Chóng mặt khi giá hàng hóa “nhảy múa”
Những ngày gần đây, nhiều người dân hoa mắt chóng mặt vì giá xăng, dầu, thực phẩm, cước vận tải… liên tục tăng cao.
- 08-03-2022Giá xăng tăng cao, người tiêu dùng không nên bỏ qua 10 mẫu ô tô tiết kiệm nhiên liệu nhất Việt Nam này
- 08-03-2022Vật liệu xây dựng đua nhau tăng giá
- 07-03-2022Grab tăng giá cước, tài xế nói gì?
Trưa 8/3, tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TPHCM), chị Cẩm Tú (tiểu thương kinh doanh ngành gia vị) đã dọn hàng sớm vì vắng khách mua. “Xăng dầu tăng giá đã kéo theo hàng loạt mặt hàng có giá mới theo chiều hướng đi lên; có khi sáng báo một giá, chiều một giá, tôi chưa kịp chốt mua thì giá đã tăng. Mặt hàng dầu ăn, bột ngọt đang nhích giá nhiều nhất. Các chương trình nhập hàng với giá ưu đãi dành cho tiểu thương cũng bị cắt ngang trước bối cảnh bão giá”, chị Tú nói.
Grab mới đây thông báo tăng cước tất cả dịch vụ. Ảnh: TTXVN
Bình thường, chị Bùi Thị Hoa (ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) cầm 100.000 đồng đi chợ có thể mua được cá, rau, trái cây cho gia đình 3 người ăn đủ cả ngày, nhưng giờ mới mua rau đã hết hơn nửa số tiền, khoản còn lại chỉ đủ mua vài bìa đậu hũ kho cùng mì căn. “Rau cá đều tăng từ 5.000-10.000 đồng/kg, ngay cả đậu hũ trước 5.000 đồng/bìa, giờ cũng vọt lên 7.000 đồng/bìa. Giá cả tăng cao, trong khi thu nhập vẫn đứng yên nên tôi phải tính toán kỹ để không thâm hụt vào quỹ dự phòng”, nữ công nhân chia sẻ.
Giám đốc Sở Công Thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, các DN đang tìm cách giảm chi phí, giữ giá thành, hãm đà tăng giá vì họ hiểu rõ rằng thu nhập của người tiêu dùng vẫn chưa cải thiện sau thời gian cao điểm dịch COVID-19 năm 2021.
Theo ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM, áp lực từ giá xăng tăng đã khiến các doanh nghiệp (DN) taxi khó có thể “gồng mình tiếp tục chống đỡ”. Ông nói rằng, các công ty trong ngành vận tải đang cầm cự, đứng trước nguy cơ buộc phải tăng giá cước nếu Chính phủ không sớm có chính sách điều chỉnh các loại thuế, phí để kìm hãm giá nhiên liệu trong thời gian sớm nhất.
Các hãng xe công nghệ cũng chật vật khi giá xăng dầu tăng cao. Mới đây, Grab thông báo tăng giá cước tất cả dịch vụ gồm gọi xe 2 bánh, 4 bánh, giao nhận thức ăn, đi chợ hộ… từ ngày 10/3. Theo DN này, việc tăng giá cước sẽ giúp bù đắp một phần chi phí của tài xế, giúp họ có thêm cơ hội thu nhập trang trải cuộc sống, cũng như khuyến khích tài xế phục vụ tốt hơn.
Ông Nguyễn Việt Linh, đại diện truyền thông Be Group, thừa nhận, các tài xế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng giá xăng dầu. “Tuy nhiên, hiện tại Be vẫn đang cố gắng giữ giá cũ. Việc xem xét hay kế hoạch điều chỉnh giá cước sẽ tùy theo hoạt động kinh doanh để cân đối hài hòa giữa quyền lợi của 3 bên khách hàng, tài xế và DN”, ông Linh nói.
Tiền phong