Chủ tịch Hoà Bình tiết lộ năng lực đấu thầu gói 35.000 tỷ sân bay Long Thành
Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình - khẳng định, nếu có bất kỳ bất trắc nào đó xảy ra về tài chính với Xây dựng Hòa Bình hay thành viên nào trong liên danh thì Coteccons - đơn vị đứng đầu liên danh sẽ hỗ trợ.
- 11-07-2023Mặc dù thị trường hiện tại chưa khởi sắc, người Việt vẫn luôn “ấp ủ” mong muốn sở hữu đất nền
- 11-07-2023Lãi suất liên tục hạ, hơn 6 triệu tỷ đồng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng có tìm đường chảy vào bất động sản?
- 11-07-2023Hé lộ dự án nằm trên đất vàng tại Hà Nội mà đại gia Singapore chi 1.000 tỷ để mua cổ phần
Liên quan đến việc dự thầu gói thầu thi công nhà ga hành khách (gói thầu 5.10) thuộc dự án thành phần 3, sân bay Long Thành có tổng giá trị hơn 35.200 tỷ đồng, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) - cho biết, năng lực tài chính của Hòa Bình sẽ không ảnh hưởng gì đến dự án.
Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã được các ngân hàng cấp hạn mức riêng cho dự án này. Các chỉ số tài chính đã được cải thiện sau khi Tập đoàn đánh giá lại tài sản máy móc thiết bị và đã có nhà đầu tư mua lại với giá 1.100 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu cũng tăng mạnh sau khi các nhà cung cấp, nhà thầu phụ đăng ký mua cổ phiếu theo kế hoạch phát hành của Tập đoàn. Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng tự tin về việc thu được các khoản phải thu cho dù doanh nghiệp đã trích lập 1.700 tỷ đồng dự phòng nợ khó đòi.
Bên cạnh đó, ông Hải cho biết, nếu có bất kỳ bất trắc nào đó xảy ra về tài chính với Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình hay thành viên nào trong liên danh thì Coteccons - đơn vị đứng đầu liên danh sẽ hỗ trợ.
Trước đó, vào chiều 27/6, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2023. Tại đại hội, ngoài dàn lãnh đạo của Xây dựng Hoà Bình lại có sự xuất hiện của loạt lãnh đạo các công ty xây dựng trong ngành, gồm ông Bolat Duisenov - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Xây dựng Coteccons (mã chứng khoán: CTD), ông Trần Quang Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Xây dựng Central, ông Nguyễn Khắc Đồng - Tổng giám đốc Công ty Xây dựng An Phong.
Ông Lê Viết Hiếu - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình - cho biết, đây là đại diện các đối tác là liên minh Hoa Lư tham gia gói thầu dự án trọng điểm quốc gia sân bay Long Thành trị giá hơn 35.000 tỷ đồng cùng Hòa Bình.
Liên danh Hoa Lư đang được dẫn dắt bởi Công ty CP Xây dựng Coteccons. Liên danh này tập hợp các nhà thầu có tiếng trong nước để tham gia dự án sân bay Long Thành như Unicons, Delta, Central, An Phong, Hòa Bình, Thành An.
Các nhà thầu trong nước tham gia vào liên danh đều là những doanh nghiệp xây dựng lớn trong nước với kinh nghiệm đa dạng, đội ngũ kỹ sư xây dựng mạnh, từng có kinh nghiệm tham gia thi công một số hạng mục ở các sân bay trong nước.
Cụ thể, Tập đoàn Hòa Bình đã từng tham gia xây dựng các công trình hạ tầng quy mô lớn, gồm nhà thầu chính thi công nhà ga hành khách T2 sân bay Quốc tế Nội Bài năm 2012, mở rộng nhà ga hành khách sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất năm 2015.
Tập đoàn Hòa Bình cũng có kinh nghiệm triển khai các dự án hạ tầng khác như nhà điều hành Tổng Công ty Cảng Hàng không Miền Nam, hai dự án liên quan đến đường sắt đô thị TPHCM, trạm thu phí BOT và cầu cao tốc bắc qua sông… Cùng với đó là hàng loạt công trình trong các lĩnh vực trải dài từ công nghiệp, nhà ở, thương mại đến văn hóa, y tế, giáo dục.
Thành viên tiếp theo trong liên danh Hoa Lư là Công ty CP Xây dựng An Phong đã tham gia thi công các dự án hạ tầng lớn như cảng Cát Lái vào năm 2018, cầu Cửa Đại và tuyến đường ven biển Quảng Nam năm 2016. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng có nhiều kinh nghiệm với các công trình nhà ở, khách sạn, nhà máy, trường học, tòa nhà văn phòng và thương mại.
Trong khi đó, Coteccons đã và đang triển khai thi công nhiều công trình gắn liền với khu dân cư, khu công nghiệp, khách sạn quy mô lớn. Đối tác của Coteccons là các tên tuổi lớn như Vinhomes, Inter Continental, Hòa Phát và gần đây nhất là tập đoàn Lego của Đan Mạch…
Công ty Xây dựng Central Cons mới được thành lập vào năm 2017. Dù vậy, nhà thầu này đã có kinh nghiệm triển khai các công trình đa lĩnh vực từ khu dân cư, công nghiệp đến nghỉ dưỡng, cao ốc văn phòng và công trình y tế, giáo dục.
Ngoài ra, trong liên danh này còn có sự xuất hiện của Công ty Powerline Engineering Public Company Limited đến từ Thái Lan, đây là đơn vị từng tham gia xây dựng sân bay Suvarnabhumi của Thái Lan.
Gói thầu 5.10 là gói thầu lớn nhất của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, được mời thầu rộng rãi quốc tế lần đầu từ tháng 9/2022. Sau đó, ACV phải hủy thầu vì nhà thầu không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu.
ACV phải gia hạn thời gian nộp hồ sơ dự thầu để điều chỉnh hồ sơ mời thầu, kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng từ 33 tháng lên 39 tháng nhằm thu hút thêm nhà thầu tham dự.
Tiền Phong