Chống dịch hiệu quả, sản xuất tăng trưởng nhìn từ Bắc Ninh, Bắc Giang
Doanh nghiệp sản xuất khẩu trang phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Ảnh: Mạnh Thắng
Bắc Ninh và Bắc Giang từng là tâm dịch cả nước nhưng sản xuất trong các khu công nghiệp (KCN) ở hai tỉnh này tăng trưởng cao hơn cả trước dịch.
- 20-09-2021Từ các dự án xây cầu ở Mỹ, Thuỵ Điển, Trung Quốc đến cầu 8.900 tỷ đồng nối quận Hoàn Kiếm với Long Biên: Tác động kinh tế mang lại là gì?
- 20-09-2021Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Không phải cứ có ca F0 là đóng cửa toàn bộ nhà máy!
- 20-09-2021Thế khó khi doanh nghiệp đầu tư vào KCN: 'Luật Đầu tư cho phép miễn giảm thuế, nhưng Luật Thuế lại không'
Thích ứng với từng thời điểm của dịch
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, cho biết, Bắc Ninh từng là tâm dịch của cả nước, có thời điểm xuất hiện nhiều ca F0 trong các KCN, khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, tỉnh Bắc Ninh vẫn kiên trì thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất.
Hiện, các KCN ở tỉnh Bắc Ninh có 1.104 doanh nghiệp trong tổng số 1.120 doanh nghiệp đã trở lại hoạt động bình thường. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, dù dịch bùng phát, nhưng nhiều sản phẩm công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái, như điện thoại di động (22%), đồng hồ thông minh (24%), linh kiện điện tử (46%). Một số doanh nghiệp FDI đã lập hồ sơ tăng vốn đầu tư.
Bà Giang chia sẻ, kinh nghiệm vừa chống dịch, vừa sản xuất thành công của Bắc Ninh là thực hiện linh hoạt các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với tình hình thực tế từng thời điểm trong các KCN. Khi dịch bùng phát căng thẳng nhất, nhiều địa phương trong tỉnh thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng, tỉnh Bắc Ninh yêu cầu doanh nghiệp bố trí khu vực ăn, ở, sinh hoạt cho công nhân trong nhà máy.
Bên ngoài nhà máy, các trường học, khu nhà ở công nhân được sử dụng cho công nhân ở luân phiên. Đồng thời, tỉnh Bắc Ninh thành lập 40 tổ công tác có nhiệm vụ kiểm tra doanh nghiệp, doanh nghiệp nào đủ điều kiện phòng chống dịch mới được phép hoạt động. “Kinh nghiệm cho thấy, các doanh nghiệp lớn thường thực hiện rất tốt các quy định phòng chống dịch. Đây chính là cơ sở quan trọng để chính quyền cho phép doanh nghiệp hoạt động trong điều kiện dịch bùng phát”, bà Giang nhấn mạnh.
Bắc Ninh cho phép xe khách hoạt động, hội họp dưới 30 người
Ngày 19/9, UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành công văn về việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong trạng thái bình thường mới. Theo đó, các hội nghị, hội thảo dưới 30 người được tổ chức bình thường. Các tuyến vận tải hành khách cố định, phương tiện vận tải hoạt động bình thường nhưng phải thực hiện triệt để các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế. Bảo An
Theo bà Giang, khi dịch bớt căng thẳng, tỉnh Bắc Ninh thực hiện các biện pháp nới lỏng ở các khu vực nhiều công nhân, bố trí phương tiện đưa đón công nhân tập trung đến nhà máy, hạn chế tối đa tiếp xúc với bên ngoài. Công nhân chủ yếu chỉ ở nhà máy và khu vực phòng trọ.
Thời điểm dịch cơ bản được kiểm soát, tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ doanh nghiệp đưa công nhân ở các địa phương khác quay trở lại làm việc để đáp ứng yêu cầu sản xuất trong trạng thái bình thường mới.
“Hiện, chúng tôi vẫn kích hoạt các cơ chế phòng chống dịch sẵn có, như xét nghiệm định kỳ trong doanh nghiệp. UBND cấp huyện sắp xếp công nhân vào cùng khu trọ theo từng doanh nghiệp nhằm quản lý công nhân và khu trọ an toàn hơn, xây dựng phần mềm quản lý nhà trọ và công nhân, người lao động”, bà Giang chia sẻ.
Chung sức chống dịch
Ông Đào Xuân Cường, Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang, cho rằng, thành công ở Bắc Giang trong việc vừa chống dịch, vừa sản xuất tại các KCN là sự đồng lòng, đồng sức từ các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người lao động. Từ lãnh đạo cao nhất của tỉnh đến công nhân đều có trách nhiệm phòng chống dịch để sản xuất.
Về cách thức phòng chống dịch trong các KCN tỉnh Bắc Giang, khi dịch bùng phát, phải làm sạch nơi có dịch, khẩn trương làm sạch toàn bộ KCN, trong trường hợp cần thiết, bằng việc xét nghiệm để chọn ra những lao động an toàn và đưa vào khu vực sản xuất. Việc làm sạch nơi có dịch phải khẩn trương, nhưng không được nóng vội để đưa công nhân vào sản xuất đến đâu phải an toàn đến đó.
“Tùy theo từng giai đoạn và tình hình dịch mà việc xét nghiệm cho người lao động được tiến hành theo tần suất phù hợp, có thể 3 ngày, 5 ngày hoặc 7 ngày/lần, vừa để sàng lọc công nhân giúp an toàn sản xuất và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Cùng với đó, người lao động cần được tiêm vắc-xin và thực hiện nghiệm 5K, chia nhỏ sản xuất. Công nhân cùng phân xưởng thì ăn cùng nhau để hạn chế tiếp xúc”, ông Cường cho hay.
Theo ông Cường, tại các doanh nghiệp trong KCN cần thành lập các tổ COVID an toàn đến từng nhóm nhỏ công nhân (khoảng 30 người). Những tổ COVID này là cánh tay nối dài của cơ quan chức năng để phòng chống dịch. Các thành viên trong tổ COVID an toàn theo dõi và giám sát từng công nhân về thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, phát hiện các trường hợp không khai báo hoặc khai báo y tế gian dối, những người lao động có biểu hiện ho, sốt để thông báo với cơ quan chức năng.
Ông Cường cho biết thêm, hiện nay, người lao động từ vùng có dịch đến các KCN tỉnh Bắc Giang phải có kết quả xét nghiệm âm tính và cách ly tập trung 14 ngày, sau đó tự cách ly 14 ngày tại nơi ở. Người từ vùng xanh ở tỉnh ngoài phải cách ly 7 ngày và xét nghiệm COVID 3 lần.
“Hiện, có 377 doanh nghiệp đang hoạt động trong các KCN, nhiều hơn so với trước dịch. Giá trị sản xuất ở các KCN trong tháng 8 cao nhất từ trước đến nay. Kinh nghiệm của Bắc Giang là dập dịch trong các KCN phải tiến hành nhanh chóng, các biện pháp linh hoạt, thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế, giúp giảm thiểu rủi ro và chi phí cho doanh nghiệp”, ông Cường nói.
Tiền phong