Cho vay ngang hàng - P2P Lending: Nhiều tiện ích nhưng lắm rủi ro
Dù xuất hiện khá lâu, nhưng khái niệm cho vay ngang hàng - P2P Lending - kết nối người vay vốn trực tiếp với người cho vay thông qua nền tảng Internet - vẫn còn khá mới mẻ.
- 10-07-2019Ngân hàng Nhà nước lưu ý các TCTD cần cẩn trọng khi hợp tác với các công ty P2P Lending
- 11-04-2019Từ thất bại cay đắng ở Trung Quốc, bài học nào cho quản lý P2P ở VN?
- 09-04-2019Cho vay ngang hàng (P2P)- vay tiền nhanh, dễ đi kèm với rủi ro tiềm ẩn
Trên thế giới, với tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm là 17,8%, giá trị giao dịch toàn cầu của thị trường cho vay ngang hàng được dự đoán sẽ đạt mức 290 tỷ USD vào năm 2023. Số lượng tăng trưởng kép hằng năm của khoản vay toàn cầu cũng đạt 8,2%, dự đoán sẽ đạt 51 triệu khoản vay vào năm 2023. Trung Quốc dẫn đầu thị trường cho vay ngang hàng với tổng giá trị giao dịch là 164,9 tỷ USD vào năm 2019, tiếp theo là Mỹ với 8,5 tỷ USD.
Cho vay ngang hàng là hình thức ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, được thiết kế và xây dựng trên nền tảng công nghệ số để kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính.
Thị trường P2P ở Việt Nam ước khoảng 1 tỷ USD với 3.000-3.500 giao dịch.
Có thể hiểu nôm na mô hình khá giống Uber, Grab trong kết nối người có nhu cầu đi xe và lái xe. Các công ty P2P cung cấp gói vay từ tín chấp, thế chấp đến mua trả góp như: Vay tín chấp theo lương; vay trả góp theo ngày; vay theo sổ hộ khẩu, hóa đơn điện nước, đăng ký xe máy, ôtô; vay cầm cố tài sản, vay cầm cố ôtô đang thế chấp ngân hàng; vay mua ôtô, nhà trả góp...
Theo các chuyên gia, sự xuất hiện của các công ty kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ (Fintech) mở ra kênh tiếp cận vốn mới cho những khách hàng không đủ tiêu chuẩn vay vốn ngân hàng và giúp giảm bớt việc vay tín dụng đen.
Ưu điểm của hình thức cho vay ngang hàng là thay vì phải đến ngân hàng trải qua quá trình xét duyệt phức tạp và yêu cầu khắt khe, người tham gia vay P2P được đơn giản hoá thủ tục, thời gian xét duyệt cho vay nhanh, giao dịch trực tuyến dễ dàng...
Theo ông Bradley C. Lalonde, đồng sáng lập, thành viên điều hành của Vietnam Partners, cho vay ngang hàng có những thuận lợi cho cả người đi vay cũng như với nhà đầu tư - người cho vay. Ví dụ đối với người đi vay, việc giao dịch theo hình thức P2P lãi suất sẽ thấp hơn lãi suất ngân hàng truyền thống do các chi phí phát sinh trong quá trình làm thủ tục.
Việc vay ngang hàng theo kiểu thuận mua vừa bán, giúp người đi vay ra quyết định nhanh hơn, hiệu quả hơn thông qua việc sử dụng công nghệ, thay vì phải ký tá hàng loạt thủ tục hành chính rườm rà. Hơn nữa, việc vay vốn cũng trở nên minh bạch hơn thông qua các điều khoản cho vay được công khai rõ ràng; người đi vay chủ động truy cập được những thông tin thay đổi về thủ tục, giấy tờ...
Đối với nhà đầu tư, lợi nhuận cho vay không có trần hay sàn, mà điều chỉnh theo rủi ro nên chủ động trong quyết định của mình. Việc tham gia mạng lưới P2P là cơ hội để tiếp cận kênh đầu tư lợi tức cao, và được minh bạch, tự chủ trong việc lựa chọn các khoản vay để đầu tư.
Tuy nhiên, đi kèm với thuận lợi, việc đầu tư trên P2P cũng có những rủi ro như các mô hình chấm điểm rủi ro tài sản kém hiệu quả; tính ẩn danh cao nên tăng khả năng gian lận, giả mạo các thông tin rất khó kiểm soát.
Tất nhiên, P2P rủi ro, không có nghĩa kênh ngân hàng truyền thống an toàn tuyệt đối, vì những rủi ro đến từ ATM hay thẻ tín dụng luôn luôn hiện hữu. Song, do lịch sử hoạt động ngắn ngủi của các hệ thống cho vay ngang hàng mới nên chưa có niềm tin với xã hội…
Tại Việt Nam, cho vay ngang hàng xuất hiện từ năm 2014, lúc đó Huy Dong cung cấp các khoản vay cho doanh nghiệp, nhưng đến năm 2015, Tima mới được coi là hệ thống cho vay ngang hàng đầu tiên của Việt Nam.
Đến nay, hiện đã có 40 công ty cho vay ngang hàng tại Việt Nam, trong đó một số hệ thống xuất hiện do lựa chọn của người dùng vì lãi suất thấp hơn.
Ví dụ Huy Dong đặt mục tiêu thu hẹp khoảng cách giữa người dân không có tài khoản ngân hàng và nhà đầu tư. Hay như hệ thống phổ biến khác là Tima gần đây nhận được khoản đầu tư 3 triệu USD từ công ty Quản lý vốn Belt Road, còn Mofin lại lựa chọn cung cấp các khoản vay tiêu dùng, bao gồm cho vay sinh viên, cho vay thế chấp và cho vay mua xe - hiện được định giá 500 tỷ đồng…
“Động lực thúc đẩy cho vay ngang hàng ở Việt Nam đến từ tỷ lệ sử dụng Internet và Smartphone gia tăng cùng với nhu cầu vay lớn thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển cho vay ngang hàng tại Việt Nam.
Hiện tỷ lệ sử dụng Internet là 49,7% và sử dụng Smartphone là 48,6%. Ngoài ra, 70% doanh nghiệp nhỏ phải vật lộn với việc tiếp cận các khoản vay ngân hàng và phải tìm kiếm các khoản vay từ các nguồn phi truyền thống. Trong khi đó, thu nhập và tiêu dùng gia tăng.
Tốc độ tăng trưởng GDP cao đã thúc đẩy tiêu dùng” - ông Bradley C. Lalonde nói. Vị chuyên gia này cũng dẫn bài học về thị trường P2P Lending Trung Quốc. Do không có sự quản lý đã bùng nổ, nhiều công ty đổ vỡ.
Lúc này, Chính phủ vào cuộc, sự can thiệp lại lớn quá khiến cho thị trường thêm khủng hoảng. Bởi vậy, cần có quy định về cho vay ngang hàng để quản lý hình thức hoạt động này. Được biết, hiện Chính phủ đang giao các bộ, ngành khảo sát, đánh giá thực trạng hoạt động của các công ty P2P Lending tại Việt Nam để xây dựng khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực này.
Công an nhân dân