MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cho vay nặng lãi vươn vòi khắp nơi

12-05-2018 - 16:20 PM | Tài chính - ngân hàng

Ở các tỉnh, thành ĐBSCL và miền Trung xuất hiện ngày càng nhiều các đường dây cho vay nặng lãi, khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh khốn đốn, nợ nần

Vụ việc Công an TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp vừa triệt phá đường dây cho vay nặng lãi do Nguyễn Văn Thư (25 tuổi, quê tỉnh Tuyên Quang) cầm đầu đã gây rúng động các tỉnh, thành ĐBSCL.

Hoành hành miền Tây

Trước đó, ngày 9-5, Công an TP Sa Đéc phối hợp với Công an tỉnh Đồng Tháp kiểm tra hành chính Nguyễn Văn Thư tại một điểm rửa xe ở phường 1, TP Sa Đéc. Lực lượng chức năng đã thu giữ 7 cuốn sổ ghi chép việc thu tiền góp, hơn 400 hợp đồng đặt cọc và các loại giấy tờ tùy thân , sổ hộ khẩu của những người vay tiền; gần 3.000 tờ quảng cáo, 700 tờ rơi cho vay tiền…

Kiểm tra nơi tạm trú của Thư tại khóm Tân Mỹ, phường Tân Quy Đông , TP Sa Đéc, công an thu giữ thêm hơn 150 hợp đồng, hàng chục sổ sách cùng các loại giấy tờ tùy thân, sổ đỏ, sổ hộ khẩu của người vay. Sáu đối tượng trong đường dây của Thư tại căn nhà này cũng bị tạm giữ để phục vụ điều tra. Các đối tượng khai nhận cho vay nặng lãi với mức lãi suất 20%/tháng. Đối tượng vay nặng lãi chủ yếu là sinh viên, tiểu thương…

Cho vay nặng lãi vươn vòi khắp nơi - Ảnh 1.

Ông Hồ Văn Trăm khoe cuốn sổ tiết kiệm 200 triệu đồng gửi ngân hàng còn sót lại sau khi trả nợ vay nóng 300 triệu đồng cho con trai út Ảnh: TỬ TRỰC

Mới đây, lực lượng Cảnh sát Hình sự đặc nhiệm Công an TP Cần Thơ phối hợp với Công an quận Bình Thủy phát hiện một nhóm người từ Ninh Bình và Đắk Nông đến TP này để tổ chức cho vay nặng lãi. Tại thời điểm kiểm tra ngôi nhà ở khu vực 5, phường An Thới, quận Bình Thủy, công an thu giữ 52 triệu đồng cùng nhiều sổ sách, chứng từ cho vay nặng lãi và cả một số hung khí phục vụ đòi nợ.

Đường dây này do một đối tượng tên Phan Văn Thiêm (SN 1975) cầm đầu. Nạn nhân là tiểu thương, dân lao động nghèo ở khắp các quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ. Cơ quan chức năng xác định trên 110 người đã vay tiền của nhóm này. "Thủ tục vay rất nhanh, gọn. Lãi suất thỏa thuận là 10%/tháng nhưng tới ngày đóng, họ buộc phải trả lãi 20%/tháng, nếu không đồng ý sẽ bị chửi bới, đe dọa đến tính mạng" - chị N., nạn nhân của nhóm cho vay, kể lại.

Len lỏi đến vùng cao

Thời gian gần đây, các đường dây cho vay nặng lãi còn vươn vòi khắp các tỉnh, thành miền Trung, len lỏi về tận các bản làng vùng cao, miền núi. Quảng Ngãi là một trong những địa phương có đông người dân khốn đốn trước nạn cho vay cắt cổ này. Điển hình là xã Trà Thọ, huyện Tây Trà.

Ông Hồ Văn Trăm (60 tuổi; ngụ thôn Nước Tre, xã Trà Thọ) cho biết tháng 9-2017, ông nhận được hơn 770 triệu đồng tiền đền bù từ dự án hồ chứa nước Nước Trong. Ông dự tính chia cho 6 người con mỗi người một ít để lập nghiệp, còn lại gửi ngân hàng dưỡng già. Thế nhưng, chỉ vài ngày sau khi nhận đền bù, một nhóm người lạ mặt đến gia đình ông đòi nợ.

Hỏi chuyện, ông Trăm mới biết con trai út vay nóng của nhóm này hơn 100 triệu đồng, sau 4-5 tháng, lãi mẹ đẻ lãi con trên gần 300 triệu đồng. "Do bị những người này dọa giết, đốt nhà, tôi buộc phải lấy tiền đền bù trả nợ cho con" - ông rầu rĩ.

Anh Hồ Văn Khánh (30 tuổi; ngụ thôn Nước Biếc, xã Trà Thọ) cũng là con nợ của những kẻ cho vay nặng lãi. "Họ biết mình được đền bù giải tỏa nên bảo vay bao nhiêu cũng được. Thế là cứ vay, lúc 5 triệu đồng, lúc 10 triệu đồng; có khi vay 50 triệu đồng để mua xe máy, tivi... Mình cũng không nhớ đã vay bao nhiêu lần rồi. Bây giờ họ nói cả gốc lãi hơn 400 triệu đồng. Nhận tiền đền bù nhưng cha mẹ chỉ cho 50 triệu đồng trả nợ, số còn lại không biết xoay xở thế nào" - anh Khánh lo lắng.

Ông Hồ Tấn Vũ, Chủ tịch UBND xã Trà Thọ, xác nhận toàn xã có 158 hộ dân nhận tiền đền bù từ dự án hồ chứa nước Nước Trong với tổng cộng 20 tỉ đồng. Tuy nhiên, hơn 2/3 hộ nhận tiền đền bù từng vay nóng với lãi suất 50%, dẫn đến trắng tay.

Vô tư vay "chợ đen"

Ông Hoàng Như Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà, cho biết ngoài xã Trà Thọ, tình trạng cho vay nóng còn xuất hiện rầm rộ ở các xã khác của huyện kể từ khi có thông tin người dân được đền bù giải tỏa bởi dự án hồ chứa nước Nước Trong. Nhiều người dân vì thiếu hiểu biết và do nghĩ sẽ được đổi đời nhờ đền bù nên vô tư vay mượn "chợ đen" dẫn đến trắng tay do phải trả nợ lãi suất cao . Điển hình, ông Hồ Văn Tập (ngụ xã Trà Xinh) nhận hàng trăm triệu đồng tiền đền bù nhưng bị bọn cho vay nặng lãi xiết nợ hết.

"Trong các lần trao trả tiền đền bù diễn ra cảnh mất an ninh trật tự, chủ nợ giành giật tiền với người được nhận tiền đền bù. Vì đây là những giao dịch, thỏa thuận dân sự nên chính quyền rất khó xử lý. Vừa qua, chúng tôi đã yêu cầu công an điều tra, có biện pháp ngăn chặn" - ông Lâm nói.

TỬ TRỰC


Theo Nhóm PV

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên