Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến: Các bạn ở Nhật học xong đừng về nước ngay!
Tại Vietnam Summit in Japan 2019 sáng 16/11, các diễn giả đã chia sẻ những thông điệp cho các bạn trẻ Việt Nam đang học tập tại nước Nhật: Làm gì để sống sót trong làn sóng 4.0 và có thể đóng góp được nhiều hơn cho Việt Nam.
- 16-11-2019Phát triển Việt Nam thập niên 2020 có thể học tập gì từ Nhật Bản những năm 1960?
- 16-11-2019Thủ tướng chủ trì Diễn đàn quốc gia Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam
- 15-11-2019Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường: Ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành vấn đề báo động!
- 15-11-2019Việt Nam học được gì từ ngành công nghiệp trụ cột mới của Trung Quốc: Có giá trị gia tăng với GDP gần 1%
Là người phát biểu đầu tiên, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT nói: "Từ góc độ khởi nghiệp kinh doanh thì các bạn ở Nhật phải hiểu điểm mấu chốt để khởi nghiệp kinh doanh là gì.
Tôi xin trích dẫn 1 câu của một Việt kiều Canada khởi nghiệp rất thành công ở Trà Vinh: Cơ hội thành công kinh doanh của ổng là nỗi đau của người khác. Tức là phải nhìn ra người khác đang gặp vấn đề nhức nhối gì thì sẽ có những sản phẩm để giải quyết vấn đề của họ. Cách nghĩ này là nỗi đau của người khác là cơ hội của tôi".
Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software thì đề nghị: "Sau khi học xong các bạn đừng về nước ngay. Vì khi học xong mà về nước ngay, các bạn sẽ vô cùng phí phạm những gì mình đã học, những kiến thức, kể cả tiếng Nhật nữa.
Các bạn hãy cố gắng làm việc thật tốt, học được thật nhiều, tạo được rất nhiều quan hệ, kiến thức, xong 5 – 10 năm nếu nghĩ đến chuyện quay về Việt Nam, hẵng quay về. Và lúc ấy hãy quay về với một cái kiến thức đầy đủ, với một network, mối quan hệ đủ mạnh, thậm chí là những người nước ngoài nữa. Nếu các bạn mang cả người Nhật Bản về nữa thì càng tuyệt vời".
GS. Hồ Tú Bảo, Viện nghiên cứu cấp cao về Toán Việt Nam thì cho biết: "Nếu nghĩ làm gì đó cho Việt Nam thì nghĩ xem là cái gì mình có mà Việt Nam thiếu, tập trung vào những thứ đó. Kinh nghiệm của tôi trong 6, 7 năm vừa rồi đi dạy thì thấy cái nền ở Việt Nam phải làm rất là nhiều. Chúng tôi đang làm phần dưới, còn mời các bạn về thì làm phần Việt Nam chưa có. Đó là yếu tố quan trọng".
Với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, bà chia sẻ: "Người Việt Nam mình hiện nay đang toả ra học tập, làm việc, sinh sống ở nhiều nước khác nhau. Điều tôi mong muốn một điều là mỗi người vẫn nhớ mình là người Việt.
Chừng nào còn nhớ như vậy, còn mong muốn đóng góp gì đó cho trong nước thì có rất nhiều cơ hội, dù ở bất cứ nơi đâu. Hơn 90 triệu người dân trong nước, còn biết bao việc phải làm, chuyện nan giải còn phải giải quyết. Nên cơ hội vẫn ở đấy. Cho nên quan trọng nhất là ở bất cứ đâu mình phải nhớ mình là người Việt Nam, mình phải đóng góp gì đó cho đất nước mình".
GS. Trần Văn Thọ, Đại học Waseda thì nói: "Tôi nghĩ là nên tự hào về Việt Nam. Đất nước mình có một lịch sử lâu đời, hào hùng. Việt Nam hiện nay có gần 100 triệu dân, tương đối lớn, lại có cùng một ngôn ngữ, văn hoá như vậy rất ít. Nên Việt Nam mình trong tương lai thế nào cũng phát triển, mong các bạn trẻ đóng góp vào phát triển Việt Nam. Trong thời gian ở nước ngoài luôn gắn bó với Việt Nam, thích lịch sử , văn hoá là một cách gắn bó với Việt Nam".
Ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng ban Chiến lược Tập đoàn Viettel lại nhìn ở góc độ cơ hội thị trường. Ông nói: "Thị trường Việt Nam rất lớn, là thị trường có nhiều đất chưa được khai phá, luôn đón chờ những người như các bạn, có nhiệt huyết, kỹ năng. Chúng ta cũng cần thêm sự dũng cảm nữa. Tôi tin là mảnh đất lớn.
Vừa rồi chúng tôi làm nghiên cứu thì thấy VIệt Nam là một trong nước đông dân nhất thế giới. Mà nước nào đông dân nhất sẽ trở thành nước mạnh, chỉ là ở thời điểm sớm hay muộn thôi. Đất nước đang trông đợi các bạn rất nhiều".