Chờ sửa quy định, doanh nghiệp ôm nỗi lo bị siết 'nhầm'
Lãnh đạo chính phủ liên tục thúc giục, nhưng quy định chưa hợp lý tại Nghị định 20 vẫn chậm được Tổng cục Thuế sửa đổi.
Nhắc nhở nhưng chậm sửa đổi
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng của ngành Tài chính ngày 12/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Tài chính xem xét sửa đổi bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật đang có vướng mắc. Trong đó, có quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết tại Nghị định 20.
“Nghị định 20 Thủ tướng Chính phủ 3 lần nhắc chuyện này rồi”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ.
Hơn 4 tháng sau lời nhắc nhở của Phó Thủ tướng, Nghị định 20 vẫn chưa có động thái nào được sửa đổi hay tạm dừng thực thi như đề xuất của nhiều doanh nghiệp.
Doanh nghiệp phải nộp thêm tiền thuế với quy định khống chế lãi vay
Theo cơ quan này, qua rà soát, chỉ có hơn 4.000 doanh nghiệp trên tổng số hơn 700.000 doanh nghiệp đang hoạt động thuộc diện phải kê khai theo Nghị định 20. Trong số đó khoảng 10% số doanh nghiệp kê khai không có lãi (đang lỗ).Thay vào đó, Tổng cục Thuế cũng phát đi nhiều thông tin để bảo vệ cho quan điểm tại Nghị định 20.
Đó có phải là con số đủ để chứng minh không nhiều doanh nghiệp nội bị ảnh hưởng bởi Nghị định 20 hay không?.
97-98% doanh nghiệp nội là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nghị định 20 với quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp lại tác động đến các doanh nghiệp có quy mô lớn, bởi phần lớn những doanh nghiệp quy mô lớn mới tổ chức mô hình kiểu công ty mẹ - con.
Do vậy, Nghị định 20 gây khó khăn cho các Tập đoàn hoạt động theo mô hình mẹ -con trong khi mô hình này là xu thế tất yếu trong kinh doanh để hỗ trợ về vốn cho các Công ty thành viên khi mới thành lập và chưa thể tiếp cận được nguồn vốn vay, cũng như được vay vốn với chi phí hợp lý. Quy định của Nghị định 20 đã tạo rào cản việc cho vay nội bộ giữa công ty mẹ và công ty con, làm mất đi khả năng điều tiết sức mạnh chung của một Tập đoàn và cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề cần vốn lớn, có ý nghĩa lâu dài cho nền kinh tế.
Tổng cục Thuế cũng nói rằng hiện có hơn 37.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là các công ty con của các công ty đa quốc gia tại Việt Nam, tuy nhiên chưa nhận được một văn bản kiến nghị nào về vấn đề của Nghị định 20.
Điều đáng lưu ý, kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy, bình quân tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của DN tư nhân (là 3/1) cao hơn rất nhiều so với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) (1,8/1) cho thấy DN tư nhân phụ thuộc vào vốn vay nhiều hơn. Trong khi đó, tỷ suất lợi nhuận trên vốn của khối DN tư nhân thấp hơn rất nhiều so với DN FDI. Như vậy, có thể thấy Nghị định 20 khiến khối doanh nghiệp tư nhân trong nước bị tăng lợi nhuận ảo, dẫn đến phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn và lợi nhuận thật của doanh nghiệp bị giảm đáng kể, không ít doanh nghiệp bị lỗ nặng.
Trong khi đó, hiện nhà nước chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư như: Sản xuất sản phẩm nông nghiệp, phát triển giáo dục – y tế thuộc lĩnh vực xã hội hóa, đầu tư vào các địa bàn kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, các lĩnh vực này đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn lâu và hiệu quả kinh doanh rất thấp, trong khi đó các doanh nghiệp dự án thông thường đều chưa đủ điều kiện, uy tín để tự huy động vốn thực hiện. Do vậy, nếu bị loại hoàn toàn chi phí lãi vay sẽ dẫn đến không có doanh nghiệp nào muốn đầu tư vào các lĩnh vực này nữa.
Tiếp tục chờ đợi?
Trả lời báo chí về vấn đề này, đại diện Tổng cục Thuế cho biết: “Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã báo cáo về kết quả thực hiện Nghị định 20, trong đó nêu những đề xuất, những cách thức giải quyết. Cụ thể, Bộ đang xây dựng các nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, trong đó có nghị định thay thế Nghị định 20. Chúng tôi ghi nhận ý kiến đóng góp của các hiệp hội, ngành hàng, các DN về Nghị định 20 nói chung và Khoản 3 Điều 8 nói riêng và sẽ báo cáo Chính phủ tại dự thảo nghị định trên”.
Điều này có nghĩa, Nghị định 20 chỉ có thể được sửa sau tháng 7/2020, cũng có nghĩa năm 2019, kể cả năm 2020 doanh nghiệp “nội” tiếp tục phải nộp phần thuế tăng thêm bởi quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ.
Trong khi đó, hồi tháng 7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhắc nhở rằng: "Nếu chúng ta chờ sửa đổi bổ sung theo Luật Quản lý thuế thì rất chậm. Vướng đâu phải sửa đấy. Quy định này lại liên quan đến chi phí hợp lý hợp lệ để tính thuế, được điều chỉnh tại Luật thuế thu nhập doanh nghiệp là chính, chứ không phải trong Luật quản lý thuế”.
Ông Chung Thành Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Kế toán Đồng Hưng, đã thốt lên rằng: Quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ tại Nghị định 20 là sai. Vấn đề nằm ở chỗ, cơ quan nhà nước ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều ý kiến phản hồi thì phải có trách nhiệm xem xét.
Thậm chí, nếu có việc sửa đổi Nghị định 20 thì phải áp dụng cho kỳ tính thuế từ năm 2017 chứ không phải từ 2020 mới áp dụng.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, cũng kiến nghị: Thời gian chờ sửa Nghị định, nếu có những quyết định tạm dừng thì hợp lý hơn.
Như vậy, cần phải nhanh chóng thực hiện xác định chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 20 cho phù hợp với quy định hiện hành, thông lệ quốc tế và thực tế hoạt động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại Việt Nam.
Vietnamnet