MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cho vay ưu đãi lãi suất 0% hỗ trợ thanh khoản tổ chức tín dụng kiểm soát đặc biệt

17-02-2018 - 06:11 AM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố Thông tư 01/2018/TT-NHNN quy định về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng (TCTD) được kiểm soát đặc biệt.

Trong đó, NHNN cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt trong các trường hợp như cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản đối với tổ chức tín dụng khi tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống trong thời gian tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, bao gồm cả trường hợp tổ chức tín dụng đang thực hiện phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt.

Có một nội dung đáng chú ý là lãi suất cho vay đặc biệt có thể được ưu đãi đến 0% đối với bốn trường hợp. Thứ nhất là đối với ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô theo phương án phục hồi đã được phê duyệt. Thứ hai là nhóm ngân hàng thương mại theo phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt. Thứ ba là nhóm ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc trước ngày Luật số 17/2017/QH14 có hiệu lực theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Và thứ tư là nhóm ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc trước ngày Luật số 17/2017/QH14 có hiệu lực sau chuyển nhượng theo phương án chuyển nhượng đã được phê duyệt.

Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng căn cứ vào thông tư này có thể chia ra hai nhóm. Thứ nhất là nhóm ba ngân hàng 0 đồng và có thể là các TCTD khác được chuyển giao bắt buộc hoặc chuyển nhượng cho tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn. Nhóm thứ hai là nhóm mà Nhà nước không sở hữu 100% vốn.

Và với nhóm thứ hai, một câu hỏi được đặt ra là nếu áp dụng lãi suất cho vay 0% thì câu hỏi đặt ra ở đây là Nhà nước sẽ được gì ngoài lợi ích chung chung là tái cơ cấu thành công các TCTD yếu kém và góp phần vào sự ổn định của hệ thống tài chính - ngân hàng?

Theo TS Trương Huy Mai, sau khi hưởng lợi lớn từ nguồn vốn vay đặc biệt không phải trả lãi, giả sử các TCTD thực hiện thành công phương án phục hồi, có lợi nhuận, vốn chủ sở hữu và giá cổ phiếu tăng lên thì các cổ đông chính là người được hưởng lợi trực tiếp. Tương tự, nếu các TCTD được chuyển giao đặc biệt hoặc chuyển nhượng cho nhà đầu tư mới mà TCTD ấy hoạt động tốt lên sau đó, lợi ích sẽ thuộc về các nhà đầu tư mới.

Trong khi đó, Nhà nước không thu được lợi ích tài chính mặc dù đã “cho mượn” vốn và chấp nhận rủi ro không thu hồi được nợ nếu như phương án cơ cấu lại TCTD thất bại. Đây là điểm khó hiểu nhất trong cơ chế hỗ trợ các TCTD yếu kém đang được thực hiện.

Theo Gia Miêu

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên