Chống tham nhũng: Đến lúc tuyên chiến cả với những “nốt ghẻ ruồi”
Tình trạng tham nhũng “vặt” được người lãnh đạo cao nhất đất nước ví như những “nốt ghẻ ruồi”, cần phải tuyên chiến để không xói mòn lòng tin của dân.
- 23-10-2018Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và những câu nói nổi tiếng về chống tham nhũng
- 23-10-2018(Infographic) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và quyết tâm chống tham nhũng, chỉnh đốn Đảng
- 13-07-2018Tiếp tục thảo luận về vấn đề lớn của dự án Luật Phòng chống tham nhũng
- 26-06-2018Những con số ấn tượng của cuộc chiến chống tham nhũng
Cuối tuần qua, tại một hội nghị của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ví tình trạng tham nhũng “vặt” giống như những “nốt ghẻ ruồi”, rất khó chịu, gây xói mòn lòng tin của nhân dân.
Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng Nguyễn Phú Trọng cũng đưa ra thông điệp rõ ràng: tới đây, việc ngăn chặn tham nhũng không chỉ dừng lại ở những vụ án lớn, nghiêm trọng mà còn phải làm sạch cả những những “nốt ghẻ ruồi”. Theo đó, cơ quan chức năng sẽ chọn một vài vụ tham nhũng “vặt” tiêu biểu để đưa ra xử lý.
Tình trạng tham nhũng “vặt” phổ biến đến mức mà một bộ phận người dân có tâm lý đồng lõa khi tặc lưỡi cho rằng “xã hội nó thế, mình phải thế”. Họ thậm chí chấp nhận tình trạng tham nhũng “vặt” để mong được việc. Nhưng một bộ phận không có nghĩa là tất cả. Chính nạn tham nhũng “vặt” đã tạo ra những bất bình đẳng trong xã hội. Những người không có điều kiện, không có khả năng “lót tay” thì đương nhiên họ sẽ phải chấp nhận thiệt thòi.“Những nốt ghẻ ruồi” lâu nay đã được nhắc đến khá nhiều. Nó xuất hiện mọi lúc, mọi nơi trong đời sống xã hội. Đó là nạn bôi trơn, lót tay, phong bì, phong bao, giấu giấu diếm diếm... khi xin việc làm, xin học, xin giấy tờ thủ tục, xin được hưởng dịch vụ y tế tốt trong bệnh viện công, là tình trạng “ăn” của dân không từ một thứ gì...
Vì sao tham nhũng “vặt” trở nên phổ biến?. Trước hết, nó là tàn dư của cơ chế “xin-cho” còn in hằn trong tâm lý của nhiều người, là thái độ ban phát của một bộ phận cán bộ công quyền dù đó là trách nhiệm của họ. Thứ nữa, dù đã được cải cách rất nhiều nhưng thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực vẫn còn nhiêu khê, phiền hà khiến người dân và doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần... Và trên hết, thiếu một cơ chế giám sát đủ mạnh và hầu như chưa có một vụ “lót” tay nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự ngoại trừ việc mất chức, mất việc, thuyên chuyển công tác.
Trước thềm kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, cử tri cũng bày tỏ bức xúc về nạn tham nhũng “vặt”. Cử tri cho rằng, những biểu hiện tiêu cực này thường chỉ được phát hiện thông qua phản ánh, tố giác của người dân hoặc qua báo chí, hầu như không được phát hiện thông qua đấu tranh nội bộ, tự phê bình và phê bình của cán bộ, công chức.
Dưới góc độ của các chuyên gia, tham nhũng “vặt” không còn là chuyện vặt mà đã trở thành vấn đề lớn. Điều nguy hiểm nhất của tham nhũng “vặt” là tạo ra sự bức xúc trong xã hội, đặc biệt là gây mất niềm tin của người dân vào các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Bởi vậy, việc nghiên cứu xây dựng Đề án chống tham nhũng “vặt” của Ban Nội chính Trung ương được dư luận hết sức quan tâm. Họ trông chờ cơ quan chức năng tới đây sẽ đưa ra những giải pháp đủ mạnh cho vấn nạn này, không chỉ dựa vào tai mắt nhân dân, vào công nghệ hiện đại mà phải có chế tài nghiêm khắc khiến người “đưa” và “nhận” đều cảm thấy “sợ”.
Tuyên chiến với tình trạng tham nhũng “vặt” được người đứng đầu Đảng và Nhà nước đưa ra trong bối cảnh nhiều vụ tham nhũng lớn, phức tạp, nghiêm trọng đã bị phanh phui, nhiều cán bộ cao cấp bị xử lý hình sự. Đó là cơ sở để dân tin rằng, những “nốt ghẻ ruồi” tới đây sẽ có thuốc đặc trị hiệu quả.
VOV