Chủ động đón sóng FDI
Triển vọng tăng trưởng kinh tế cao là lý do khiến niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục được củng cố.
- 06-04-2024Đường dây 500 kV mạch 3 - đường Trường Sơn công nghiệp hóa thời bình - Bài 2: Lòng quyết tâm còn cao hơn núi
- 06-04-2024Thủ tướng chỉ ra 13 chữ, 3 vấn đề với quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế
- 06-04-2024Các dự án “trăm tỷ” rục rịch khởi động tại Thanh Hóa
Thêm nhà đầu tư mới đổ vốn vào Việt Nam
Tuần đầu của quý II, Tập đoàn Geleximco và thương hiệu xe Omoda & Jaecoo (thuộc tập đoàn Chery, Trung Quốc) ký kết hợp đồng liên doanh tại Hà Nội. Hai bên sẽ xây dựng một nhà máy tại Việt Nam với công suất 200.000 xe ô tô/năm, để sản xuất các mẫu xe mang thương hiệu Omoda & Jaecoo.
Nhà máy sản xuất ô tô thương hiệu Omoda & Jaecoo sẽ được đặt tại tỉnh Thái Bình, đồng thời doanh nghiệp (DN) sẽ xây dựng đường cao tốc đi các bến cảng, Móng Cái và Lạng Sơn để phục vụ cho việc xuất khẩu. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 (2024-2026) cho nhà máy này là 800 triệu USD (hơn 19.900 tỷ đồng), bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2026 với công suất dự kiến 50.000 xe/năm.
Việc nhà đầu tư Trung Quốc chọn Việt Nam có lẽ sẽ mang lại một khởi đầu thuận lợi ở việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong quý II, mà trước đó vào quý I việc thu hút vốn FDI cũng đã khá thành công với con số 6,17 tỷ, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Lương Dương Hồng (Liang Yang Hong) - Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp DN thuộc Hiệp hội Trung Quốc, Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm thương mại điện tử quốc tế Trung Việt Trung (Bắc Ninh - Việt Nam) chia sẻ, Việt Nam là một quốc gia tiềm năng để phát triển thị trường, với rất nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã được ký kết – đây là tấm vé để đưa hàng hóa Việt Nam xuất khẩu tới nhiều thị trường.
Nhìn lại việc thu hút vốn FDI trong quý I, có thể thấy nhiều dự án lớn trong các lĩnh vực năng lượng, bao gồm: Sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic, các dự án sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng đã được đầu tư mới và mở rộng vốn.
Có thể kể hàng loạt dự án trong các lĩnh vực này được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư trong 3 tháng đầu năm 2024 như: Dự án 120 triệu USD của Boviet Hải Dương, chuyên sản xuất tấm tế bào quang điện năng lượng mặt trời; dự án 454 triệu USD của Trina Solar Cell tại Thái Nguyên; hay dự án 275 triệu USD của Gokin Solar Hải Hà Việt Nam tại Quảng Ninh…
Đáng chú ý, Đồng Nai là một trong những địa phương lọt vào top 10 thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước trong quý I/2024. Nguồn vốn FDI vào Đồng Nai chủ yếu tập trung các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp được cấp phép mới.
Thu hút đầu tư có chọn lọc
Theo TS Võ Trí Thành, hiện có 4 nhóm nhân tố quan trọng nhất mà các nhà đầu tư nhìn nhận, xem xét để lựa chọn quốc gia, nền kinh tế để đầu tư. Đó là: Hiệu quả khi đầu tư; lợi thế so sánh về nhân công, tài nguyên thiên nhiên, thị trường nội địa…; lòng tin về chiến lược, chính trị và cuối cùng là quản trị rủi ro, khả năng chống chịu của nền kinh tế.
Đối chiếu với các nhóm yếu tố trên, Việt Nam đang có rất nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút FDI. Việt Nam tự do hóa với rất nhiều hiệp định thương mại, lợi thế so sánh vẫn còn; kết nối đường biển, đường hàng không, hàng hải khá là tốt. Với nhóm nhân tố thứ hai, Việt Nam cũng đang chuyển đổi số, nỗ lực chuyển đổi xanh, nỗ lực bắt kịp với nhiều khía cạnh khác nhau của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Việt Nam hiện có nhiều đối tác tin cậy gắn với các FTA. Song nói như vậy không có nghĩa không có thách thức.
Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, Việt Nam đang tập trung vào các đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, với chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.
Môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tiếp tục được cộng đồng quốc tế đánh giá tích cực. Đặc biệt là các tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghệ, điện tử, bán dẫn đã và đang nghiên cứu, thành lập cứ điểm sản xuất tại Việt Nam. Đánh giá về Việt Nam trong giai đoạn mới, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper cho rằng, Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam là đối tác thương mại lớn của Mỹ và là nước có nền kinh tế năng động.
Nói về thu hút nguồn vốn FDI, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông khẳng định, Việt Nam định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc hướng đến các dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao và có tính lan tỏa, kết nối với các DN trong nước; ưu tiên các dự án như công nghệ cao, điện tử, bán dẫn, đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, trung tâm tài chính quốc tế, thương mại dịch vụ hiện đại, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nghiên cứu và phát triển…; trong đó, đổi mới sáng tạo, sản xuất thông minh cũng là một trong các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư trong giai đoạn hiện nay.
Đại đoàn kết