Chủ nhân phát ngôn "sau 35 tuổi phải gửi CV để xin việc là một thất bại" bất ngờ xin lỗi, tiết lộ mình từng "đem CV đi hỏi việc" ở tuổi 40
Anh nhận sai về việc "viết bài mà chưa suy nghĩ thấu đáo, chưa nhận thức được sự ảnh hưởng các bài viết của mình trên mạng xã hội".
- 20-04-2024Bị Microsoft và Amazon từ chối, chàng trai rút kinh nghiệm làm lại CV và lập tức được Google ‘dang tay chào đón’, trả lương hậu hĩnh 7,6 tỷ đồng/năm
- 20-04-2024Đi xin việc, nam sinh viết 1 cụm từ vào CV liền bị loại luôn, 4 năm học ĐH coi như bỏ: Mong không ai mắc lỗi này
- 20-04-2024Tranh cãi nảy lửa quan điểm: Sau 35, thậm chí sau 30, mà phải gửi CV đi để cho người ta xem xét là một thất bại
Xin lỗi vì phát biểu "sau 35 tuổi phải gửi CV là một thất bại"
Sáng ngày 24/4, anh Trần Hùng Thiện - chủ nhân quan điểm: "Sau 35, thậm chí sau 30, mà phải gửi CV đi để cho người ta xem xét là một thất bại" đã đăng lời xin lỗi và cảm ơn đến mọi người.
Anh Trần Hùng Thiện tốt nghiệp Thạc sĩ trường Đại học Hawaii (Mỹ), hiện đang là giảng viên. Anh cũng có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tư vấn kinh doanh Nghiên cứu thị trường, từng có 2 cuốn sách ra mắt.
Anh Thiện cho biết những ngày vừa qua đã ý thức được góc nhìn chủ quan của bản thân làm buồn lòng nhiều người. Vì vậy anh đã nhận sai và xin lỗi vì "viết bài mà chưa suy nghĩ thấu đáo, chưa nhận thức được sự ảnh hưởng của các bài viết của mình trên mạng xã hội".
Anh cũng khẳng định mình không có ý coi thường mọi người vì bản thân cũng từng có trải nghiệm vấp ngã và làm lại từ đầu ở tuổi 40.
"Chính bản thân Thiện đã từng vấp ngã tuổi 41, từng chữa lành sau đó, đã xuống đáy, và đem CV đi hỏi việc ở tuổi 40 nên Thiện không có ý coi thường mọi người", anh viết.
Để sửa sai, anh Thiện xin phép tháo bài đăng đồng thời nghiêm túc dành thời gian nhìn nhận lại bản thân để rút ra bài học sau sự việc.
(Ảnh minh hoạ)
Trước đó, quan điểm của anh Thiện làm dấy lên tranh cãi quanh việc nộp CV ở tuổi 35+. Theo anh Thiện, ở tuổi 35, người lao động phải có thành tựu và kỹ năng quản lý nhất định, cộng thêm khả năng thích nghi với thời đại số và với yêu cầu của thị trường lao động hiện nay.
Lấy ví dụ cho quan điểm của mình, anh đã loại CV của một ứng viên ngoài 35 tuổi vì những lý do:
- Hơn 10 năm làm việc nhưng số lần nhảy việc khá nhiều (trên dưới 10 công ty).
- Kinh nghiệm không tương xứng với số tuổi, nhà tuyển dụng khó lòng tìm ra vị trí thích hợp.
- CV tồn tại khoảng thời gian trống không khai, giả thuyết ở nhà giữ con khá cao.
- CV rất chán, trình bày vội vã như thể làm cho xong để còn đi nấu cơm đón con.
Những chia sẻ này đã nhận về rất nhiều ý kiến trái chiều. Một phía cảm thấy điều này đang dội gáo nước lạnh vào nhóm người lao động có tuổi đang tìm kiếm công việc hoặc muốn đổi việc sau tuổi 30. Và một nửa ủng hộ, cho rằng nội dung này "cảnh tỉnh" giới trẻ, tránh trường hợp bước đến tuổi 35 mà vẫn chênh vênh.
35 tuổi tự đi xin việc là bình thường, quan trọng sự phù hợp
Trước đó, về những ý kiến không đồng tình với anh Thiện, nhiều người đã đưa ra các lập luận và ví dụ khác nhau để khẳng định quan điểm của mình.
Những người này cho rằng tuổi tác chỉ là một con số, còn công việc nên dựa vào chất lượng ứng viên và động cơ, nỗ lực mới đúng. Ngoài ra cũng không nên mặc định người lao động đứng tuổi sẽ đòi lương cao vì khi muốn đổi ngành, làm lại từ đầu thì có thể họ sẽ chấp nhận đi từ bước nhỏ nhất với mức lương thấp nhất.
"Đời không ai biết trước điều gì cả 35 tuổi dù có là quản lý hay chỉ là nhân viên, công nhân, bán vé số cũng chả biết ai hơn ai cả. Ông chủ KFC 70 tuổi mới khởi nghiệp, còn mấy ông 35 tuổi làm quản lý có khi chạy deadline, thức khuya kinh quá tổn hại sức khoẻ. Có thể những CV của người 35 tuổi đó họ có thể thất nghiệp nhưng chính vì thất nghiệp sớm họ lại nghiêm túc học tập, tập tành khởi nghiệp và biết đâu lại thành công" - một cư dân mạng bày tỏ.
Về phía các quản lý, nhiều người cũng cho rằng 30 tuổi hay 35 tuổi mà vẫn tự mình "mò mẫm" trong thị trường lao động là điều… bình thường. Theo họ, quan trọng là tinh thần và sự quyết tâm của ứng viên để phù hợp với công việc.
(Ảnh minh hoạ)
Anh Maximillien Quân Phạm - CEO Founder Wisematch Vietnam LTD cho biết việc phải rải CV xin việc ở tuổi 35 không chỉ là vấn đề cá nhân mà còn phản ánh sự biến động của thị trường lao động. Đôi khi, việc này có thể là cơ hội để mở ra những cánh cửa mới, khám phá những lĩnh vực mới và phát triển bản thân. Không có gì là "thất bại" khi một người phải tự mình khám phá và chinh phục thị trường lao động, bởi đó cũng là một phần của sự trưởng thành và học hỏi trong cuộc sống.
Anh Nguyễn Tiến Huy (hay còn gọi là Huy Pencil) - điều hành tổ hợp truyền thông và công nghệ Pencil Group nêu quan điểm: "Tôi tin rằng mỗi người đều có thể tìm được một nơi làm việc phù hợp với mình, kể cả khi đã nghỉ hưu. Ứng tuyển công việc là quá trình dating giữa ứng viên và nhà tuyển dụng nên không có ai dưới ai, chỉ là sự phù hợp mà thôi. Có người 35 tuổi mà vẫn muốn chuyển nghề và họ sẵn sàng chấp nhận mọi mức lương của chuyên viên".
Bên cạnh đó, điều đáng gờm của người lao động trong độ tuổi 35 là kinh nghiệm thực chiến, khả năng chống chịu với áp lực. Vì vậy khi được hỏi có "sẵn sàng tuyển những ứng viên trong độ tuổi 30 - 35 không", phần đông các nhà tuyển dụng đều đồng ý.
Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh rằng những người ở tuổi 35 phải vượt qua định kiến độ tuổi, chứng minh rằng mình phù hợp với vị trí tuyển dụng thông qua thái độ và năng lực làm việc. Ngoài ra việc chọn tuyển dụng thế hệ nào, Gen Z hay U30 - U35 còn phụ thuộc vào "khẩu vị" của công ty cùng với đó là những yêu cầu của công việc.
Đời sống và pháp luật