MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc Nguyễn Thiện Nhân nói về lý do Samsung đầu tư cả chục tỷ USD vào Việt Nam

“Vì sao Samsung đầu tư vào Việt Nam?”, Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc Nguyễn Thiện Nhân đã đặt ra câu hỏi này trong bài trình bày của mình trước nghị trường chiều ngày 3/11.

Ông Nguyễn Thiện Nhân chiều qua đã có hơn 10 phút trình bày trước nghị trường về vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế mà theo ông, nhân lực, hay chất lượng nguồn nhân lực là một trong những chân kiềng quan trọng.

“Năm 1996 chúng ta có 35 triệu lao động, năm 2016 có 54 triệu lao động, tức là sau 20 năm, số lao động tăng 19 triệu người. Dự kiến đến năm 2035, chúng ta có 68 triệu lao động. Đây là một tài sản rất quý giá, là lợi thế vô cùng quan trọng!”, ông nói.

Vì theo ông, hiện các nước phát triển đều đang trong quá trình thiếu, giảm lao động, nguyên nhân do tỷ lệ sinh ít đi. Trong khi đó, để lực lượng lao động ổn định mỗi phụ nữ cần phải sinh 2 con. Tuy nhiên, ở các nước phát triển như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, số con có của mỗi phụ nữ lần lượt chỉ là 1,25; 1,26; 1,4.

“Như vậy chúng ta có lợi thế lao động trong 30 năm nữa!”, ông Nhân cho biết.

Hơn thế, lao động Việt Nam cần cù sáng tạo và trình độ ngày càng nâng cao. Đặc biệt chi phí lao động của người Việt Nam rẻ hơn nhiều so với các nước.

Nguyên nhân là bởi chi phí lao động luôn luôn tỷ lệ với GDP/người. Do đó, khi nào GDP/đầu người của Việt Nam chưa vượt ngưỡng 25.000 USD trong 30 năm tới thì chi phí lao động khó có khả năng cạnh tranh.

“Hiện người lao động ngành chế tạo máy trong 1h ở Nhật Bản được trả gấp chúng ta 29 lần; ở Singapore gấp 20 lần; Hàn Quốc gấp 17 lần và Đài Loan gấp 8 lần. Một câu hỏi giản dị là vì sao Samsung vào Việt Nam, họ có công nghệ ở nhà, có vốn đầy đủ, họ chỉ thiếu lao động nên mới đầu tư vào Việt Nam!”, ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Cụ thể, trong khoảng 20 năm vào Việt Nam, Samsung Electronics cũng như các công ty vệ tinh trong hệ thống Samsung đã đầu tư cả chục tỷ USD để xây dựng những tổ hợp sản xuất quy mô lớn tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP Hồ Chí Minh. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư của Samsung đến năm 2017 có thể lên đến 20 tỷ USD.

Đầu tư nhiều nhưng lợi nhuận của Tập đoàn này cũng không hề nhỏ, thậm chí là rất lớn. Bởi nếu chỉ tính riêng Samsung Electronics Việt Nam (SEV) và Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) thì năm 2015, 2 công ty này đã đạt tổng doanh thu 33,4 tỷ USD và 3,1 tỷ USD lãi sau thuế. Mức lợi nhuận này bằng với tổng lợi nhuận của 2 tập đoàn kinh tế lớn nhất nước là Viettel và PVN cộng lại. Thành công này không chỉ bởi Samsung được hưởng nhiều ưu đãi về thuế mà còn là bởi vì họ đã tiết kiệm được một khoản rất lớn về chi phí nhân công.

Mặt khác, cũng theo ông Nguyễn Thiện Nhân, về năng suất lao động, nếu công nhân Việt Nam đứng một máy dệt hay máy tiện như công nhân các nước khác thì năng suất hoàn toàn tương đương. Tức là năng suất về sản phẩm không thua các nước khác nhưng tính năng suất bằng tiền bao giờ cũng thấp hơn.

“Trong năng suất bằng tiền có thu nhập của chủ doanh nghiệp và nhà máy thì lương của chúng ta thấp so với các nước hàng chục lần cho nên năng suất tính bằng tiền chúng ta thấp nhưng năng suất kỹ thuật không hề thấp. Chúng ta trồng lúa, điều, nuôi cá bao giờ năng suất cũng thuộc vào loại cao nhất thế giới nhưng nông dân Việt Nam vẫn nghèo!”, ông Nhân lý giải.

Do đó, ông cho rằng trong thời gian tới, để tái cơ cấu nền kinh tế thành công cần phải coi trọng tối đa việc sử dụng nguồn vốn “con người” đầy quý giá này.

“Sử dụng, phát huy vốn con người là ưu tiên số một”, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên