'Chủ hộ sản xuất, kinh doanh cá thể cần được tham gia bảo hiểm bắt buộc'
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng Đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đề xuất, cần tạo điều kiện để chủ hộ sản xuất, kinh doanh cá thể được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thay vì tự nguyện như hiện tại.
- 06-06-2023Bí thư chi bộ, trưởng thôn phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc?
- 06-06-2023Chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về việc làm, rút bảo hiểm xã hội một lần
- 25-05-2023Ủng hộ 'siết' bảo hiểm xã hội một lần, nhưng nên thuyết phục hơn
Hôm qua (6/6), tại phiên chất vấn Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, việc giải quyết vấn đề chủ hộ sản xuất, kinh doanh cá thể đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, nhưng không đúng đối tượng theo quy định của Luật BHXH được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ trưởng Tài chính giải trình làm rõ thêm cũng như nhiều đại biểu quan tâm.
Liên quan vến đề này, bên hành lang Quốc hội, Nhadautu.vn đã có trao đổi với đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng Đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương để làm rõ hơn bất cập cũng như giải phải pháp xử lý, góp ý sửa đổi Luật BHXH.
Chủ hộ sản xuất, kinh doanh cá thể đã đóng BHXH bắt buộc, nhưng không đúng đối tượng theo quy định của Luật BHXH làm nóng nghị trường phiên chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung. Quan điểm của bà về vấn đề này thế nào?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, từ năm 2003 tới năm 2016, BHXH các đại phương đã thu sai BHXH bắt buộc với hơn 4.000 chủ hộ sản xuất, kinh doanh cá thể, trong đó đã giải quyết chế độ cho một số người, hiện còn lại hơn 2.700 người chưa được giải quyết chế độ.
54 tỉnh thu của 4.240 đối tượng từ năm 2003 đến năm 2016, đến năm 2016 thì có chủ trương dừng lại, nhưng có một số đối tượng vẫn nộp tiếp đến năm 2020 thì dừng hẳn với khoảng 1.332 cá nhân.
Việc thu sai đối tượng thì 2 Bộ trưởng LĐ-TB&XH đã thừa nhận thực trạng này và đã đưa ra giải pháp cụ thể.
Theo đó, Bộ Đào Ngọc Dung khẳng định, việc thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với hộ kinh doanh cá thể là sai về chủ trương. Vấn đề này Bộ LĐ-TB&XH đã làm việc với BHXH Việt Nam và có văn bản chấn chỉnh.
Về giải pháp căn cơ, Bộ trưởng LĐ-TB&XH trong chương trình xây dựng pháp luật đề xuất đưa các đối tượng này vào đối tượng đóng bảo hiểm bắt buộc khi sửa Luật BHXH., Bộ LĐ-TB&XH kiến nghị cho phép Chính phủ thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, như cộng nối thời gian đóng bảo hiểm nếu như người lao động có nhu cầu.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, về bản chất và đạo lý thì việc thu BHXH những đối tượng này là không có gì sai, nhưng vẫn bị vướng về quy định pháp luật. Về bản chất, những đối tượng này vừa là chủ hộ vừa là người lao động, có thu nhập, nên việc được tham gia bảo hiểm bắt buộc có thể coi là chấp nhận được, nhưng pháp luật lại không quy định, nên có thể kết luận là sai đối tượng.
Tôi đồng tình với phương án trả lời của 2 Bộ trưởng.
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang được lấy ý kiến, dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp cuối năm 2023. Bà có thể cho biết một số bất cập mà luật cần phải sửa đổi để gia tăng quyền lợi cho người lao động?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Hiện nay, pháp luật về BHXH có một số quy định chúng ta thấy khá bất cập. Đó là theo Điều lệ BHXH ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính phủ, Nghị định số 01/2003/NĐ-CP ngày 09/01/2003 của Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Điều lệ BHXH ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP, Luật BHXH năm 2006 và Luật BHXH năm 2014 thì người lao động (cá nhân) làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc;
Chủ hộ kinh doanh cá thể (cá nhân) và nhân viên đại lý thu bảo hiểm thương mại không phải là người làm việc theo hợp đồng lao động nên không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Bản thân quy định này theo tôi đã là chưa hợp lý vì chủ hộ kinh doanh cá thể cũng là người lao động tham gia vào việc sản xuất, kinh doanh của hộ kinh doanh cá thể đó. Tại sao người lao động trong hộ đó được đóng BHXH bắt buộc mà người chủ hộ (cũng là người lao động) lại không được đóng BHXH bắt buộc?
Trong khi đó, chính nhóm đối tượng này lại rất cần khuyến khích tham gia BHXH bắt buộc vì họ là những người tạo công ăn việc làm cho những người lao động khác. Nếu quyền lợi của họ được bảo đảm thì họ mới yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Vậy điều này sẽ dẫn tới những hệ lụy gì?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Tôi cho rằng, nhân viên của hộ kinh doanh cá thể được tham gia BHXH bắt buộc trong khi chủ hộ lại không được (chỉ được tham gia BHXH tự nguyện) là điều bất hợp lý, thậm chí có thể nói là bất công cho người chủ hộ.
Điều này còn có thể dẫn tới hệ lụy là vì bản thân không được tham gia BHXH bắt buộc nên chủ hộ sẽ không tạo điều kiện cho người lao động trong hộ kinh doanh của mình tham gia BHXH.
Việc quy định tham gia BHXH chỉ dựa trên hợp đồng lao động (do chủ hộ không thể tự ký hợp đồng lao động với mình nên không được tham gia) là khá cứng nhắc nên dẫn tới tình trạng "bỏ rơi" nhóm đối tượng nên được tham gia BHXH bắt buộc như chủ hộ sản xuất kinh doanh.
Từ những phân tich trên, bà kiến nghị gì khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Từ thực tiễn trên, tôi cho rằng, cần sửa đổi các quy định pháp luật về BHXH để chủ hộ sản xuất, kinh doanh cá thể được tham gia BHXH bắt buộc chứ không phải là BHXH tự nguyện như quy định hiện tại.
Ngoài ra, khi triển khai thực hiện Nghị định số 01/2003/NĐ-CP ngày 09/01/2003 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ BHXH, do nhận thức chưa đầy đủ nên nhiều BHXH tỉnh, thành phố đã thực hiện thu BHXH bắt buộc và giải quyết chính sách BHXH đối với cả các chủ hộ kinh doanh cá thể là chưa đúng quy định của pháp luật về BHXH, dẫn đến phát sinh vướng mắc trong việc giải quyết chính sách BHXH cho người lao động.
Trên cơ sở quy định của pháp luật về BHXH và thực tiễn, nhằm tạo điều kiện để người lao động được tham gia BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khóa XII về cảỉ cách chính sách BHXH, chủ hộ kinh doanh cá thể và một số nhóm đối tượng khác sẽ thuộc đối tượng tham gia BHXH; việc giải quyết chế độ, chính sách BHXH đối với chủ hộ kinh doanh cá thể đã đóng BHXH được thực hiện và tuân thủ theo nguyên tắc đóng - hưởng theo quy định của Luật BHXH, tôi đề xuất, nên chăng chúng ta cũng cần có những giải pháp tháo gỡ theo hướng bảo đảm quyền lợi cho những người lao động đã tham gia BHXH bắt buộc từ nhiều năm nay.
Nhà đầu tư