MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chọn cổ phiếu để đón sóng kết quả kinh doanh quý 3/2016

Lựa chọn cổ phiếu với kỳ vọng kết quả kinh doanh tốt, nhà đầu tư còn phải kết hợp xem xét mặt bằng giá cổ phiếu và các yếu tố kỹ thuật để xác định điểm vào hợp lý.

Sau đợt review của 2 quỹ ETF, dòng tiền đang dịch chuyển dần sang những cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý 3 khả quan.

Thời gian để các doanh nghiệp niêm yết công bố kết quả kinh doanh quý 3 sẽ kéo dài từ 30/9 đến 15/10. Kết quả kinh doanh quý 3 thường khá quan trọng vì nó giúp nhà đầu tư dự đoán được hoạt động cả năm của doanh nghiệp. Tại thời điểm này, khi ngày kết thúc quý đến gần, mọi thứ còn chỉ đều là dự đoán thì cuộc chơi mới thực sự hấp dẫn. Còn một khi thông tin đã ra, quyết định mua hay bán đã là trễ bởi tin thường được phản ánh trước vào giá cổ phiếu.

Bởi thế chọn ngành nào, cổ phiếu nào thực sự là một vấn đề nóng hổi nhà đầu tư hết sức quan tâm. Dưới đây là một số cổ phiếu mà đội ngũ phân tích của các công ty chứng khoán đã gặp gỡ trao đổi thông tin với doanh nghiệp.

Xây dựng và vật liệu xây dựng sẽ vẫn được lựa chọn?

Trong quý 1 và quý 2, thị trường đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của các cổ phiếu ngành xây dựng và vật liệu xây dựng. Nhưng theo chu kỳ, quý 3 mới là quý mà các doanh nghiệp xây dựng có kết quả tốt hơn cả.

CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG)

Với ưu thế về chi phí sản xuất và công nghệ, VCBS đánh giá, doanh thu thuần của CTCP Tập đoàn Hòa Phát sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ giai đoạn 3 của khu liên hợp gang thép đi vào hoạt động. Biên lợi nhuận gộp được giữ vững nhờ việc phòng vệ rủi ro biến động giá quặng sắt trên các hợp đồng nhập khẩu.

Bên cạnh đó, nhà máy thức ăn chăn nuôi số 1 đi vào hoạt động và đã gần đạt tới điểm hòa vốn với tỉ lệ tăng trưởng khoảng 18-20%/tháng. Dự kiến tới cuối năm, công suất nhà máy sẽ đạt tới 25%.

Dự phóng kết quả kinh doanh năm 2016 của HPG với doanh thu 31.396 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước và hoàn thành 112% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế đạt 5.358 tỷ đồng, tăng trưởng 52,9% và hoàn thành 167% kế hoạch, tương ứng với EPS forward đạt 7.272 đồng/cổ phiếu.

CTCP Tasco (HUT)

Sau cuộc gặp mặt lãnh đạo doanh nghiệp HUT, CTCK VPBS đưa ra nhận định mức lợi nhuận sau thuế dự kiến quý III là 120 tỷ đồng, tăng 8,5 lần so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ các dự án BOT và Bất động sản.

Trong nửa cuối năm 2016, dự án Foresta Xuân Phương dự kiến đem lại doanh thu 1.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 210 tỷ, cao hơn 9% so với nửa đầu 2016 do giá bán căn hộ tăng. Tính đến thời điểm giữa tháng 9/2016, HUT đã bán được 768 căn biệt thự, tương đương 90% tổng số căn. Ước tính cả năm HUT có thể đạt lợi nhuận sau thuế 420 tỷ đồng, tăng 163% so với năm 2015 và đạt 111% kế hoạch năm.

Tổng Công ty Viglacera – CTCP (VGC)

Đây là doanh nghiệp đứng đầu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng tại Việt Nam. Viglacera cũng kinh doanh bất động sản với các sản phẩm gồm khu công nghiệp cho thuê, khu đô thị, nhà ở để bán và khu thương mại, văn phòng cho thuê.

Theo nhận định của CTCK MBS, với tiềm năng từ quỹ đất lớn, sự tăng trưởng từ mảng vật liệu xây dựng, và những đánh giá khả quan dựa trên những động thái tái cơ cấu của doanh nghiệp, MBS dự phóng lợi nhuận sau thuế của VGC năm 2016 ước đạt khoảng 520 tỷ đồng (trên quan điểm thận trọng), lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 490 tương đương EPS 2016 là khoảng 1.600 đ/cp ( tính trên phần vốn mới 3.070 tỷ đồng).

Ngân hàng liệu có tín hiệu khả quan?

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB)

Mặc dù báo cáo quý III chưa có, nhưng kết quả kinh doanh khả quan của 6 tháng đầu năm của VCB rất tích cực cho phép nhà đầu tư hoàn toàn có thể lạc quan vào kết quả quý này và đến cả cuối năm 2016.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, cho dù tổng tài sản chỉ tăng nhẹ nhưng VCB vẫn đạt chỉ tiêu tăng trưởng ấn tượng với lợi nhuận trước thuế tăng 35,8% so với cùng kỳ, đạt 51,7% so với kế hoạch. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,84 % xuống còn 1,75% trong khi tỷ lệ nợ xấu toàn ngành là 2,6%.

Theo ước tính của công ty chứng khoán VPBS, cả năm 2016 VCB sẽ đạt tăng trưởng huy động 15,5%, tăng trưởng tổng tài sản 14,6 %, dư nợ tăng 18,5% và đầu tư trái phiếu tăng 10 % so với năm 2015. Theo đó, LNTT 2016 ước đạt 7.572 tỷ đồng, tăng 10,9% so với 2015. LNST đạt 5.921 tỷ đồng. Thu nhập mỗi cổ phiếu đạt 1.520 đồng, giá trị sổ sách cuối năm 2016 ở mức 14.989 đồng.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB)

Theo VPBS, các chỉ tiêu tăng trưởng của SHB trong 6 tháng đầu năm đạt thấp so với toàn ngành. Cụ thể, tổng tài sản tăng 3,6%, huy động khách hàng tăng 7% và cho vay khách hàng tăng 7,2% so với đầu năm.

Nợ xấu tăng 38,3% so với cùng kỳ, tỷ lệ nợ xấu tăng lên 2,2%. VPBS dự phóng ngân hàng sẽ phải trích lập khoảng 1.089 tỷ đồng trong năm nay, bao gồm khoảng 560 tỷ đồng trích lập cho trái phiếu VAMC và 480 tỷ đồng trích lập cho nợ xấu. Số dư nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2016 ước tính là 3.325 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ nợ xấu là 2,2%.

Với việc ngân hàng sáp nhập với Công ty tài chính Vinaconex - Viettel (VVF), cổ phiếu của ngân hàng sẽ bị pha loãng. Đồng thời, chất lượng tài sản của VVF không cao, ảnh hưởng đến giá trị của ngân hàng.

LNTT 2016 ước tính chỉ đạt 683 tỷ đồng, giảm 33% so với 2015, thu nhập mỗi cổ phiếu (EPS) đạt 576 đồng, BVPS đạt 10.952 đồng.

Dự đoán tăng trưởng, kỳ vọng tăng trưởng nhưng cũng phải xét trong bối cảnh thị trường đang giao dịch đang là 688 điểm và là mức điểm số cao nhất kể từ 8 năm 7 tháng qua. Vì thế, lựa chọn cổ phiếu với kỳ vọng kết quả kinh doanh tốt, nhà đầu tư còn phải kết hợp xem xét mặt bằng giá cổ phiếu và các yếu tố kỹ thuật để xác định điểm vào hợp lý.

Ánh Duyên

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên