MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chọn nhầm nghề mà không dám thay đổi, bạn sẽ phải sống một đời gian dối với chính mình: Cố chấp bám lấy thứ mình chán nghét hay dũng cảm lội ngược dòng, điều gì sẽ rủi ro hơn?

08-12-2018 - 08:18 AM | Sống

Khi nhận ra con đường bạn đang bước đi không phải điều bạn mong muốn, đừng ngần ngại thay đổi. Cuộc sống hạnh phúc, thoải mái hay đầy những mệt nhoài, chán chường do chính bạn quyết định.

“Vì sao em chọn ngành này?”

Tôi dám chắc ai cũng từng nhận được câu hỏi trên khi đi xin việc. Tôi cũng không là ngoại lệ. “Vì sao em chọn nghề kế toán?” – đây là câu hỏi được đưa ra trong vòng phỏng vấn cuối cùng của tôi với một công ty kiểm toán có tiếng. 

Vì sao tôi lại chọn ngành này ư? Đây là kiểu câu hỏi gì vậy? Nhưng bởi đây có thể là tấm vé cho sự nghiệp của tôi nên tôi vẫn nhắm mắt cố gắng đưa ra một câu trả lời mạch lạc nhất. Tuy nhiên, thú thật, câu trả lời tôi nói ra chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, đó chỉ là một phần trong số 3 tầng suy nghĩ của tôi.

Chọn nhầm nghề mà không dám thay đổi, bạn sẽ phải sống một đời gian dối với chính mình: Cố chấp bám lấy thứ mình chán nghét hay dũng cảm lội ngược dòng, điều gì sẽ rủi ro hơn? - Ảnh 1.

Phần tôi nói là thứ tôi được “huấn luyện” để trả lời. Câu trả lời đó là một lời dối trá, tôi thừa nhận. Tôi bô lô ba la về việc làm kế kiểm có những thử thách thú vị như thế nào, tôi thích giải quyết những vấn đề đó ra sao, rằng tôi muốn học hỏi từ những người đi trước như thế nào... Thực ra, vẫn có đôi phần sự thật nằm trong đó nhưng phần lớn còn lại, câu trả lời của tôi dường như chỉ là sự chống chế.

Tầng nghĩa thứ 2 trong suy nghĩ của tôi là thứ tôi hiếm khi chia sẻ được. Thành thực mà nói, tôi theo đuổi giấc mơ kế kiểm từ những năm đầu trung học phổ thông. Tôi từng thích được mặc suit, thích được trở thành người quan trọng trong mắt người khác. Tôi cũng thấy thỏa mãn mỗi khi nghĩ đến việc mình có thể kiếm thật nhiều tiền rồi tậu một chiếc ô tô, sống một cuộc sống đủ đầy như cuộc sống của tôi từ nhỏ tới giờ.

Hơn thế nữa, điểm chác của tôi cũng ổn và tôi cũng đủ nhanh nhạy để giải quyết những công việc cần chất xám như thế này. Lý do tiếp theo, ừm, tôi muốn làm hài lòng cha mẹ tôi bằng cách đi theo dấu chân của cha mình. Trên thực tế, bố mẹ tôi chưa bao giờ lái tôi đi theo con đường này nhưng tôi biết, nếu làm vậy, họ sẽ cảm thấy hài lòng và yên tâm hơn.

Cuối cùng, tôi chọn kế kiểm vì đơn giản tôi chẳng biết làm gì với cuộc đời mình cả. Đó là con đường duy nhất của tôi. Chẳng ai lại lo lắng về một cậu bé mong muốn làm việc trong lĩnh vực kế kiểm cả. Cũng chẳng ai cười vào mũi bạn khi bạn nói sẽ làm kế toán. Mọi người đều nể phục những người làm trong ngành này.

Đó là 2 tầng suy nghĩ đầu cho câu hỏi “Vì sao em chọn ngành kế toán?”. Tuy nhiên, ở tầng suy nghĩ thứ 3, khi mà tôi đang thành thực với bản thân mình nhất, tôi cảm nhận được từng tế bào thần kinh đang hét lên với tôi: “Tôi không muốn làm kế toán!”. 

Những suy nghĩ hiển nhiên nhưng chưa bao giờ được tôi chú ý. Tôi không thích kiểm toán, tôi không thích kết toán thuế và càng không thích tự giam cầm từ 12 đến 15 giờ đồng hồ mỗi ngày trong căn phòng chật hẹp. 

Tôi ghét các cuộc cạnh tranh khốc liệt nội bộ các công ty lớn, tôi lại càng không thể tưởng tượng một cuộc sống chỉ có những nguyên tắc kinh doanh khô khan. Đến tận khi đã lọt vào vòng phỏng vấn cuối cùng, khi mà tấm vé công việc đang ở ngay tầm tay, tôi chợt nhận ra mình đang chạy trên con đường sự nghiệp sai lầm. 

Nhưng cái giá phải trả cho việc quay đầu là quá cao. Số tiền học, số thời gian, công sức tôi bỏ ra nghiên cứu, thực tập, lao đầu tham gia các cuộc thi lớn, ai bù lại cho tôi? Nhưng tôi chợt nhận ra, tôi sẽ còn phải trả giá cao hơn nếu cứ bám lấy thứ mà tôi không thích. Có nghĩa lý gì khi cống hiến tuổi trẻ, năng lượng, tình yêu cho một thứ không phản ánh giá trị, tài năng, nhiệt huyết của tôi? Vậy có khác gì tôi đang chi trả để sống cuộc đời của một người khác đâu?

Phải làm gì khi bạn nhận ra con đường của mình là sai lầm? Phải làm sao khi câu chuyện bạn viết nên không phải của bạn và bạn thậm chí không biết câu chuyện của bạn đang nằm ở phần nào của trang sách?

Sau cùng, tôi từ chối công việc “trong mơ” với nhiều người. Tôi không biết mình sẽ làm gì tiếp theo. Nhưng có lẽ cái giá tôi phải trả để mở ra một cánh cửa mới sẽ ít hơn cái giá tôi phải trả để sống với cái tôi không thích cả đời. 

Chọn nhầm nghề mà không dám thay đổi, bạn sẽ phải sống một đời gian dối với chính mình: Cố chấp bám lấy thứ mình chán nghét hay dũng cảm lội ngược dòng, điều gì sẽ rủi ro hơn? - Ảnh 2.

Tôi lao đầu vào cuộc thám hiểm bản thân. Giống như chú vịt xấu xí trong câu chuyện cổ tích, tôi hỏi vô số người rằng tôi trông như thế nào, tôi thực sự là ai, tôi đang đi đến quãng nào của sự nghiệp rồi. 

Tôi tham gia hàng tá cuộc phỏng vấn trong các lĩnh vực khác nhau. Ở mỗi lĩnh vực, tôi đều tìm ra những điểm tương quan về văn hóa làm việc với giá trị, vai trò và thế mạnh của bản thân tôi. Tôi đặt vô số câu hỏi lớn, vẽ lên vô số viễn cảnh về cuộc đời mình và sau cùng, tôi rút ra một số bài học dành cho những người đang lạc lối:

Bạn phải chấp nhận rằng mình đang lạc lối. Đây có lẽ là phần khó nhất. Chẳng dễ gì khi phải tự tổn thương bản thân mình. Để làm được điều này, bạn cần lòng dũng cảm và sẵn sàng cho mọi lo âu, rủi ro sắp ập tới.

Học cách tự nhận thức về bản thân và nghĩ lớn. Tiểu tiết chỉ dành cho CV hay profile LinkedIn thôi. Tập trung cho đại cục trước khi mấy cái vụn vặt đó tiêu tốn hết thời gian sức lực của bạn.

Nhờ giúp đỡ của những người mình tin tưởng. Bạn luôn có những người sẵn sàng ngồi xuống nghe bạn chia sẻ và chia sẻ suy nghĩ về bạn. Hỏi họ rằng bạn là con người như thế nào và lắng nghe suy nghĩ của họ nhé.

Tin vào con tim của mình. Chúng ta là người hiểu bản thân mình nhất. Tôi đã vượt qua vô số tranh cãi từ nhiều người khác nhau để đưa đến quyết định cuối cùng thuận theo những gì tôi tin tưởng. Tôi tự đặt cược vào bản thân tôi.

Nếu bạn đang đi trên con đường bạn không mong muốn, đừng ngần ngại trước sự thay đổi. Thử nghĩ đi bạn, cái gì là rủi ro hơn: bám lấy thứ mà mình chán ghét hay lội ngược dòng thành công?

*Theo chia sẻ của Scott Schimmel, Hướng dẫn chính cho YouSchool, một công ty cam kết giúp sinh viên, vận động viên và cựu chiến binh viết những câu chuyện tuyệt vời với cuộc sống của họ.

Hà Lê

Medium

Trở lên trên