, thuận tiện, linh hoạt, nhanh chóng. Cũng giống như việc khách hàng đang chuyển dần từ mua bán truyền thống sang mua bán "online" khi chỉ việc thao tác trên thiết bị là có thể mua được hàng hóa, thì nay, khách hàng cũng có thể có được những trải nghiệm như vậy với dịch vụ ngân hàng. Điều này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.
Bên cạnh đó, eKYC còn góp phần tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người dân. Trên thực tế, tại Việt Nam khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng truyền thống còn khá hạn chế, đặc biệt với người dân ở vùng nông thôn, một trong những nguyên nhân khiến người dân chưa tiếp cận được với dịch vụ ngân hàng là do e ngại thủ tục rườm rà. Tuy nhiên, khi eKYC được áp dụng thì những trở ngại, khó khăn đó sẽ được xóa nhòa, đặc biệt là trong bối cảnh tại Việt Nam, có tới 55% người dân sử dụng điện thoại đã có điện thoại thông minh năm 2019 (theo E-marketing) và Bộ Thông tin & Truyền thông đang có kế hoạch phổ cập 100% người dân sử dụng điện thoại di động.
Đối với ngân hàng thương mại, theo nhóm tác giả, eKYC cho phép tiết kiệm thời gian, tiền bạc (đầu tư vào cơ sở vật chất và nguồn nhân lực), hạn chế các rủi ro liên quan đến gian lận của khách hàng mà giao dịch viên khó phát hiện được (như làm giả chứng minh thư, căn cước…). Một nghiên cứu của McKinsey (2019) cho thấy việc cho phép áp dụng e-KYC có thể giúp giảm 90% chi phí đăng ký khách hàng. Không những vậy, như đã phân tích ở trên, eKYC còn mở rộng đối tượng khách hàng, từ đó giúp gia tăng nguồn thu và đa dạng hóa hoạt động cho ngân hàng, phù hợp xu thế mới trong bối cảnh thực hiện Quyết định 986/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ngoài ra, thông qua theo dõi lịch sử giao dịch, ngân hàng còn có thể đánh giá hành vi của khách hàng trong quan hệ thanh toán, tín dụng…v.v.
Đối với cơ quan quản lý, việc người dân tăng cường sử dụng dịch vụ thanh toán qua ngân hàng cũng giúp NHNN giám sát dòng tiền trong nền kinh tế tốt hơn và hỗ trợ cho công tác phòng chống rửa tiền và tội phạm tài chính vì mức độ xác thực và định danh khách hàng đạt tỷ lệ chính xác khá cao. Ngoài ra, để triển khai eKYC cần cho phép ngân hàng truy cập vào cơ sở dữ liệu định danh cá nhân quốc gia, khi đó, sẽ tạo ra động lực khuyến khích người dân đăng nhập vào hệ thống và cập nhật thông tin của mình để thuận tiện hơn trong giao dịch ngân hàng, từ đó làm giàu thêm cơ sở dữ liệu quốc gia mà không tốn kém công sức, chi phí. Đồng thời, cho phép eKYC sẽ thúc đẩy nhanh tiến trình thanh toán không dùng tiền mặt, qua đó tăng tính công khai, minh bạch, góp phần giảm qui mô nền kinh tế ngầm và giao dịch không chính thức.