MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ rao bán căn nhà 6 tỷ, khách trả 5,6 tỷ đến khi chủ đồng ý bán thì “lặn mất tăm”: Hóa ra khách đến hỏi mua do “cò” đóng giả

23-10-2024 - 07:30 AM | Bất động sản

Chủ rao bán căn nhà 6 tỷ, khách trả 5,6 tỷ đến khi chủ đồng ý bán thì “lặn mất tăm”: Hóa ra khách đến hỏi mua do “cò” đóng giả

Khách gọi qua điện thoại trả giá với chủ nhà, nếu chủ đồng ý với mức giá đó sẽ đến cọc ngay. Nhưng đến khi chủ đồng ý bán thì khách báo không mua. Sau khi tìm hiểu, chủ phát hiện vị khách đó là do "cò" đất đóng giả.

Chị Kim Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) kể về câu chuyện rao bán căn nhà trong ngõ đầy gian truân. Chị cho biết, căn nhà nằm trong ngõ có diện tích 40m2, được xây 5 tầng với đầy đủ công năng gồm tầng 1 chỗ để xe, phòng ăn; tầng 2 gồm 1 phòng khách và 1 phòng ngủ và các tầng còn lại mỗi tầng 2 phòng ngủ.

Trước khi chính thức rao bán nhà, chị Kim Anh có mời một vài môi giới đến xem và định giá căn nhà giúp chị. Sau khi cân nhắc các mức giá môi giới đưa ra, chị quyết định chào bán với giá 6 tỷ đồng và chỉ nhờ 2 sàn giao dịch bất động sản rao bán.

Tuy nhiên, căn nhà vừa được đăng tải trên hệ thống thông tin của sàn thì ngay lập tức có rất nhiều môi giới giới thiệu hết ở sàn này đến sàn kia đến hỏi thêm thông tin về căn nhà, đề xuất nhận bán giúp chị với mức hoa hồng 3% giá trị căn nhà cho môi giới.

“Tốn bao thời gian để tiếp môi giới đến lấy nguồn hàng. Ban đầu, tôi còn đồng ý cho thêm 2-3 sàn khác cùng bán với những sàn ban đầu tôi gửi rao bán nhà. Về sau, tôi thấy khá phiền khi liên tục phải tiếp môi giới chứ không phải khách đến xem nhà”, chị Kim Anh chia sẻ.

Sau hơn 3 tháng rao bán nhà, có khá nhiều khách trả giá nhưng ở mức giá chưa đạt kỳ vọng thu về của chị nên chị quyết định không bán. “Những ngày đầu bán nhà, tôi nghĩ phải bán được với mức giá mong muốn của mình. Còn nếu như khách chưa trả đến mức đó, tôi sẵn sàng rao bán căn nhà trong vòng 1 năm. Bởi, tôi cũng không vội cần tiền nên được giá mới bán”, chị Kim Anh kể.

Thế nhưng, hơn 3 tháng rao bán, chồng chị Kim Anh sốt ruột và cảm thấy phiền vì ngày nào cũng có người đến xem nhà. Do đó, anh giục chị bán thật nhanh, hạ giá chào bán xuống còn 5,8 tỷ đồng.

“Ngay sau khi hạ giá, môi giới đưa khách xem đến liên tục. Đặc biệt, có những vị khách tự đến nhà tôi hỏi mua mà không qua môi giới, có những khách thì gọi điện trả giá luôn. Họ đều nói rằng là khách không qua môi giới, không mất 3% phí hoa hồng, muốn mua với giá 5,5 tỷ đồng, chi phí sang tên bên chủ chịu. Nếu tôi đồng ý, họ sẽ đến đặt cọc ngay lập tức”, chị Kim Anh kể.

Đến khi bàn bạc với chồng, cả 2 quyết định bán và gọi lại khách thì khách nào cũng kêu chờ bàn lại với gia đình sau đó báo lại đã thích căn khác hay đã đặt cọc căn khác rồi.

"Sau 2 trường hợp như vậy, tôi lấy số điện thoại của vị khách kêu đồng ý bán thì đến cọc ngay tìm thông tin của họ trên mạng xã hội Facebook, Zalo thì thấy rằng đều là "cò" đất đóng giả khách hàng đi mua", chị Kim Anh cho biết.

Theo anh Xuân Lâm - một môi giới bất động sản ở Hà Nội, với kiểu trả giá, đến khi chủ đồng ý bán rồi “lặn mất tăm” có 2 trường hợp xảy ra. Một, đây là chiêu dò giá chủ nhà của môi giới. Môi giới muốn biết ở mức giá bao nhiêu thì chủ đồng ý bán. Khi biết được mức giá rồi, môi giới sẽ tìm những khách hàng có tầm tiền đó và dẫn đi xem, tư vấn cho khách sao cho khách muốn chốt mua căn nhà.

Hai, có thể trong quá trình dẫn khách đi xem, có những vị khách ưng căn nhà và muốn mua. Họ chưa gặp chủ nhà, chưa đàm phán giá mà chỉ mới thông qua môi giới. Môi giới nắm được thông tin và muốn mua từ chủ nhà rồi bán chênh lại cho khách.

Theo đó, chiêu này của môi giới không chỉ áp dụng với nhà đất mà với chung cư cũng vậy. Nhiều chủ căn hộ liên tục nhận được cuộc gọi hỏi bán nhà và trả giá khá cao. Một chủ nhà chia sẻ vừa mua căn chung cư 8 tỷ đồng, đang sửa sang thì môi giới trả 8,5 tỷ đồng. "Nếu đồng ý bán sẽ dẫn khách qua đặt cọc ngay", môi giới khẳng định với chủ nhà.

Tuy nhiên, đến khi đồng ý bán, chủ nhà gọi cho môi giới thì lại được báo rằng khách mua căn khác, khách chuyển hướng mua nhà đất.

Thực tế, chiêu này của môi giới không hiếm trên thị trường, nhất là trong giai đoạn bất động sản Hà Nội "nóng". Môi giới làm vậy để phục vụ cho những mục đích mua bán không lành mạnh, minh bạch của môi giới, tạo nhiệt, tạo giá ảo trên thị trường.

Đánh giá giai đoạn vừa qua giá chung cư tăng bất thường, đặc biệt tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng hiện tượng này chắc chắn có sự tác động từ nhóm lợi ích trong khi bối cảnh kinh tế, thị trường cũng như thu nhập của người dân chưa hồi phục. "Giá nhà tăng cao, nhưng giao dịch lại không xuất hiện, đây có thể là chiêu trò nào đó của một nhóm đầu tư có mục đích không trong sáng", ông Đính cho hay.

Bà Phạm Thị Miền - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam cho rằng, bên cạnh những kết quả xuất phát từ cung, cầu thực tế, thị trường cũng đã xuất hiện những dấu hiệu "tạo nhiệt". Tình trạng này thể hiện qua việc đầu cơ đất đai, đẩy giá nhà ở, và phát sinh các giao dịch bất động sản thiếu minh bạch.

Phương Hoàng

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên