Chọn sai cổ phiếu, nhiều nhà đầu tư vẫn thua lỗ bất chấp thị trường vượt đỉnh
Theo chia sẻ của nhiều chuyên gia trên thị trường, nếu nhà đầu tư không có nhiều thời gian và kinh nghiệm để theo dõi thị trường thì có thể lựa chọn đầu tư vào các chứng chỉ quỹ ETFs để tránh trường hợp “Index tăng, tài khoản giảm”.
Dù chịu ảnh hưởng không nhỏ từ dịch Covid-19 nhưng TTCK Việt Nam vẫn bứt phá khá mạnh trong những tháng đầu năm. Kết thúc phiên giao dịch 25/5, chỉ số VN-Index đã vượt qua mốc 1.300 điểm, xác lập kỷ lục mới, tăng 18,5% so với đầu năm và nằm trong top những chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới.
Diễn biến thuận của TTCK đã mang lại niềm vui cho phần đông nhà đầu tư trên thị trường. Những câu chuyện "lãi vài chục phần trăm" hay thậm chí tăng bằng lần từ đầu năm tới nay có lẽ không phải điều hiếm gặp.
Tuy vậy, trong niềm vui hân hoan uptrend, vẫn có nhiều nhà đầu tư nếm "trái đắng" nếu chọn sai cổ phiếu, thậm chí là những cổ phiếu đang trên đà tăng trưởng mạnh hay những tên tuổi hàng đầu trên thị trường.
Bluechips "tỷ đô" giảm sâu
Vinamilk (VNM) là một trong những cái tên lớn gây thất vọng với giới đầu tư khi cổ phiếu vào trong pha giảm sâu, bất chấp thị trường liên tiếp lập đỉnh. Kết thúc phiên giao dịch 25/5, thị giá VNM chỉ còn 90.500 đồng, giảm 16% so với đầu năm.
Diễn biến kém tích cực của VNM thời gian qua có thể đến từ lo ngại của giới đầu tư khi áp lực cạnh tranh trong ngành sữa ngày càng cao, nhiều tên tuổi lớn như TH Truemilk, Lothamilk, Nutifood…trỗi dậy, ảnh hưởng lớn tới miếng bánh thị phần của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu đầu vào của ngành sữa đang trong xu hướng tăng, ảnh hưởng không nhỏ tới biên lợi nhuận doanh nghiệp. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng của VNM chững lại những năm qua cũng khiến giới đầu tư không còn mặn mà.
Cùng với những yếu tố hoạt động kinh doanh, VNM cũng là cổ phiếu khối ngoại thường xuyên bán ròng trong thời gian gần đây. Thống kê trong 5 tháng đầu năm, khối ngoại đã bán ròng hơn 6.500 tỷ đồng cổ phiếu VNM và đây cũng là cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất TTCK Việt Nam.
Trước đó trong năm 2020, Arisaig Asia Consumer Fund, quỹ đầu tư quy mô 3 tỷ USD và đã có hàng chục năm đầu tư vào VNM đã quyết định thoái hết gần 29 triệu cổ phiếu VNM do lo ngại ngành sữa Việt Nam đang dần bão hòa và ngày càng xuất hiện nhiều đối thủ lớn.
Trong khi đó, "đại gia" ngành bảo hiểm là BVH cũng ghi nhận mức giảm giá cổ phiếu hơn 16% từ đầu năm. Việc cổ phiếu BVH biến động kém tích cực có thể đến từ lo ngại lãi suất thấp kéo dài cũng như chi phí tái bảo hiểm tăng.
Theo đánh giá của SSI Research, môi trường lãi suất thấp kéo dài sẽ làm cho lợi nhuận đầu tư gặp khó khăn và làm giảm lợi nhuận của các công ty bảo hiểm vì phần lớn danh mục đầu tư của các công ty bảo hiểm là tiền gửi ngân hàng và trái phiếu chính phủ. Ngoài ra, nếu lợi suất trái phiếu Chính phủ giảm hơn nữa, gánh nặng sẽ đặt lên dự phòng kỹ thuật bảo hiểm nhân thọ - ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận kế toán.
Bên cạnh đó, SSI Research cũng cho rằng chi phí tái bảo hiểm tăng cũng là vấn đề rủi ro. Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam thua lỗ cao, đặc biệt trong lĩnh vực bảo hiểm tài sản, đã khiến các nhà tái bảo hiểm quốc tế tăng giá tái bảo hiểm. SSI Research tin rằng xu hướng này sẽ tiếp tục trong trung hạn. Hậu quả quan trọng của việc này là các công ty bảo hiểm có thể không thể duy trì các hợp đồng tái cố định (treaty) và buộc phải chuyển sang các hợp đồng tái tạm thời (facultative), ảnh hưởng đến năng lực của bảo hiểm phi nhân thọ.
Bên cạnh đó, nhiều Bluechips "tỷ đô" cũng giảm điểm từ đầu năm, có thể kể tới trường hợp VJC, HVN, VRE, POW, PLX, GAS, SAB…
GIL lao dốc sau phương án phát hành bất lợi cho cổ đông nhỏ lẻ
Một trường hợp khá "đau xót" với nhà đầu tư là GIL khi cổ phiếu sau giai đoạn thăng hoa đầu năm đã bất ngờ giảm sâu những ngày gần đây. Từ đỉnh 80.000 đồng vào phiên 13/5, GIL đã có chuỗi phiên giảm liên tiếp và thậm chí đến ngày 21/5 chỉ còn 58.300 đồng, tương ứng mức giảm 27% so với đỉnh chỉ trong vài phiên giao dịch.
Việc GIL đột ngột giảm sâu đến từ việc công ty bất ngờ tung ra phương án phát hành riêng lẻ 16,8 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư với mức giá vỏn vẹn 35.000 đồng/cp, đây là mức giá rất thấp so với thị giá cổ phiếu khi đó (khoảng 80.000 đồng). Ngay sau thông tin này, cổ phiếu GIL đã "lao dốc" mạnh.
Trường hợp của GIL có phần tương tự với Chiếu Xạ An Phú (APC) khi trong năm 2018, công ty bất ngờ trình phát hành 3 triệu cổ phiếu riêng lẻ và 3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 20.000 đồng/cp, trong khi thị giá khi đó quanh ngưỡng 80.000 đồng/cp. Sau thông tin này, cổ phiếu APC đã lao dốc mạnh.
Không ít nhà đầu tư rất hào hứng với GIL sau giai đoạn "thăng hoa" năm 2020 và đầu 2021 đã không kịp trở tay trước phương án phát hành có phần thiệt thòi với cổ đông nhỏ lẻ.
Thượng tầng thay đổi, CTD giảm sâu
Một tên tuổi lớn khác là Coteccons (CTD) cũng có những biến động kém tích cực khi liên tục giảm sâu, thậm chí về gần tới đáy Covid-19 năm 2020.
Sự xuống dốc của CTD có nhiều nguyên nhân, đầu tiên là những khó khăn chung của ngành xây dựng khi chịu áp lực kép từ dịch Covid-19 cùng giá vật liệu tăng cao. Coteccons dù là đơn vị dẫn đầu nhưng hiệu quả kinh doanh cũng giảm sút. Kết thúc quý 1/2021, Coteccons chỉ dạt doanh thu 2.569 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 54,5 tỷ đồng, giảm lần lượt 28% và 56% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, hoạt động kinh doanh của Coteccons đã có dấu hiệu đi xuống trong 3 năm qua.
Ngoài yếu tố thuần về kinh doanh, việc ban lãnh đạo công ty liên tục xung đột, hay sự ra đi của ông Nguyễn Bá Dương đã khiến giới đầu tư thận trọng hơn với cổ phiếu này.
Bên cạnh những trường hợp nổi bật kể trên vẫn còn rất nhiều cổ phiếu sụt giảm bất chấp thị trường tăng mạnh từ đầu năm bởi dòng tiền có xu hướng tập trung vào các cổ phiếu ngân hàng, thép hay nhóm Diamond.
Do đó, theo chia sẻ của nhiều chuyên gia trên thị trường, nếu nhà đầu tư không có nhiều thời gian và kinh nghiệm để theo dõi thị trường thì có thể lựa chọn đầu tư vào các chứng chỉ quỹ ETFs để tránh trường hợp "Index tăng, tài khoản giảm".