MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào: Với nền kinh tế số, tốc độ thay đổi của Việt Nam sẽ nhanh hơn rất nhiều

Trong suốt buổi phỏng vấn với Trí Thức Trẻ, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào - ông Denis Brunetti liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc đổi mới, số hoá tại Việt Nam. Ông Denis cũng chia sẻ tình yêu đặc biệt với những bộ phim xưa của Việt Nam như Hà Nội mùa chim làm tổ, Chung một dòng sông…, những bản nhạc Trịnh và tranh của danh hoạ Bùi Xuân Phái.

Đã hơn 20 năm kể từ lần đầu tiên Denis đặt chân đến Việt Nam, mặc dù chỉ là những chuyến công tác ngắn ngủi nhưng cũng đủ làm ông ngạc nhiên hết lần này đến lần khác về những thay đổi nhanh chóng của đất nước, con người Việt Nam.

Đặc biệt, khi nói về tương lai của Việt Nam, Chủ tịch Ericsson Đông Dương và Myanmar luôn nhớ đến những cột mốc quan trọng: "Năm 2030, khi kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng, Việt Nam đã đặt mục tiêu nhanh chóng trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 – kỷ niệm 100 năm độc lập, Việt Nam sẽ là nền kinh tế phát triển toàn diện và có thu nhập cao. Đó những cơ hội cho Việt Nam 'hoá rồng'".

Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào: Với nền kinh tế số, tốc độ thay đổi của Việt Nam sẽ nhanh hơn rất nhiều - Ảnh 1.

Kể từ khi đến đây năm 1996, ông có nhận xét gì về những thay đổi của nền kinh tế Việt Nam?

Câu chuyện về sự thay đổi ở Việt Nam rất thú vị. Hiện nay, mọi người nói rằng Việt Nam đang thay đổi với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết, so với trước đây cũng như so với các quốc gia trên thế giới. Nhưng tôi cũng cho rằng, trong tương lai, tốc độ thay đổi sẽ còn nhanh hơn rất nhiều. Bởi một sự thật đó là tốc độ thay đổi sẽ luôn luôn tăng.

Nhìn lại năm 1993, khi Ericsson lần đầu tiên vào Việt Nam, tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước là 58% và Việt Nam vẫn là một nền kinh tế có thu nhập thấp, chủ yếu dựa vào nông nghiệp và rất ít hoạt động sản xuất. Đến năm 2010, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp.

Hiện nay, Việt Nam đặt mục tiêu nhanh chóng trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 - kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng. Đến năm 2045 – khi Việt Nam kỷ niệm 100 năm độc lập, Việt Nam sẽ là nền kinh tế phát triển toàn diện và có thu nhập cao. Đó những cơ hội cho Việt Nam "hoá rồng".

Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào: Với nền kinh tế số, tốc độ thay đổi của Việt Nam sẽ nhanh hơn rất nhiều - Ảnh 2.

Việt Nam đang trên đà đạt được những mục tiêu này. Bất cứ ai cũng có thể thấy những thay đổi của Việt Nam về kinh tế, xã hội, môi trường, chất lượng cuộc sống của người dân trong 28 năm qua, kể từ năm 1993.

Ngoài ra, sau hơn 30 năm thực hiện thu hút đầu tư nước ngoài, tổng vốn FDI của Việt Nam cũng đã đạt gần 350 tỷ USD. Bởi vậy, tôi rất tự hào rằng Ericsson đang đóng góp một phần trong hành trình phát triển bền vững của Việt Nam. Trong tương lai, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến đầu tư rất hấp dẫn.

Vậy còn quá trình chuyển đổi số của Việt Nam thì sao?

Hiện tại, hầu hết mỗi người dân Việt Nam đều có ít nhất một SIM, một số di động có thể kết nối băng thông rộng. Ngày nay, nhiều người dùng 3G và 4G để truy cập Internet mọi nơi trên điện thoại. Chúng ta có thể nhìn thấy việc sử dụng điện thoại thông minh ở Việt Nam tăng theo cấp số nhân.

Đặc biệt trong thời gian vừa qua, băng thông rộng đã đảm bảo sinh kế cho người dân Việt Nam. Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân vẫn có thể thực hiện giao dịch, làm việc hiệu quả thông qua nền kinh tế kỹ thuật số.

Nền kinh tế số Việt Nam đã ghi nhận những tăng trưởng vượt bậc, từ 3 tỷ USD vào năm 2015 lên đến 9 tỷ USD vào năm 2018, đến nay đạt khoảng 12-13 tỷ USD và dự báo đến năm 2025, nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt 30 tỷ USD. Như vậy là trong 10 năm, từ 2015 đến 2025, nền kinh tế số Việt Nam đã tăng gấp 10 lần.

Như tôi đã đề cập trước đó, Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số sẽ chiếm khoảng 20% và đến năm 2030, con số này là 30%. Mạng di động 4G hiện nay và 5G trong tương lai chắc chắn sẽ đóng vai trò quan trọng đối với quá trình đạt được mục tiêu của Việt Nam.

Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào: Với nền kinh tế số, tốc độ thay đổi của Việt Nam sẽ nhanh hơn rất nhiều - Ảnh 3.

Là Chủ tịch một công ty cung cấp thiết bị viễn thông và giải pháp chuyển đổi số tại nhiều quốc gia, ông có nhận xét gì về định hướng phát triển ngành kinh tế số ở Việt Nam?

Trước hết, tôi cho rằng Việt Nam đang đi đúng hướng. Cụ thể, Việt Nam có chiến lược và tầm nhìn rõ rằng về việc thu hút vốn FDI. Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đặt ra những mục tiêu tập trung thu hút nguồn vốn FDI công nghệ cao.

Trước đây, Việt Nam luôn có lợi thế vì chi phí lao động, chi phí sản xuất thấp, giá đất rẻ, giàu tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, nguồn vốn FDI của Việt Nam đang tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao. Điều này cho thấy Chính phủ Việt Nam đã có tầm nhìn cũng như chiến lược rất rõ ràng.

Ngoài ra, Nghị quyết số 52-NQ/TƯ của Bộ Chính trị cũng đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025, năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm, Internet băng thông rộng phủ 100% các xã và kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP. Đến năm 2030, kinh tế số sẽ chiếm trên 30% GDP của Việt Nam.

Những mục tiêu này phần nào thể hiện chiến lược mở rộng hơn của Chính phủ nhằm thúc đẩy chuyển đổi số bền vững và toàn diện trong các ngành công nghiệp trên khắp Việt Nam. Đó là một phần trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia được Chính phủ phê duyệt, tập trung mạnh mẽ vào việc đạt được các mốc quan trọng vào năm 2025.

Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào: Với nền kinh tế số, tốc độ thay đổi của Việt Nam sẽ nhanh hơn rất nhiều - Ảnh 4.

Một điều quan trọng nữa là việc Chính phủ Việt Nam tập trung vào giáo dục và đào tạo. Đặc biệt, giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) đã trở thành một trong những trọng tâm mạnh mẽ tại các trường học trên khắp Việt Nam, từ bậc tiểu học, trung học đến bậc đại học. Điều này đảm bảo lực lượng lao động hiện tại và trong tương lai của Việt Nam có đủ các kỹ năng cần thiết trong công việc.

Chính phủ Việt Nam cũng đã làm rất tốt vai trò của mình khi vào thời gian này năm ngoái, Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Đây chính là một bước đi quan trọng thúc đẩy phát triển và kết nối các startup, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bền vững.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã tham gia vào rất nhiều hiệp định thương mại tự do, điển hình đó là EVFTA và CPTPP. Với tư cách là cựu đồng Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu, tôi rất vinh dự và tự hào về những gì Việt Nam đạt được từ các cơ hội này. Đặc biệt là hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 sẽ giúp Việt Nam thu hút nhiều đầu tư vào nhiều lĩnh vực hơn, tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn.

Điều này cũng sẽ thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng CNTT-TT. Khi Việt Nam tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT-TT, chuyển đổi số bằng mạng 5G sẽ kéo sự phát triển bền vững của các ngành như năng lượng, giao thông, sản xuất, tài chính, y tế, giáo dục, du lịch…

Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào: Với nền kinh tế số, tốc độ thay đổi của Việt Nam sẽ nhanh hơn rất nhiều - Ảnh 5.

Làm việc tại Việt Nam, ông ấn tượng với điều gì nhất?

Tại Ericsson, chúng tôi có đội ngũ lao động luôn làm việc chăm chỉ, năng động nhất. Tôi phải khẳng định lại một lần nữa là họ làm việc siêu chăm chỉ, siêu tập trung và kiên quyết để đạt được những mục tiêu nhất định. Họ làm việc nhóm rất giỏi, rất đoàn kết và luôn có chung một tầm nhìn, một chiến lược. Nhờ vậy mà các dự án của chúng tôi có hiệu quả rất cao và còn tiết kiệm rất nhiều chi phí.

Chúng tôi cũng sử dụng rất nhiều kỹ sư người Việt để thực hiện các dự án ở khắp thị trường nước ngoài. Hiện nay, rất nhiều nhân viên Việt Nam của Ericsson đang làm việc tai Philippines, Thụy Điển hoặc Úc để hỗ trợ các dự án đặc biệt, ví dụ như triển khai mạng 4G, 5G hoặc những dự án có tính chất tương tự.

Điều đặc biệt là không chỉ nhân viên của Ericsson mà ngay cả đối tác của chúng tôi cũng vậy. Không quan trọng là họ bao nhiêu tuổi, dù họ 20, 30, 40, hay thậm chí 60 tuổi, họ đều có một năng lượng rất trẻ trung. Ai cũng có tinh thần khao khát học hỏi để trở nên tốt hơn, tiến bộ hơn. Đó chính là những điều làm tôi thực sự ấn tượng.

Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào: Với nền kinh tế số, tốc độ thay đổi của Việt Nam sẽ nhanh hơn rất nhiều - Ảnh 6.

Tôi ngưỡng mộ việc người Việt Nam luôn có tinh thần tự cải thiện bản thân, tinh thần làm việc nhóm cao, cống hiến hết mình. Tôi thấy được niềm tự hào của họ khi đeo huy hiệu của công ty, dù là Ericsson, VNPT, Viettel, Vietnamobile, MobiFone… hay bất cứ một công ty nào khác.

Đấy cũng chính là một yếu tố quan trọng thu hút đầu tư. Tôi cho rằng, các doanh nghiệp trên thế giới lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư của họ không chỉ bởi chính trị ổn định, chính sách ưu đãi, cơ sở hạ tầng CNTT-TT tốt mà còn vì lực lượng lao động chăm chỉ, năng động.

Với tôi, trong tất cả những lý do khiến Việt Nam xứng đáng là điểm đến tuyệt vời, yếu tố con người chính là điều khiến đất nước này trở nên siêu đặc biệt.

Ông có thể chia sẻ một chút về cuộc sống của ông ở Việt Nam cũng như điều gì làm ông ấn tượng với văn hoá, con người Việt Nam đến như vậy?

Tôi đã ở Việt Nam khoảng 3 năm rưỡi. Hiện nay, tôi là Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Campuchia, Lào (Đông Dương) và Myanmar. Lần đầu tiên tôi đến Việt Nam là vào năm 1996, với một vai trò khác nhưng tôi vẫn luôn đồng hành cùng Ericsson.

Tôi rất vui khi làm việc ở Việt Nam, bởi luôn có những người bạn tuyệt vời khi làm việc cùng, cho dù là những người trong công ty hay các đối tác, khách hàng, Chính phủ. Tôi luôn có những trải nghiệm rất thú vị khi ở đây, đặc biệt với văn hóa và truyền thống của người Việt. Giá trị mà các bạn đặt lên gia đình, cha mẹ và tổ tiên.

Tôi đến từ Úc, cha mẹ tôi là người Ý và họ đã mất hơn 20 năm trước. Vì vậy, tôi luôn cảm thấy thiếu mối liên kết giữa gia đình, đặc biệt khi tôi ở một quốc gia xa lạ, không phải nơi mình được sinh ra, cũng như lớn lên. Nhưng khi ở Việt Nam, tôi luôn cảm thấy được gắn kết. Bởi mối liên kết gia đình ở Việt Nam rất mạnh mẽ và tôi luôn có cảm giác được chào đón. Đó là điều mà tôi rất trân trọng.

Ngoài ra, tôi rất yêu nghệ thuật Việt Nam. Tôi yêu điện ảnh với những bộ phim thời xưa của Việt Nam như Bao giờ cho đến tháng mười, Hà Nội mùa chim làm tổ năm 1978, Chung một dòng sông, Em bé Hà Nội… Tôi thích Lê Vân và hy vọng một ngày nào đó sẽ được gặp bà ấy, hay những diễn viên như Lan Hương, Như Quỳnh từ bộ phim Hà Nội mùa chim làm tổ.

Tôi còn rất yêu hội họa Việt Nam. Tôi có tình yêu mãnh liệt với những tác phẩm của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái. Tôi thích nghe nhạc Trịnh Công Sơn. Mới hơn nữa thì tôi thích nghe Mỹ Tâm...

3 lĩnh vực mà Ericsson sẽ đầu tư thêm vào Việt Nam

Ngoài viễn thông, lĩnh vực nào Ericsson muốn đầu tư tại Việt Nam trong tương lai?

Chúng tôi muốn đầu tư thêm vào các cơ sở sản xuất. Bởi dự kiến đến năm 2025, khoảng 2/3, tức là 67% tổng số nhà máy trên toàn cầu sẽ được đặt ở châu Á. Khi ngày càng có nhiều nhà máy sẵn sàng chuyển dịch sang châu Á thì tiềm năng Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất hàng đầu không chỉ trong khu vực mà trên thế giới sẽ càng lớn.

Khi ấy sẽ tạo ra làn sóng chuyển đổi số tại các doanh nghiệp trong mọi ngành nghề, lĩnh vực, bởi mọi doanh nghiệp đều muốn nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động.

Tiếp theo là ngành năng lượng. Hiện nay, chúng tôi đang làm việc với một số doanh nghiệp Thụy Điển về tiềm năng ngành năng lượng tại Việt Nam.

Một lĩnh vực nữa Ericsson muốn tham gia đó là vận tải hàng không. Cụ thể, chúng tôi muốn hỗ trợ quá trình chuyển đổi số tại các sân bay. Tương tự đối với ngành đường sắt. Ericsson hiện đang thảo luận và nghiên cứu xem có thể áp dụng 5G để làm sao cải thiện đường hệ thống đường sắt tại Việt Nam.

Quỳnh Lê Thiết kế: Hương Xuân

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên