Chủ tịch Quốc hội "nhắc" Bộ trưởng trả lời có bao nhiêu đề tài nghiên cứu còn "trong ngăn kéo"
Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt trả lời không đi vào trọng tâm câu hỏi đại biểu Quốc hội đặt ra, được Chủ tịch Quốc hội nhắc.
- 07-06-2023Chăm lo, hỗ trợ người lao động vượt khó
- 07-06-2023Giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm đạt hơn 20% kế hoạch
- 06-06-2023Thủ tướng chỉ đạo khẩn về cung ứng điện: Xử lý dứt điểm các dự án NLTT đã đầu tư xây dựng nhưng không kịp hưởng giá FIT ngay trong tháng này
Ngày 7-6, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Huỳnh Thành Đạt, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đặt câu hỏi chất vấn đến nay có bao nhiêu đề tài nghiên cứu khoa học sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước đã đưa vào ứng dụng trong thực tiễn, có bao nhiêu đề tài mang lại hiệu quả thiết thực?
Đại biểu Lê Thanh Vân chất vấn Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt. Ảnh: Phạm Thắng
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề cập đến việc ngân sách hàng năm bố trí bao nhiêu cho ngành khoa học công nghệ trong bối cảnh ngân sách còn khó khăn.
Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã "nhắc" Bộ trưởng đi thẳng vào vấn đề đại biểu chất vấn. "Đại biểu Lê Thanh Vân hỏi có bao nhiêu đề tài nghiên cứu khoa học đã ứng dụng được, bao nhiêu đề tài đang để ở trong "ngăn kéo" - Chủ tịch Quốc hội nhắc lại.
Sau khi được đề nghị "đi thẳng vào nội dung câu hỏi", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết nghiên cứu khoa học công nghệ là lĩnh vực có tính chất đặc thù, bản chất là đi tìm cái mới nên có thể thành công hoặc thất bại, có thể thành công sớm hoặc thành công muộn. "Do vậy, để tính toán bao nhiều đề tài đã được đưa vào ứng dụng là điều khó xác định" - Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu mở đầu phiên chất vấn. Ảnh: Phạm Thắng
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, điểm quan trọng là làm sao để xác định kết quả nghiên cứu khoa học trước hết phục cho phát triển kinh tế - xã hội, sau đó là nâng cao năng lực của đội ngũ các nhà nghiên cứu. Bởi theo Bộ trưởng, kết quả nghiên cứu khoa học của các trường, các viện nghiên cứu cũng góp phần nâng cao uy tín của các trường Đại học "trên bản đồ xếp hạng các trường Đại học của thế giới".
Tư lệnh ngành khoa học - công nghệ cũng thẳng thắn nhìn nhận các đề tài nghiên cứu khoa học để có rủi ro và có độ trễ khi thực hiện. Theo Bộ trưởng, không phải đề tài nghiên cứu nào cũng có thể chuyên giao và đưa vào ứng dụng ngay. "Việc chuyển giao, thương mại hoá, đưa vào ứng dụng không phải nhiệm vụ chính của các nhà khoa học. Đó là nhiệm vụ của các đơn vị trung gian, kết nối giữa các trường, các viện với doanh nghiệp"- ông Huỳnh Thành Đạt nói.
Bộ trưởng Bộ KH-CN cũng thừa nhận các cơ chế, chính sách khuyến khích việc chuyển giao công nghệ từ các trường, viện nghiên cứu ra xã hội còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Với vai trò của ngành, thời gian tới, Bộ KH-CN sẽ tham mưu Chính phủ sửa đổi các quy định pháp luật để nâng cao tính ứng dụng trong hoạt động nghiên cứu.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng nhấn mạnh sẽ có thống kê cụ thể hơn về tính ứng dụng của các đề tài nghiên cứu khoa học để báo cáo đại biểu Quốc hội.
Người lao động