Mặc dù thị trường hiện tại chưa khởi sắc, người Việt vẫn luôn “ấp ủ” mong muốn sở hữu đất nền
Trong quý II, thị trường đất nền khu vực phía Nam đã ghi nhận xu hướng bật tăng trở lại khi nguồn cung và lượng tiêu thụ tăng đáng kể so với quý trước, tăng lần lượt là 2,3 lần và 4,8 lần.
- 11-07-2023Lãi suất liên tục hạ, hơn 6 triệu tỷ đồng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng có tìm đường chảy vào bất động sản?
- 11-07-2023Hé lộ dự án nằm trên đất vàng tại Hà Nội mà đại gia Singapore chi 1.000 tỷ để mua cổ phần
- 11-07-2023Văn Phòng Chính phủ gửi văn bản hỏa tốc yêu cầu 4 bộ cùng vào cuộc gỡ vướng cho đại dự án Vinhomes Đan Phượng
Báo cáo thị trường quý 2 tại TP.HCM và vùng phụ cận (Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tây Ninh) của DKRA cho thấy, sau khi lượng cung liên tục sụt giảm trong 3 quý liên tiếp, thị trường đất nền khu vực này đã ghi nhận xu hướng bật tăng trở lại.
Cụ thể, trong quý 2 có tổng cộng 8 dự án đất nền được mở bán ở khu vực này, tương ứng với 867 nền, tăng gấp 2,3 lần so với quý trước nhưng vẫn giảm 68% theo năm.
Trong đó, thị trường chỉ có 3 dự án mới, còn lại là các dự án mở bán giai đoạn tiếp theo. Bình Dương là khu vực chiếm đa phần nguồn cung mới với tỷ lệ lên đến 79%. Xếp sau là Long An (10,8%), Đồng Nai (7,2%), Tây Ninh (1,8%).
Bên cạnh đó, sức cầu cũng chứng kiến sự khởi sắc khi có tới 378 nền được tiêu thụ trong quý II, tăng gấp 4,8 lần so với quý trước nhưng vẫn giảm 82% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ hấp thụ cũng lên tới 44%, trong khi con số này ở quý I chỉ dừng lại ở 20%.
Về giá bán, mặt bằng giá bán sơ cấp với sản phẩm đất nền không có nhiều biến động so với quý trước. Đa phần lượng giao dịch thành công đều đến từ những dự án đã hoàn thiện hạ tầng, pháp lý. Trong đó, TP.HCM vẫn là nơi có giá bán dự án mới cao nhất với số tiền dao động khoảng 42,1-74,7 triệu đồng/m2.
Ngược lại, thị trường thứ cấp ghi nhận mức giá giảm 10-12% so với cùng kỳ. Thanh khoản vẫn còn khá thấp và phần lớn tập trung ở nhóm dự án chưa hoàn thiện pháp lý.
Những động thái tháo gỡ vướng mắc pháp lý của Nhà nước, cùng với các lần giảm lãi suất và tăng cường giải ngân trong thời gian qua của ngân hàng được cho là tín hiệu tích cực, góp phần đẩy nhanh tốc độ hồi phục của thị trường bất động sản nói chung và phân khúc đất nền nói riêng trong thời gian tới.
DKRA dự báo nguồn cung đất nền trong quý III thậm chí còn cao hơn so với quý II, dao động ở 750-900 sản phẩm. Các mặt hàng mới tập trung chủ yếu ở các tỉnh vùng ven như Bình Dương, Đồng Nai, Long An...
“Sức cầu chung của thị trường dự kiến tăng nhẹ so với quý II, tuy nhiên khó có những đột biến trong ngắn hạn. Mặt bằng giá sơ cấp sẽ không biến động so với 6 tháng đầu năm 2023”, báo cáo của DKRA cho biết.
Không chỉ vậy, những chính sách chiết khấu cho phương án thanh toán nhanh dự kiến tiếp tục được các chủ đầu tư áp dụng nhằm đẩy mạnh giao dịch. Dẫu vậy, mức độ thanh khoản trên thị trường thứ cấp vẫn sẽ giữ ở mức trung bình, giao dịch phát sinh chủ yếu ở nhóm dự án đã hoàn thiện hạ tầng và pháp lý.
Ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc R&D DKRA Group chia sẻ: “Thời điểm thị trường bắt đầu giai đoạn phục hồi là lúc nên "xuống tiền" để mua bất động sản. Bởi đây là giai đoạn mà các chủ đầu tư tung chính sách bán hàng tốt với nhiều ưu đãi để kích cầu. Nếu tiếp tục chờ, người mua có thể sẽ đánh mất cơ hội sở hữu bất động sản giá tốt”.
Tại Báo cáo tâm lý người tiêu dùng BĐS (CSS) về các xu hướng nửa cuối năm 2023 của Batdongsan.com.vn cho thấy, 61% người tham gia khảo sát có dự định mua bất động sản trong một năm tới.
Trong số đó, 59% có nhu cầu mua để đầu tư và đất nền là loại hình được người mua tiềm năng hướng đến nhiều nhất (40%), sau đó mới đến chung cư (28%) và nhà riêng (21%).
Như vậy, theo đánh giá của đơn vị này, mặc dù tình hình thị trường hiện tại chưa khởi sắc, người Việt vẫn luôn “ấp ủ” mong muốn sở hữu đất nền, nhu cầu mua đất trong tương lai gần vẫn vượt trội so với các loại hình khác.
Nhịp sống thị trường