MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch PVN: 'Doanh nghiệp nhà nước muốn gì cũng phải xin đến tận... ông cố'

Phát biểu của Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí VN Trần Sỹ Thanh - ĐBQH tỉnh Lạng Sơn - tại phiên thảo luận tổ về Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp gây được nhiều chú ý.

Chiều nay, 15/11, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV tiếp tục với phiên thảo luận tại tổ về Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

Trái ngược với việc nhiều doanh nghiệp tư nhân muốn làm doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh lại bày tỏ mong muốn PVN được như doanh nghiệp tư nhân.

"DNNN được ưu ái, tiếp cận nguồn lực dễ hơn", điều này theo ông Thanh cũng có phần đúng. Tuy nhiên, người đứng đầu PVN lại cho rằng, bản chất của "việc ưu ái" này là "làm bao nhiêu phải nộp hết bấy nhiêu, chỉ giữ lại một phần để tái đầu tư". Theo ông Trần Sỹ Thanh, với cơ chế như thế thì "cũng không thấy ưu ái gì hơn".

Chủ tịch PVN: Doanh nghiệp nhà nước muốn gì cũng phải xin đến tận... ông cố - Ảnh 1.

Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh.


Ông Thanh cho rằng, trong khi không được ưu ái gì thì thủ tục với DNNN lại vô cùng phức tạp, khi phải sống "trong một ngôi nhà ngũ đại đồng đường".

Chủ tịch PVN ví von, doanh nghiệp đã trưởng thành đến thế hệ thứ 5, làm ăn cũng như "va đập" rồi nhưng động cái gì cũng phải xin, "không phải xin bố mình mà xin đến ông cố".

"Cho nên DNNN chỉ mong muốn trở thành doanh nghiệp tư nhân", ông Thanh nói và so sánh mong muốn này cũng giống như doanh nghiệp tư nhân muốn thành DNNN để tiếp cận các nguồn tài nguyên, tài chính nhẹ nhàng hơn.

Ông lấy ví dụ thực tế từ PVN, có công ty cổ phần thực hiện việc chuyển tiền từ năm ngoái (2018) đến nay là 40 triệu USD (khoảng 800 tỉ đồng) về Việt Nam trong một hợp đồng liên doanh, đã hoàn thành xong nhiệm vụ và thực hiện rút tiền, nhưng vẫn không lấy tiền ra tiêu được.

Ông Thanh cho rằng luật pháp hiện nay đang có vấn đề, xung đột từng câu, từng chữ nên không có cách làm luật bài bản và chuyên nghiệp hơn thì rất khó hiệu quả.

Với quan điểm "có khi không sửa thì ít sai, càng sửa càng sai" trong việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp, ông Thanh cho rằng mỗi người chỉ tiếp cận một góc vấn đề hoặc một hiện tượng, nhưng không hiểu được rằng để vận hành cả bộ máy hành chính, bộ máy của các doanh nghiệp, thì cần chạy cả mô hình.

Do đó, ông đề nghị Chính phủ nên dành thời gian, công sức để thiết lập các mô hình giả định, giao cho nhóm công tác của các bộ ngành chạy song song luật cũ và luật mới, xem luật mới có ưu việt hay không, có đạt được mong muốn quản lý hay không. Mục tiêu là từ đó phát hiện ngay xung đột pháp luật và để luật mới ban hành chặt chẽ.

Theo Đào Bích

VTCnews

Trở lên trên