Chủ siêu tàu mắc kẹt ở kênh đào Suez chờ "trời giúp" hôm nay
Công ty sở hữu siêu tàu hàng mắc cạn ở kênh đào Suez cho biết họ sẽ tận dụng các chuyển động của thủy triều vào ngày 27-3 để giải phóng con tàu.
- 27-03-2021Giá vận tải biển tăng vọt do sự cố tắc nghẽn trên kênh đào Suez
- 27-03-2021Nỗ lực giải cứu tàu mắc cạn trên Kênh đào Suez lại thất bại, tác động kinh tế bắt đầu lan rộng
- 26-03-2021Kênh đào Suez ách tắc đang tạo ra áp lực lạm phát rất lớn
Tàu Ever Given, thuộc sở hữu của công ty Nhật Bản Shoei Kisen KK, bị mắc cạn ở kênh đào Suez vào ngày 24-3. Trong cuộc họp báo tối 26-3 (giờ địa phương) tại trụ sở công ty ở TP Imabari - Nhật Bản, chủ tịch Shoei Kisen KK, ông Yukito Higaki, cho biết 10 tàu kéo đã được triển khai và các công nhân đang nạo vét bờ và đáy biển gần mũi tàu để cố gắng đưa nó nổi trở lại khi thủy triều lên.
"Chúng tôi xin lỗi vì làm ách tắc giao thông, gây ra những rắc rối nghiêm trọng và khiến nhiều người lo lắng" - trích lời ông Higaki.
Trong một thông báo ngày 27-3, Shoei Kisen cho biết công ty này đang cân nhắc dỡ các thùng hàng để làm giảm trọng lượng nhưng đây là một hoạt động cực kỳ khó khăn. Họ sẽ tiếp tục cân nhắc lựa chọn này nếu các nỗ lực hiện tại thất bại.
Ảnh: Reuters
Một nhóm chuyên gia từ Boskalis, công ty chuyên cứu hộ của Hà Lan, đang làm việc với cơ quan quản lý kênh đào để sử dụng tàu kéo và tàu cuốc hút chuyên dụng tại mạn trái của mũi tàu. Giới chức trách Ai Cập đã cấm truyền thông tiếp cận khu vực này.
Trung tướng Osama Rabei, người đứng đầu Cơ quan quản lý Kênh đào Suez (SCA), cho biết: "Đây là một hoạt động kỹ thuật phức tạp đòi hỏi nhiều nỗ lực để giải phóng con tàu". Các nỗ lực giải cứu con tàu trong ngày 26-3 đã thất bại.
SCA cho biết họ rất hoan nghênh sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Nhà Trắng thông báo họ đã đề nghị giúp Ai Cập khơi thông kênh đào trở lại. "Chúng tôi có những thiết bị và năng lực mà hầu hết các nước khác không có. Chúng tôi đang xem xét xem có thể giúp đỡ những gì" - Tổng thống Joe Biden cho biết.
Ít nhất 50 con tàu lớn đang neo đậu để chờ đi qua kênh đào Suez. Ảnh: Reuters
Hình ảnh vệ tinh chụp tàu Ever Given chắn ngang kênh đào Suez. Ảnh: Reuters
Ảnh vệ tinh của Nga cho thấy lòng kênh kẹp khiến việc giải cứu tàu Ever Given gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Reuters
Tính đến ngày 26-3, số tàu đợi đi qua kênh đào Suez đã lên tới hơn 200 chiếc và một số chiếc đã bắt đầu thay đổi lộ trình. Tuy nhiên, hơn 100 tàu vẫn đang chờ để đi qua tuyến đường thủy này.
Nhà phân tích Toril Bosoni cho biết thị trường dầu đang trải qua sự gián đoạn. Trả lời hãng tin AP, bà Bosoni cho biết: "Lượng dầu tồn kho đã giảm nhưng còn tương đối dồi dào. Tôi tin rằng ảnh hưởng của sự cố sẽ rõ rệt hơn trong lĩnh vực tàu chở dầu. Chúng ta không bị mất nguồn cung cấp dầu nào nhưng các tàu chở dầu bị mất nhiều thời gian hơn nếu phải đi đường vòng".
Đại úy Nick Sloane, một chuyên gia cứu hộ hàng hải, nói với hãng tin AP rằng việc giải phóng tàu Ever Given có thể mất đến 1 tuần trong trường hợp lạc quan nhất và cảnh báo những vấn đề cấu trúc có thể xảy ra với còn tàu nếu nó tiếp tục bị mắc kẹt.
Nếu hoạt động nạo vét thất bại, ông Sloane ước tính quá trình tháo dỡ các thùng hàng trên tàu có thể mất nhiều tuần vì sẽ cần đến 300 sà lan để chở 20.000 thùng hàng.
Điều tra ban đầu cho thấy con tàu mắc cạn do gió mạnh chứ không phải gặp trục trặc kỹ thuật hay động cơ, theo công ty Shoei Kisen KK.
Người Lao Động