MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cho thuê vỉa hè: Lo ngại va chạm, xung đột lợi ích

Nhiều chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần có quy định cụ thể, tính đến các yếu tố đặc thù của hoạt động thuê vỉa hè thì chủ trương này mới khả thi; ngăn chặn được mâu thuẫn có thể phát sinh giữa người thuê vỉa hè và chủ nhà mặt phố...

Kế hoạch 01 của Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội về tổng kiểm tra xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, ATGT, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn Thủ đô bước vào giai đoạn khó khăn hơn. Bởi sau kiểm tra, xử lý vỉa hè lòng đường, việc duy trì để không tái diễn vi phạm là rất quan trọng.

Đại diện Ban chỉ đạo 197 quận Hai Bà Trưng thông tin, riêng trong tháng 4, quận đã xử lý gần 1.000 trường hợp vi phạm, xử phạt với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng. Trong đó vi phạm liên quan đến lòng đường vỉa hè chủ yếu là chiếm dụng lòng đường, hè phố để họp chợ, kinh doanh, ăn uống...

Cho thuê vỉa hè: Lo ngại va chạm, xung đột lợi ích - Ảnh 1.

Hè phố Trần Xuân Soạn (đoạn từ phố Huế đến ngã tư Ngô Thì Nhậm) đang được đề xuất cho thuê

Quận Hai Bà Trưng đã chỉ đạo các phường giải tỏa 104/138 hàng trà đá vỉa hè, sắp xếp lại vào các ngõ để trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Mặc dù đạt được kết quả khả quan nhưng vẫn có tình trạng xử lý xong lại tái diễn. Ban chỉ đạo 197 quận đã rà soát, đề xuất UBND quận Hai Bà Trưng 4 tuyến phố đủ điều kiện cho thuê kinh doanh trên vỉa hè.

Tại quận Tây Hồ, đại diện UBND quận cho biết, đã nhận được đề xuất của UBND phường Nhật Tân cho phép thí điểm kinh doanh vỉa hè 2 tuyến phố Vũ Tuấn Chiêu và Trịnh Công Sơn. Đây là 2 đoạn đường thuộc phố đi bộ Trịnh Công Sơn, có nhiều hộ kinh doanh. Theo vị này, hồ Tây là điểm tham quan du lịch, có nhiều khu vực đẹp có thể phát triển kinh tế như các tuyến phố ven hồ. Tuy nhiên, vỉa hè quanh hồ đều không đảm bảo bề ngang trên 3m để đề xuất cho thuê.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc cho thuê vỉa hè đủ điều kiện để cho kinh doanh là chủ trương phù hợp. Tuy nhiên, cách làm thế nào thì cần được thành phố hướng dẫn. Vì nếu cứ mang vỉa hè cho thuê kinh doanh thì vướng luật, sau đó phải tính giá thuê thế nào? Nếu đấu giá công khai các vỉa hè thì rất dễ tạo ra xung đột giữa nhà mặt tiền và người được thuê vỉa hè ở đó.

Bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII, hoàn toàn ủng hộ “kinh tế vỉa hè” của Hà Nội. Để tránh xung đột lợi ích, bà An đề nghị phân cấp cho các phường xác định đối tượng được thuê vỉa hè. "Đây phải là những người thực sự cần nguồn sống từ kinh tế vỉa hè. Việc này làm phải minh bạch, công khai danh tính người thuê để chính người dân giám sát", bà An nói.

Ngoài ra, việc đánh giá kết quả thí điểm cho thuê là cần thiết. Việc đánh giá có thể theo tháng, theo quý nhưng bắt buộc công khai để người dân, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội giám sát. "Tôi nghĩ với chỉ đạo quyết liệt của thành phố, vỉa hè Hà Nội sẽ sớm đẹp, đáp ứng nhu cầu phát triển của Thủ đô", bà Bùi Thị An nhận định

KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng khi xem xét các tuyến vỉa hè cho thuê, cần lấy người dân làm nền tảng cơ bản, xem xét làm sao tạo thuận lợi cho người dân từ đi bộ, liên kết giao thông và nhà dân, đặc biệt phải có kiến trúc cảnh quan.

Theo ông Nghiêm, do đây là không gian công cộng chuyển tiếp giữa giao thông xung quanh để khai thác vỉa hè nên cần có thiết kế thí điểm một tuyến phố để có nghiên cứu phân loại những tuyến khác. "Để hiện thực được việc cho thuê vỉa hè, cần hoàn thiện thể chế, có thể là một văn bản quy phạm pháp luật về nguyên tắc chung cho các tuyến phố", ông Nghiêm nêu quan điểm.

Theo Trần Hoàng

Tiền phong

Trở lên trên